Ngày 27/5, Quốc hội dành một ngày thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - đoàn Tiền Giang nhấn mạnh, vấn đề đầu tiên là xâm hại tình dục trẻ em mà đối tượng thực hiện hành vi là những người có quan hệ thân thích, quan hệ ruột thịt với nạn nhân.
Cá biệt có trường hợp trẻ em em bị chính ông, cha mình xâm hại.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Đây là một hiện tượng rất đáng báo động, nó đã xô ngã các giá trị đạo đức của dân tộc, làm phai mờ luân lý của con người mà các vụ việc chỉ được sáng tỏ khi chính những người trong cuộc lên tiếng kêu cứu hoặc can đảm đứng ra chấn chỉnh những hành vi phạm tội.
"Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu còn bao nhiêu trường hợp tương tự như trên nhưng chưa được đưa ra ánh sáng, kẻ thủ ác chưa bị trả giá do các hành vi của mình đã gây ra.
Nhiều vụ việc vừa qua cho thấy các hành vi xâm phạm có khuynh hướng diễn ra trong thời gian dài, nạn nhân e dè, sợ sệt, không dám lên tiếng.
Những người thân thích của nạn nhân không biết để kịp thời tố cáo, còn những người biết thì lại thờ ơ, bàng quan, sợ liên lụy, không trình báo kịp thời với cơ quan chức năng, với chính quyền địa phương.
Có địa phương có lúc, có nơi chậm vào cuộc xem xét tình báo làm hành vi xâm hại kéo dài, gây nhiều hệ lụy cho nạn nhân, làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của vụ việc", đại biểu đánh giá.
Vấn đề thứ hai, đại biểu nêu là vấn đề bạo lực học đường mà đối tượng thực hiện hành vi là những trẻ em trong lứa tuổi vị thành niên.
Cá biệt có những vụ việc, hành vi xâm phạm mang tính hung hăng, có sử dụng vũ khí, có nhiều người tham gia hầu hết lại đứng về phía kẻ ức hiếp.
Chúng hô hào, cổ vũ, quay clip vụ việc để lưu lại như một chiến tích, một thành quả, đôi khi còn quá quắt hơn là đăng trên các mạng xã hội để thể hiện bản lĩnh.
Điều này thể hiện được lối sống, nhận thức, suy nghĩ lệch lạc của bộ phận trẻ em vị thành niên hiện nay.
"Thiết nghĩ trong trường học phải là nơi an toàn cho học sinh, giúp cho chúng ta có thể an tâm, gửi gắm con đến trường để tiếp thu nền tri thức và giáo dục văn minh của mỗi con người.
Nhưng bởi chính bạo lực học đường đã tạo ra rào cản vô hình to lớn, làm cho hầu hết các nạn nhân không chỉ mỗi khi đến lớp mà còn cả trong cuộc sống ở ngoài nhà trường.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc cố ý gây thương tích giữa các học sinh với nhau có những nguyên nhân xuất phát từ bạo lực học đường và cách cư xử thô lỗ, thái độ câm nín, cam chịu của những người trong cuộc, cùng với hành vi kích bác của những bạn bè đồng trang lứa xung quanh.
Nhiều vụ việc đánh nhau giữa các học sinh được đăng tải trên mạng xã hội đã tạo ra các tác động trái chiều.
Nạn nhân trở nên thu mình hơn, còn người chiến thắng thì được đám đông tôn vinh, hô hào và ngày càng trở nên hung hăng để thể hiện được bản lĩnh của mình và bạo lực học đường sẽ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh qua nhiều thế hệ.
Hơn nữa, hầu hết nguyên nhân của bạo lực học đường thường đến từ các mâu thuẫn phát sinh trong học trường.
Các mâu thuẫn này đôi khi chỉ là một câu nói bâng quơ, một cái nhìn không thiện cảm hoặc những cái vặt vãnh rất là nhỏ nhặt.
Lẽ ra chính nhà trường, các thầy giáo, cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải là người sâu sát với học sinh, kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn nhằm sớm tổ chức ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường ngay từ khi nó còn là mầm mống.
Vậy mà bao nhiêu vụ việc được xem xét trách nhiệm của những người này trong thực tế, trách nhiệm là cần sự tự nhận thức chứ việc chờ gọi tên, chờ xử lý đối với những người thầy, người cô sẽ là một tấm gương xấu thiết thực cho bài học trách nhiệm này.
Như chúng ta đã biết việc xấu thông thường thì lại sao chép nhanh và mạnh hơn so với những điều tốt", đại biểu nêu quan điểm.
Vấn đề thứ ba, theo đại biểu, một trong những mẫu số chung cho hai thực trạng vừa nêu trên chính là vai trò của gia đình.
Gia đình là nơi hầu hết trẻ em được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên, ảnh hưởng của gia đình tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của mỗi con người sau này.
Hơn hết, tính cách của trẻ em phản ánh một phần tính cách của cha mẹ chúng, môi trường chúng lớn lên và cả môi trường chúng được dạy dỗ.
Sự đổ vỡ của gia đình ngày càng nhiều như hiện nay được phản ánh qua con số ly hôn thực tế tăng nhanh trong thập niên gần đây, cùng với sự gia tăng tỷ lệ thuận với số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ việc xâm hại trẻ em tại hầu hết các địa phương đã nói lên những điều này.
Theo đại biểu, phòng, chống xâm hại trẻ em ngoài các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, chúng ta cần nhìn nhận thiết thực hơn về vấn đề này.
Đây chính là tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh để mọi trẻ em được ăn no, mặc ấm, không nghĩ đến chuyện cơm, áo, gạo, tiền, có đời sống tình cảm trong sáng, phong phú, tập trung học tập để trở thành người có ích cho đất nước, cho xã hội mai sau.
Đây chính là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người chúng ta khi đứng ở mọi góc độ khác nhau.
Do vậy, từng người chúng ta hãy cùng nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, giáo dục con cái của mình, của người khác để kịp thời phát hiện và sửa chữa những khuyết điểm này ngay khi không quá muộn.