Bài viết này sẽ nhắc lại ngắn gọn về lịch sử và cơ sở lý luận của vấn đề, tình trạng triển khai tự chủ đại học ở nước ta qua việc áp dụng thể chế Hội đồng trường và đề xuất một số phương hướng xử lý những khó khăn và thúc đẩy việc áp dụng tự chủ đại học trong hệ thống giáo dục đại học nước ta.
1. Một chủ đề không mới
Tự chủ đại học là một chủ đề không hề mới, nó được nói đến rất nhiều trên thế giới và ở nước ta, và chắc sẽ còn được bàn cãi tiếp tục và mãi mãi, khi nào trên đời này còn tồn tại trường đại học.
Các loại nhà trường khác nhau đã ra đời trên thế giới cách đây gần ba nghìn năm, nhưng khi tìm cách xác định thời điểm ra đời của trường đại học, các nhà nghiên cứu lịch sử giáo dục đại học phương Tây đã thống nhất với nhau rằng khi nào xuất hiện loại nhà trường có quyền tự chủ (đối với nhà nước và nhà thờ), thì xem như bắt đầu có trường đại học [The History of Higher Education, 1997].
Ở châu Âu đó là vào khoảng thế kỷ thứ 12, với trường Bologna ở Ý và một số trường khác ở Anh, Pháp.
Tuy nhiên, khái niệm tự chủ đại học được nhắc đến nhiều nhất với sự ra đời của đại học kiểu Humboldt vào đầu thế kỷ 19 ở Đức, với các tiêu chí: tự chủ, tự do học thuật và gắn kết giữa giảng dạy với nghiên cứu [Lâm Quang Thiệp, 2018].
Vận dụng kinh nghiệm quốc tế, trong thập niên đầu đổi mới sau năm 1986 ở nước ta, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học đã được đưa vào Luật Giáo dục đầu tiên năm 1998 (lúc đó cụm từ sau còn được gọi là tự chịu trách nhiệm).
Để đảm bảo thực thi các khái niệm đó trong các cơ sở giáo dục đại học, thực thể Hội đồng trường được đưa vào Điều lệ trường đại học đầu tiên năm 2003.
Tuy nhiên khái niệm Tự chủ đại học và thể chế Hội đồng trường trong nhiều năm vẫn không đi vào được cuộc sống vì những cơ chế còn tồn tại từ thời kỳ bao cấp trước đổi mới.
Cơ chế kìm hãm các trường đại học nặng nề nhất là cơ chế bộ chủ quản và trường trực thuộc.
Theo cơ chế này Bộ chủ quản có quyền quyết định hầu như toàn bộ các vấn đề tài chính và tổ chức, nhân sự của trường đại học trực thuộc, nhà trường chỉ còn nhiệm vụ thực thi.
Để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển, trong khoảng hai thập niên qua một quá trình vận động điều chỉnh luật lệ đã liên tục diễn ra.
Thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng, ảnh minh họa, nguồn: tdtu.edu.vn |
2. Nhắc lại cơ sở lý luận về quản trị và quản lý cơ sở giáo dục đại học theo thông lệ quốc tế
Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ, việc quản trị và quản lý đòi hỏi đồng thời hai loại cơ chế: một cơ chế kiểu hội đồng để chỉ đạo hướng phát triển, tức quản trị, và một cơ chế để điều hành việc thực hiện, tức quản lý.
Dưới đây chúng tôi xin tóm tắt các cơ chế đó. Mô tả đầy đủ hơn có thể tham khảo ở [Lâm Quang Thiệp, 2013].
Cơ chế thứ nhất bao gồm những người được bầu chọn, đại diện cho những nhóm người có lợi ích liên quan (stakeholders), quan hệ với nhau bình đẳng theo chiều ngang, chỉ đạo tổ chức bằng những nghị quyết của tập thể hội đồng.
Cơ chế thứ hai có cấu trúc kiểu tập quyền, tầng bậc (hierachical), quan liêu (bureaucratic), quan hệ theo kiểu trên dưới theo chiều đứng (cấp trên cử người quản lý cấp dưới, cấp dưới tuân thủ cấp trên), điều hành công việc bằng quyết định của cá nhân người phụ trách.
Trong trường đại học cơ chế thứ nhất chính là Hội đồng trường, cơ chế thứ hai là bộ máy lãnh đạo và quản lý của hiệu trưởng.
Tại sao cần phải có cơ chế kiểu Hội đồng trường?
- Để “định giá” sản phẩm và dịch vụ, vì cơ sở giáo dục đại học hoạt động trong một thị trường không hoàn hảo.
- Đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của các nhóm người có lợi ích liên quan;
- Ra quyết định đa mục tiêu, tùy thuộc vào sở thích của người ra quyết định, người đó phải đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng;
- Giảm sự tổn thất do giao quyền khi tách rời giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng;
- Để dám đưa ra những quyết định chấp nhận sự rủi ro nhằm tạo nên sự đổi mới, phát triển cho tổ chức.
Hội đồng trường có các chức năng gì?
- Làm cầu nối giữa chủ sở hữu cộng đồng (các nhóm người có lợi ích liên quan) và nhà trường.
- Xây dựng chính sách, kế hoạch tổng thể, sử dụng chính sách làm công cụ để quản trị nhà trường.
- Lựa chọn hiệu trưởng có năng lực đứng đầu bộ máy điều hành;
- Giám sát và đánh giá việc triển khai thực thi của hiệu trưởng đối với các chính sách và kế hoạch tổng thể đã được Hội đồng trường đề ra.
Hiệu trưởng có vai trò và nhiệm vụ gì?
- Hiệu trưởng đứng đầu bộ máy điều hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng mọi chính sách và kế hoạch tổng thể mà Hội đồng trường đề ra;
- Làm cầu nối giữa Hội đồng trường và mọi thành viên trong trường.
- Chịu trách nhiệm giải trình (đại diện cho bộ máy) trước tập thể Hội đồng trường về các hoạt động của nhà trường, đảm bảo thành tựu của các chính sách được đề ra và không vi phạm những giới hạn điều hành đã được quy định.
Quan hệ giữa Hội đồng trường với hiệu trưởng và các thành viên nhà trường
- Hội đồng trường lãnh đạo và quản trị cơ sở giáo dục đại học qua hiệu trưởng chứ không trực tiếp tác động đến bộ máy của hiệu trưởng, được thực hiện bằng nghị quyết của toàn thể Hội đồng trường chứ không phải từ các thành viên trong hội đồng.
Hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình với tổng thể Hội đồng trường chứ không phải với từng thành viên của hội đồng.
Quan hệ giữa hiệu trưởng và các thành viên Hội đồng trường là quan hệ cộng sự, ngang hàng chứ không phải trên dưới.
Quan hệ giữa chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng cũng là quan hệ ngang hàng, hỗ trợ nhau, chứ không phải trên dưới.
- Hội đồng trường phải lãnh đạo chiến lược chứ không sa vào các quyết định chiến thuật, do đó khi đã có chính sách và kế hoạch tổng thể, Hội đồng trường phải giao quyền đầy đủ cho hiệu trưởng, không nên can thiệp vào việc điều hành cụ thể của hiệu trưởng.
- Để đảm bảo cho nhà trường được vận hành như là một thực thể tự chủ và dân chủ, không nên để hai chức vụ này cho một người kiêm nhiệm.
3. Chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục các cản trở hoạt động của Hội đồng trường
Thể hiện quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học, Đảng và Nhà nước đã đề xuất một số ý tưởng chỉ đạo về hoạt động của Hội đồng trường.
Từ năm 2005, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới giáo dục đại học của Chính phủ đã quy định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Theo quy định này, khi đã đưa vào Hội đồng trường đại diện của bộ chủ quản thì sự quản trị của bộ chủ quản không được thực hiện trực tiếp nữa mà thông qua đại diện này.
Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ lại nói rõ: “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường)”.
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập cũng chỉ đạo cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”, và quy định cụ thể “bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch Hội đồng trường”.
Qua các văn bản nêu trên có thể thấy các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nhất quán chỉ đạo xóa bỏ bộ chủ quản và nâng cao vai trò của Hội đồng trường.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trên con đường thực hiện quyền tự chủ đại học nói chung và thể chế Hội đồng trường nói riêng.
(Còn nữa)