Đâu là giới hạn của học phí trong tự chủ?

14/06/2020 06:29
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, xác minh mức thu học phí của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 11/6, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, quy định về chính sách học phí các cấp học căn cứ theo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018.

Đặc biệt, thẩm quyền trách nhiệm, ban hành mức thu học phí và trách nhiệm kiểm tra giám sát đã được quy định rõ.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ quan chủ quản (Bộ ngành/địa phương) trực tiếp có trách nhiệm thẩm định, quyết định/ phê duyệt/ thống nhất phương án phân loại mức độ tự chủ về tài chính của cơ sở giáo dục đại học trực thuộc, bao gồm cả phương án thu - chi tài chính theo đúng Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư 71/2006/TT-BTC.

Trong đó, phải đảm bảo mức thu học phí theo đúng quy định tại Luật giáo dục đại học và Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Đồng thời, cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc trong việc thực hiện chính sách học phí theo quy định.

Các cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời đáp ứng điều kiện tự chủ theo quy định tại Điều 32, Luật giáo dục đại học.

Theo đó, các cơ sở được tự chủ xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Công tác này thực hiện theo Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Cơ quan chủ quản trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách học phí của các cơ sở giáo dục đào tạo được giao chủ quản, xử lý sai phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, với người học về các chức năng được giao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, xác minh mức thu học phí của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, xác minh mức thu học phí của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Cơ sở giáo dục đại học công lập chưa đáp ứng điều kiện tự chủ theo quy định tại Điều 32 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại họcthì tiếp tục thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Trong đó, quy định trần mức tăng học phí hàng năm từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 tăng bình quân 8%- 10%/năm. Các trường được xác định mức tăng học phí hàng năm, nhưng không được vượt trần Nghị định 86.

Các cơ sở giáo dục đại học tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, theo Khoản 3 Điều 65 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý các trường đại học công lập trực thuộc tỉnh, các trường đại học tư thục trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí của các cơ sở giáo dục đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh theo quy định.

Tự chủ phải đảm bảo quyền lợi người học

Trong quá trình thực hiện tự chủ, cơ sở đào tạo cần xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan chủ quản ban hành và các quy định, hướng dẫn hiện hành phù hợp với chất lượng đào tạo.

Cơ sở đào tạo được tự xác định học phí nếu đáp ứng được các điều kiện tự chủ theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành mức thu học phí phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo tương xứng với chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, các cơ sở có trách nhiệm công khai, minh bạch và cam kết chất lượng; Giải trình với xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về việc xây dựng mức học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết và lộ trình tăng học phí phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.

Việc công khai mức thu học phí và lộ trình tăng học phí từng năm và cả khóa học thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Đáng chú ý, cơ sở đào tạo khi xây dựng mức thu học phí cần phải tính đến các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách thông qua các hình thức như:

Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn; chỉ tiêu cho các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, các chính sách hỗ trợ khác.

Như vậy, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý cần phải hiểu, tự chủ, không đồng nghĩa với “muốn làm gì thì làm”, “thu học phí mức cao bao nhiêu thì thu”.

Tự chủ cần được nhìn nhận đúng dưới trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình báo cáo, minh bạch thông tin về mức thu học phí, lộ trình tăng học phí; cam kết chất lượng của nhà trường; nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Cần quy định cụ thể khung và trần học phí

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất tích cực nghiên cứu, trình phê duyệt các văn bản làm cơ sở pháp lý để các trường thực hiện tự chủ; Trực tiếp quản lý, giám sát tình hình thực hiện chính sách học phí và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chấn chỉnh công tác lạm thu, hướng dẫn thực hiện chính sách học phí, phân định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm tại các cơ sở Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định quản lý nhà nước về giáo dục tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP.

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố văn bản số 1620/BGDĐT-KHTC ngày 11/5/2020 nhằm chấn chỉnh việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo năm học 2020-2021, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ giáo dục để bình ổn mặt bằng giá thị trường, giảm khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong đó, quán triệt các Ủy ban nhân dân xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Uỷ ban nhân dân hướng dẫn các trường thu học phí trong thời kỳ nghỉ dịch Covid -19 đảm bảo nguyên tắc thu học phí theo đúng số tháng thực học không quá số tháng quy định một năm học.

Riêng mức thu học trực tuyến phải thỏa thuận tự nguyện với phụ huynh học sinh trên cơ sở lấy thu bù chi, phân bổ chi phí đầu tư hợp lý theo quy định (không được tính cả chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin vào mức thu của một vài năm học), để đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, khuyến khích các trường có chính sách miễn giảm học phí học chính thức, cũng như học phí học trực tuyến cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, giúp giảm đi phần nào gánh nặng cho gia đình học sinh.

Cá biệt, trong thời gian vừa qua, báo chí phản ánh một số trường tự chủ đã ban hành, thông báo mức thu chưa hợp lý, không phù hợp với quy định.

Cụ thể trường hợp của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, xác minh thông tin về mức thu học phí của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh theo phản ánh của báo chí, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để trả lời công khai cho người học và toàn xã hội.

Thời gian tới, được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất cần đưa quy định cụ thể khung và trần học phí phù hợp với các chuẩn kiểm định và chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí của các cơ sở giáo dục đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục tại địa phương theo quy định.

Học phí được áp dụng theo quy định khung học phí của năm học 2015-2016 tại Nghị định 86. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng để điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp (trung bình khoảng 3-5%).
Thùy Linh