Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một đại học công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ từ khi thành lập; các khoản chi thường xuyên, mua sắm trang thiết bị dạy-học phòng thí nghiệm, đầu tư cơ bản và cơ sở đều phụ thuộc vào nguồn thu chủ yếu là học phí do sinh viên, học viên đóng hằng năm. Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự cân đối hiệu quả.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng thuyết phục khách đến thăm Trường bằng màu xanh thân thiện |
Tuy nhiên, việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ công tác của hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đúng vào thời điểm xã hội và nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, tuyển sinh, nhập học, khai giảng...của mọi trường đều khó khăn.
Quyết định tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng này đã giáng thêm một đòn rất mạnh, khiến số lượng sinh viên đăng ký nhập học, sinh viên nhập học và đóng tiền đều giảm; dẫn đến tất yếu sẽ giảm nguồn thu; không đủ tài chính để trang trải chi phí hoạt động, thu nhập cho giảng viên, viên chức, người lao động; và đặc biệt là các dự án đầu tư mở rộng năng lực giáo dục, khoa học-công nghệ để bảo đảm chất lượng, trụ hạng quốc tế đã có của Trường.
Đây là thiệt hại rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được trong năm học 2020-2021 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Người biết được tình hình ai cũng phải đặt ra câu hỏi rằng: Tổng Liên đoàn có ý định gì khi ban hành quyết định đình chỉ công tác Hiệu trưởng ngay đúng thời điểm này?. Chưa nói đến chuyện đúng-sai về thẩm quyền đình chỉ chức vụ người đứng đầu một đơn vị hoàn toàn tự chủ; chỉ nói việc ngay cả khi làm đúng, thì động thái này có đánh sập Trường Đại học Tôn Đức Thắng về kinh tế và uy tín không? Và nếu có khả năng đó, thì mục đích tiếp theo là gì?
Các năm trước, tỉ lệ nhập học vào Trường luôn cao và ổn định (ảnh: TDTU) |
Được biết, ngày 25/8, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức công bố quyết định về công tác cán bộ.
Hiệu trưởng, Giáo sư Lê Vinh Danh bị tạm đình chỉ công tác điều hành trong vòng 90 ngày để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho Tiến sĩ Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014 – 2019 quản lý, điều hành hoạt động trường trong 90 ngày với vai trò “Người đại diện”.
Tính đến giữa tháng 9/2020, chia sẻ với chúng tôi, cô La Vũ Thùy Linh, Phó trưởng Phòng đại học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết:
Để chia sẻ khó khăn với nhân dân vì ảnh hưởng của đại dịch COVID, tại kỳ họp cuối của Hội đồng trường vào tháng 3/2020, thầy Hiệu trưởng Lê Vinh Danh đã đề xuất và hội đồng trường đồng ý, có nghị quyết duy trì mức học phí năm học 2020-2021 như năm ngoái, không tăng phí cho bất cứ loại hình đào tạo nào.
Chính vì vậy, đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ, thì số lượng hồ sơ mà nhà trường nhận được (khoảng 21.000 hồ sơ) cao hơn 30% so với năm 2019 thậm chí số lượng học sinh dự tuyển đa số đang học tập tại các trường trung học phổ thông trọng điểm, trường chuyên của các địa phương.
Sau khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố quyết định đình chỉ Hiệu trưởng thì số lượng học sinh xác nhận học tập tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã giảm đáng kể. (ảnh: TDTU) |
Dựa vào số lượng đó, Ban tuyển sinh của trường đã dự đoán tỷ lệ nhập học khá cao. Tuy nhiên, sau khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố quyết định đình chỉ Hiệu trưởng thì số lượng học sinh xác nhận học tập tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã giảm đáng kể.
“Số lượng hồ sơ cao hơn 30%, nhưng tỷ lệ xác nhận nhập học lại giảm khoảng 8% so với năm ngoái. Đó là xác nhận nhập học; còn chuyện các em có đến làm thủ tục, đóng tiền để vào học hay không thì có thể sẽ còn giảm nữa”, cô Linh cho biết.
Khi học phí không tăng bất cứ khoản nào để chia sẻ khó khăn cho người học, cho nhân dân, số người nhập học thực tế lại giảm, thì nguồn thu của Trường tất yếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo cô Linh, trong thời gian qua, quyết định đình chỉ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ tuyển sinh; bởi lẽ nếu học sinh, phụ huynh nào vẫn tin vào sự công bằng và khả năng phục hồi chức vụ Hiệu trưởng, thì vẫn không bị ảnh hưởng tâm lý.
Trong thực tế, có một phụ huynh đã có 3 con học tại Trường và năm nay vẫn đưa cháu tới nhập học. Nhưng có nhiều thí sinh, gia đình ở xa, không được tiếp cận thực tế; nên thông tin trên truyền thông khiến họ lo lắng, bất an và đã thay đổi chọn lựa.
Còn đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì các em đã đăng ký nguyện vọng và lượng thí sinh chọn Trường Đại học Tôn Đức Thắng là khá cao, khoảng hơn 40.000.
Tuy nhiên từ 19-27/9 sắp tới các em được quyền thay đổi nguyện vọng; thì không biết con số này sẽ dao động ra sao trước tình hình phụ huynh đang lo ngại về sự bất ổn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, về khả năng giữ gìn được chất lượng hoạt động của Trường như trước đây!.
Sảnh ký túc xá của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: T.L) |
Cô Linh chia sẻ, không thể chối cãi được rằng việc ban hành quyết định đình chỉ công tác điều hành của Hiệu trưởng ở một trường tự chủ tốt nhất đất nước, đang được xếp TOP 800 đại học xuất sắc nhất thế giới; và ban hành một cách trái luật; mà lại không gây ra tâm lý hoang mang, lo ngại về tính bất định, bất ổn của hệ thống giáo dục và cơ chế tự chủ, nguyên nhân đã làm nên sự thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Cũng theo cô Linh, giữa lúc tuyển sinh khóa mới, lễ tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối, thời điểm rất cần có Hiệu trưởng để ký bằng tốt nghiệp, quyết định các chính sách cho năm học mới, khai giảng năm học, nói chuyện với sinh viên đầu khóa, đánh giá thi đua cuối năm để có cơ sở trả thu nhập cho giảng viên-viên chức trong năm mới, tổ chức hội nghị giảng viên, viên chức; hoàn tất việc xác định mục tiêu chất lượng năm học....; thì nay mọi thứ đều phải ngừng lại vì không có Hiệu trưởng.
“Mọi năm, giờ này Nhà trường đã ban hành xong Mục tiêu năm học; để từ đó từng khoa, phòng, ban xây dựng Kế hoạch năm học để có hướng công tác cho cả năm. Tuy nhiên năm nay, đến giờ này mọi thứ vẫn bế tắc vì không có Hiệu trưởng. Người điều hành thì không dám quyết định chuyện gì trong những chuyện như thế”, cô Linh nói.
Mọi hoạt động hiện nay của sinh viên, giảng viên… cả bộ máy của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang bị đình trệ bởi chỉ có “Người đại diện” chứ không có Hiệu trưởng “danh chính ngôn thuận”, đủ căn cứ pháp lý quyết định mọi hoạt động của Nhà trường.
Không phải chỉ viên chức, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng mà chúng tôi gặp, và kể cả những người dân ngoài xã hội, các chuyên gia giáo dục hiểu rõ về Trường đều tự hỏi rằng:
Khi ban hành một quyết định đình chỉ công tác Hiệu trưởng như thế, chủ thể ban hành có thực sự nghĩ đến chủ trương tự chủ của Đảng, tương lai tự chủ đại học của cả đất nước và sự ổn định của một đại học tự chủ đang là khuôn mặt giáo dục đại học Việt Nam trong mắt nước ngoài hay không?.