Tinh thần tự chủ trường Tôn Đức Thắng: Phụng sự, Trách nhiệm, Tự hào Việt Nam

16/09/2020 06:48
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo vệ mô hình tự chủ của trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng chính là bảo vệ một tinh thần, một triết lý giáo dục Nhân văn và Hiện đại.

Tự chủ là tự chịu trách nhiệm

Năm 2016, Nguyễn Mỵ Thư (sinh viên năm 4, Khoa Luật) lựa chọn theo học tại Đại học Tôn Đức Thắng vì một lý do hết sức đơn giản – Mỵ Thư sinh ra ở Quảng Ngãi và thầy (hiệu trưởng) Lê Vinh Danh cũng là một người con của đất Quảng Ngãi.

Mỵ Thư cảm thấy tự hào vì quê hương mình có một người thầy tài năng như vậy và muốn trải nghiệm thành quả từ bàn tay của thầy Danh cùng nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên trong trường dày công vun đắp.

Năm 2020, Mỵ Thư chuẩn bị kết thúc những ngày tháng cuối cùng trong quãng đời sinh viên (4 năm) tại ngôi trường Tôn Đức Thắng.

Trong hàng vạn con người (từ giảng viên, nhân viên cho đến bạn bè) đã bước qua thời sinh viên của Thư, thật khó để yêu cầu Mỵ Thư lựa chọn những người mà cô bạn ấn tượng nhất, bởi vì: “Ở trường Tôn Đức Thắng, ai cũng dễ thương hết trơn”.

Kết quả “bình chọn” cuối cùng đã có, Mỵ Thư ấn tượng nhất với bóng dáng của 2 con người: Thầy Lê Vinh Danh (hiệu trưởng) và bác N.V.T (bảo vệ) của trường.

Mỵ Thư chia sẻ: “Các bác bảo vệ ở trường rất dễ thương. Em còn nhớ mãi kỷ niệm không bao giờ quên. Những ngày đầu học tiên nhập học, sinh viên phải sang đường mới tới được điểm đón xe bus.

Nhưng mỗi lần tan tầm, đường rất đông. Các bác bảo vệ trong trường thấy vậy liền đứng ra phân luồng giao thông, trực tiếp dắt tay sinh viên qua đường. Bác bảo vệ của trường em còn được tập huấn Tiếng Anh để hỗ trợ các bạn sinh viên Quốc tế.

Những hình ảnh như vậy, em chưa từng thấy xuất hiện ở một ngôi trường Đại học nào khác.

Tại Đại học Tôn Đức Thắng từ người lãnh đạo cao nhất là thầy Lê Vinh Danh cho đến các bác lao công, bác bảo vệ, mọi người đều sống rất chan hòa, hoàn toàn không có sự phân biệt hay bất cứ khoảng cách nào.

Tình cảm, tinh thần phụng sự và trách nhiệm là điều có thể cảm nhận rõ ràng nhất tại trường Tôn Đức Thắng”.

Mỵ Thư và những người bạn của mình đều cảm thấy tự hào về ngôi trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ảnh:V.N)

Mỵ Thư và những người bạn của mình đều cảm thấy tự hào về ngôi trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ảnh:V.N)

Khi nhắc về người thầy của mình – thầy Lê Vinh Danh, Mỵ Thư không khỏi xúc động:

“Thầy Danh là một tấm gương lớn cho mọi người trong trường noi theo. Ở vị trí của một người lãnh đạo cao nhất trong trường nhưng thầy hoàn toàn không có khoảng cách với sinh viên.

Lấy ví dụ như khi đi thang máy, thầy vẫn xếp hàng như mọi người. Nếu chúng em cảm thấy ngại thầy sẽ chủ động hỏi: Con học ở khoa nào? Hôm nay con học những môn gì?

Thầy là người làm gương cho sinh viên nên từ đó sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng tự rèn luyện cho mình những nét văn hóa như cúi chào người lớn tuổi, nhặt rác bỏ vào thùng hay văn hóa xếp hàng”.

Ngày 25/8/2020, Mỵ Thư cùng hơn 2 vạn sinh viên, giảng viên trường Tôn Đức Thắng nhận được bức tâm thư của thầy Lê Vinh Danh. Bức tâm thư có đoạn:

Tôi về trường làm việc đến nay đã được chừng 22 năm. Trong ngần đấy thời gian, tôi đã trưởng thành nghề nghiệp, năng lực quản lý cùng với sự phát triển của Trường này.

Có lẽ Trường Đại học Tôn Đức Thắng là công việc và là sản phẩm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mà Tôi đã cùng đồng nghiệp của mình xây dựng.

Do đó, nếu phải chia tay với Trường, với đồng nghiệp và học viên, sinh viên của Tôi thì đó sẽ là điều đau xót và mất mát lớn nhất trong sự nghiệp, công việc của đời Tôi.

Xin cảm ơn mọi người đã cùng Tôi đưa Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ tay trắng đi đến được cột mốc này.

Hãy đi, sẽ đến, hãy gõ, cửa sẽ mở và hãy tìm, sẽ gặp”.

Tại Đại học Tôn Đức Thắng, mỗi người đều hoàn thành công việc của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất (Ảnh:V.N)

Tại Đại học Tôn Đức Thắng, mỗi người đều hoàn thành công việc của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất (Ảnh:V.N)

Tại trường Tôn Đức Thắng, tinh thần tự chủ cũng chính là tinh thần phụng sự, ý thức trách nhiệm cao nhất với công việc, vị trí của mình.

Từ lãnh đạo cao nhất cho đến những người có chức vụ thấp hơn đều cố gắng hoàn thành tốt công việc vì một mục tiêu, lợi ích chung của nhà trường.

Quản lý một bộ máy hơn 1400 giảng viên, hơn 20.000 sinh viên không phải là một điều đơn giản.

Thành công của Đại học Tôn Đức Thắng và cá nhân thầy Lê Vinh Danh đó là đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, đồng lòng, có trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm trong công việc hàng ngày.

Tự chủ là tự mình làm chủ

Trong mỗi con người cho đến từng nhành hoa, viên gạch của Đại học Tôn Đức Thắng đều thuấn nhuần tinh thần tự chủ. Tự chủ cũng chính là tự mình làm chủ (từ việc quản lý dòng tiền, xây dựng cơ sở vật chất, thiết kế chương trình học…).

Tại cơ ngơi của trường (cơ sở chính: phường Tân Phong, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), thầy Lê Trọng tự hào giới thiệu:

“Sân vận động của nhà trường từng là nơi huấn luyện viên Park Hang Seo lựa chọn để đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 30.

Đây là sân bóng đạt chuẩn 2 sao FIFA. Trong quá trình xây dựng, từng ngọn cỏ cho đến hệ thống bóng đèn nhà trường đều được dày công chuẩn bị.

Tư duy quản lý xuất sắc của thầy Danh được thể hiện từ những việc làm rất nhỏ nhặt. Vì trường là trường tự chủ cho nên kinh phí phải tự cân đối.

Thầy Danh quan niệm: Làm một lần nhưng mà làm tốt còn hơn là làm nhiều lần mà vá víu.

Vì thế nhà trường đầu tư hệ thống cỏ, sân bãi cho đến khán đài hay dàn đèn đều là những thiết bị tối tân nhất và được FIFA giám sát, tư vấn”.

Đứng tại sảnh tầng 2, khu nhà đa năng, thầy Lê Trọng lấy gót giày gõ gõ lên từng viên gạch:

“Từ những viên gạch lát nền chúng tôi cũng kiểm tra rất kỹ lưỡng. Trong quá trình xây dựng nhà đa năng, thầy Danh và tổ giám sát ngày nào cũng đi kiểm tra, gõ từng viên gạch.

Nếu viên gạch nào mà bùng bục là thầy Danh chụp hình rồi gửi ngay cho đơn vị thi công yêu cầu làm lại đến khi nào hoàn hảo mới thôi.

Không gian của nhà thi đấu đa năng chúng tôi thiết kế để làm sao diện tích tối thiểu nhưng công suất thì tối đa.

Thực ra trường không có nhiều tiền, không xin ngân sách Nhà nước, cho nên sử dụng từng viên gạch, trồng từng cái cây cũng phải tính toán làm sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất vì mình tự chủ mà.

Cho nên mình làm tốt và tiết kiệm bao nhiêu thì cái lợi ích đó sinh viên và nhà trường là người được hưởng lợi nhất”.

Đội tuyển U22 Việt Nam tập luyện tại sân vận động của trường Tôn Đức Thắng (Ảnh: tdtu.edu.vn)

Đội tuyển U22 Việt Nam tập luyện tại sân vận động của trường Tôn Đức Thắng (Ảnh: tdtu.edu.vn)

Cũng chính nhờ tinh thần tự chủ, chỉ vỏn vẹn 23 năm, từ bãi sình lầy hoang hóa, Đại học Tôn Đức Thắng đã chuyển mình, vươn tầm Quốc tế, trở thành một trong những ngôi trường hiện đại nhất Việt Nam và có một triết lý giáo dục rõ ràng.

Những thành tựu mà trường Đại học Tôn Đức Thắng đã làm được: Tốc độ tăng trưởng đạt gần 35% mỗi năm; cơ sở vật chất, nhân lực tăng trưởng hơn một trăm lần; quy mô sinh viên tăng trưởng gấp 27 lần; kết quả nghiên cứu khoa học gấp gần 500 lần…(so sánh với thời điểm mới thành lập trường năm 1997).

Tự chủ cũng chính là Tự hào Việt Nam

Ngày 12/9/2020, trường Tôn Đức Thắng long trọng tổ chức lễ khai giảng: Chương trình sau Đại học. Tham dự lễ khai giảng có rất nhiều chuyên gia, nghiên cứu sinh trong nước và Quốc tế.

Sau phần nghi thức, mọi người trong khán trường đều được yêu cầu giữ trật tự, nghiêm trang hát Quốc ca.

Dẫn chương trình của buổi Lễ cẩn thận nhắc lại: Đề nghị mọi người hát Quốc ca trên nền nhạc.

Tinh thần của Đại học Tôn Đức Thắng cũng chính là tinh thần Tự hào Việt Nam (Ảnh:V.N)

Tinh thần của Đại học Tôn Đức Thắng cũng chính là tinh thần Tự hào Việt Nam (Ảnh:V.N)

Thầy Lê Trọng giải thích: “Trường Tôn Đức Thắng mang trong mình một tinh thần dân tộc và tự hào Việt Nam.

Chúng tôi có một khát vọng đó chính là đưa tinh thần tự chủ trong giáo dục lan tỏa khắp đất nước, xa hơn góp phần đưa nền học thuật của Việt Nam ra thế giới”.

Thư viện truyền cảm hứng (INSPIRE Library) của trường Đại học Tôn Đức Thắng là một cơ ngơi 7 tầng, mỗi tầng có một chủ đề, màu sắc riêng độc đáo và đầy ấn tượng.

Điều đặc biệt nhất, công trình này từ phần thiết kế cho đến việc lựa chọn nội thất là một sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

Thư viện đầy màu sắc của Đại học Tôn Đức Thắng là công trình của tập thể sinh viên, giảng viên, nhân viên trong trường (Ảnh:V.N)

Thư viện đầy màu sắc của Đại học Tôn Đức Thắng là công trình của tập thể sinh viên, giảng viên, nhân viên trong trường (Ảnh:V.N)

Thầy Võ Văn Lạc, Phó trưởng Khoa Mỹ Thuật Công Nghiệp, Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ:

“Công trình thư viện truyền cảm hứng là một công trình do khoa Mỹ thuật Công nghiệp đồng hành cùng nhà trường về nhiệm vụ thiết kế.

Theo chủ trương và ý tưởng của thầy Lê Vinh Danh, thư viện chính là trái tim của trường Đại học. Khi nhận nhiệm vụ này, lãnh đạo trong khoa đã làm việc với tổ thiết kế, bàn bạc và tìm tư liệu về thiết kế thư viện của các trường Đại học trên thế giới.

Sau đó chúng tôi thống nhất để làm sao có được một thiết kế thực sự khác biệt: Khác biệt trong thiết kế, màu sắc và nội thất. Mỗi tầng của thư viện đều có một màu sắc, tiếng nói và chức năng riêng.

Công trình này thể hiện sự tự hào của sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng nói riêng và nhà trường nói chung. Ban đầu nhà trường định thuê một đơn vị thiết kế từ Singapore nhưng chi phí quá lớn cho nên thầy Danh đã trao nhiệm vụ cho thiết kế cho khoa Mỹ Thuật Công nghiệp.

Điều này thể hiện năng lực của nhân sự trong trường cũng như khẳng định niềm tin của lãnh đạo nhà trường đối với sinh viên, giảng viên”.

Ngồi trong thư viện truyền cảm hứng, Nguyễn Mỵ Thư, tranh thủ thời gian ít ỏi chụp những tấm hình kỷ niệm, đánh dấu trọn vẹn quãng thời gian 4 năm sinh viên.

Mỵ Thư xúc động: “Dù có đi bất cứ đâu, làm công việc gì, em luôn ủng hộ người thầy của mình và tự hào vì 4 năm qua đã trở thành một phần của mái nhà chung – Đại học Tôn Đức Thắng”.

Vũ Ninh