Ngày 24/8/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định tạm đình chỉ công tác điều hành Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đối với Giáo sư Lê Vinh Danh; cũng như công bố quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật đối với các thành viên Ban giám hiệu nhà trường nhiệm kỳ 2014-2019.
Từ đó đến nay đã 3 tuần, tình hình đã trở nên xáo trộn với việc sinh viên ra Trường không có người ký bằng tốt nghiệp, gây bức xúc và hụt hẫng cả ngàn người; việc tuyển sinh năm học mới giảm mạnh, đe dọa tình hình tài chính để hoạt động ổn định cho TDTU. Xa hơn là đe dọa làm phá sản chủ trương của Đảng về tự chủ đại học và tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư, thạc sĩ Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật cho hay, trong quyết định đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng, phần căn cứ có nêu nhiều văn bản pháp luật liên quan, nhưng những căn cứ pháp luật được viện dẫn không phù hợp với nội dung đình chỉ công tác; như:
Thứ nhất, về căn cứ Luật Viên chức và Nghị định 27/2012/NĐ-CP, thì không có hình thức đình chỉ chức vụ 90 ngày; và nếu có kỷ luật viên chức thì phải do cơ quan quản lý nhân sự (theo Điều 16 sửa đổi của Luật Giáo dục đại học hiện hành và Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì đối với TDTU là Hội đồng trường) ra quyết định thành lập hội đồng và xem xét hình thức kỷ luật. Nay Tổng Liên đoàn ra quyết định đình chỉ xem xét kỷ luật; thì như vậy có đúng thẩm quyền không?
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Danh, ảnh nhân vật cung cấp. |
Thứ hai, cũng theo Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 (Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 sửa đổi) thì Hội đồng trường là đơn vị có quyền quyết định nhân sự Hiệu trưởng. Như vậy Tổng Liên đoàn ra Quyết định đình chỉ và phân công người tạm quản lý một đại học tự chủ thì có phù hợp thẩm quyền hay không?, có vi phạm các qui định luật pháp nói trên không?.
Thứ ba, ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường nhiệm kỳ 2014-2019 đã kết thúc nhiệm kỳ theo Quyết định số 1456/QĐ-TLĐ ngày 18/9/2019 của chính Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; và Hiệu trưởng hiện nay là đang được kéo dài thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, Hiệu trưởng của TDTU hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ theo qui định của Nghị định Chính phủ; không phải nhân sự do Tổng Liên đoàn bổ nhiệm. Nay Tổng Liên đoàn ra quyết định đình chỉ một nhân sự không do mình quản lý và bổ nhiệm; thì có phù hợp thẩm quyền không?, Tổng Liên đoàn đã báo cáo, xin Chính phủ đồng ý trước khi ra quyết định chưa?
Thứ tư, căn cứ về Luật Phòng chống tham nhũng thì để đình chỉ một người giữ chức vụ quản lý thì phải thỏa mãn các điều kiện theo Khoản 1, Điều 43, Nghị định 59/2019/NĐ-CP là: “người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc”.
Chúng tôi được biết, Tổng Liên đoàn cho rằng TDTU làm sai Luật đầu tư công trong công tác xây dựng, và đòi xuất toán nhiều tỷ đồng; cũng như cho rằng đấy là “tình trạng gây thất thoát tài sản công” theo Luật phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn đã cố tình lờ đi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản 3995/VPCP-KGVX [1]) khi chuyển Trường đại học bán công Tôn Đức Thắng từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thành Trường đại học Tôn Đức Thắng thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình. |
Theo Văn bản này, tài sản của TDTU “được coi là” tài sản của Tổ chức công đoàn. Chính phủ cũng chưa có văn bản nào quốc hữu hóa tài sản của TDTU để trở thành tài sản công; và TDTU cũng không sử dụng ngân sách nhà nước để tạo ra tài sản công; mà sử dụng tiền tự tích lũy hằng năm và vốn vay.
Đó là chưa nói đến việc Chính phủ đã cho TDTU cơ chế tự thu-tự chi như trường đại học tư thục. Vậy thì gán ghép đầu tư của TDTU phải theo Luật đầu tư công thực chất chỉ là cách để qui tội cho bằng được đối với TDTU và lãnh đạo nhà trường.
Đó là chưa nói đến việc Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “đồi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng” [2] đã cho phép TDTU được đổi mới cơ chế quản lý “trên cơ sở thực trạng hoạt động của Nhà trường trong suốt thời gian qua”. Mà thực trạng suốt thời gian qua chính là thực trạng quản lý đầu tư, mua sắm, trang bị của một đại học dân lập.
Thứ năm, theo Khoản 3, Điều 46, Nghị định 59/2019/NĐ-CP thì trong quyết định phải có ghi rõ “quyền và nghĩa vụ của người có chức vụ, quyền hạn bị tạm đình chỉ công tác”; nhưng trong quyết định đình chỉ công tác điều hành đối với Giáo sư Lê Vinh Danh thì không ghi nội dung này; vậy thì quyết định của Tổng Liên đoàn có đúng quy định pháp luật không?.
Thứ sáu, về quyết định thành lập các Hội đồng kỷ luật Ban giám hiệu nhiệm kỳ 2014-2019: đối với quyết định thành lập hội đồng xem xét kỷ luật Giáo sư Lê Vinh Danh thì có hai thành viên trong Hội đồng là nguyên Phó hiệu trưởng của nhiệm kỳ 2014-2019, nhưng hai người này lại đang là đối tượng phải kiểm điểm để xem xét kỷ luật ở một Hội đồng kỷ luật khác; và bị xem xét kỷ luật cùng nội dung với Giáo sư Lê VinhDanh.
Như vậy, lấy những người đang phải chịu kiểm điểm cùng nội dung vào hội đồng xét kỷ luật một người khác cùng tập thể, cùng chịu trách nhiệm với nhau thì có bảo đảm tính khách quan, công bằng khi xem xét không?. Đồng thời có vi phạm Khoản 3, Điều 7, Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ không?
Ngoài ra, theo Giáo sư Lê Vinh Danh, việc ban hành quyết định tạm đình chỉ chưa đúng thẩm quyền này đã làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông với tư cách Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng thì người bị tạm đình chỉ công tác có quyền Đề nghị người ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác xem xét lại quyết định khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Do vậy khi Giáo sư Lê Vinh Danh có Đơn khiếu nại, thì Tổng Liên đoàn lao động với tư cách đơn vị ra quyết định tạm đình chỉ (dù đúng hay sai pháp luật) phải có trách nhiệm xem xét giải quyết. Việc xem xét lại có thể dưới nhiều hình thức, trong đó có việc rà soát xem quyết định có đúng thẩm quyền và đúng pháp lý không?! và giải pháp khắc phục như thu hồi quyết định...
Luật Viên chức hiện hành cũng quy định quyền khiếu nại của viên chức. Cụ thể Điều 49 Luật Viên chức 2010 quy định: Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của viên chức đối với các quyết định của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cấp có thẩm quyền liên quan đến quản lý viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong việc này, Giáo sư Lê Vinh Danh cho rằng, cấp có thẩm quyền quản lý ông hiện nay (theo Luật số 34/2018/QH14) là Hội đồng trường; trong giai đoạn chuyển tiếp chờ bầu hội đồng trường mới và hiệu trưởng mới (theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP) là Chính phủ.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thành Công, Tổng Liên đoàn là cơ quan quản lý có thẩm quyền theo Luật 34/2018/QH14, nhưng TDTU không là một đơn vị trực thuộc giống như các Ban chuyên môn hay công ty của Tổng Liên đoàn; mà là một đơn vị tự chủ hoàn toàn theo Luật 34/2018/QH14.
Do đó, quyết định đình chỉ công tác điều hành của Giáo sư Lê Vinh Danh bởi Tổng Liên đoàn theo Luật sư Công không còn là một quyết định hành chính nội bộ, mà là một quyết định vượt thẩm quyền. Chẳng khác nào Thủ trưởng một đơn vị của ngành này, chạy sang công bố quyết định đình chỉ chức vụ Thủ Trưởng một đơn vị của ngành khác.
Nguồn tin của Nhà trường cho biết, việc đình chỉ công tác điều hành sai trái này đã và đang gây ra hằng loạt hậu quả: hơn 2000 sinh viên tốt nghiệp đúng tiến độ vào tháng 9/2020 này không có người ký bằng tốt nghiệp để các em xin việc, ảnh hưởng xấu đến khởi nghiệp, tìm việc làm và sinh kế gia đình, làm phụ huynh hoang mang; có thể gây bất ổn xã hội;
Tuyển sinh năm học mới của TDTU đến nay chỉ còn đạt dưới 50% nhập học, đe dọa nguồn thu và sự tồn tại của một đơn vị tự chủ; Trường quốc tế Việt Nam-Phần Lan đã và đang bắt đầu ổn định thì bị đánh một cú nặng, có khả năng khủng hoảng; làm mất niềm tìn nơi Chính phủ Phần Lan và Đại sứ quán Phần Lan về mô hình hợp tác giáo dục kiểu mẫu giữa 2 nước;
Hơn 200 chuyên gia nước ngoài đang hợp tác với Trường, có nhiều người khả năng phải kết thúc hợp tác. Hàng chục dự án không có người chủ trì để triển khai tiếp có khả năng bị hủy bỏ; gần 1000 trường trung học phổ thông kết nghĩa hiện không biết tiếp tục hợp tác với TDTU thế nào?; tinh thần viên chức, giảng viên đi xuống; công việc bị trì trệ suốt 3 tuần qua cũng chỉ vì những hành vi tùy tiện, lạm dụng quyền lực của một số người ở Tổng Liên đoàn.
Trường đại học tự chủ thành công nhất đất nước sẽ ra sao trong những ngày tới đây? việc thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học công nói riêng theo Nghị quyết 19-NQ/TW và đổi mới giáo dục đại học Việt Nam theo Nghị quyết 29-NQ/TW, Luật số 34/2018/QH14 như thế nào trước những tình trạng lạm dụng như thế này? Khi mà người điều hành tạm thời trong 90 ngày tại TDTU mỗi mỗi công việc điều hành đều phải xin ý kiến trực tiếp cơ quan chủ quản và cả 2 đều vi phạm Luật giáo dục đại học sửa đổi về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Những câu hỏi này đang rất cần Đảng và Nhà nước có chỉ đạo gấp để chấn chỉnh.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=69197
[2]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=178765