Cô giáo 48 lần đi hiến máu tình nguyện: cái gì đi từ trái tim sẽ đến trái tim

22/11/2020 06:20
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Thứ 7 vừa qua tôi đi hiến máu tình nguyện là được 49 lần rồi”, cô Phạm Thị Thùy Trang, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Quan (Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Ngồi trò chuyện với cô Phạm Thị Thùy Trang tại ngôi trường hơn 100 năm tuổi ở Hà Nội, cô toát lên sự giản dị và nhiệt tình: “Nói về hiến máu chắc tôi nói cả ngày chưa hết”.

Nói về 48 lần hiến máu như một cơ duyên bắt đầu từ năm 2014 đến nay, cô Trang chia sẻ: “Khởi nguồn từ phong trào hiến máu tình nguyện của Phòng Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Hội chữ thập đỏ quận Hoàn Kiếm và cũng do ban giám hiệu rất quan tâm, bản thân hiệu trưởng và hiệu phó cũng tham gia hiến máu rất nhiều lần rồi.

Bắt đầu thì tôi đi theo trường sau đó đến ngày hiến nhắc lại thì tôi đi hiến máu tại các điểm hiến máu di động ở các trường đại học.

Tôi đã từng đi hiến máu ở trường Đại học Mỹ thuật, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân,…

Mấy năm gần đây thì tôi hiến tiểu cầu nên phải đến Viện Huyết Học - Truyền Máu Trung ương vì hiện giờ chỉ ở đấy mới có máy tách chiết tiểu cầu. Cứ lúc nào đến ngày hiến máu nhắc lại thì tôi đều sắp xếp để đi vì tôi biết rõ máu lúc nào cũng rất cần cho những người bệnh”.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về những khó khăn gặp phải khi tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện, cô Trang bộc bạch rằng khó khăn lớn nhất là vấn đề thời gian:

“Hiến tiểu cầu mất khoảng 1 tiếng chưa kể thời gian đi lại và ngồi chờ nếu hôm ấy đông. Rất may, Ban giám hiệu rất quan tâm, có lần thiếu máu, viện gọi điện cho tôi đến hiến máu nhưng chiều hôm ấy tôi có tiết. Sau khi báo cáo hiệu trưởng, hiệu trưởng đã cử người dạy thay để tôi có thể đi hiến và người dạy thay cũng rất vui vẻ.

Vì hiến tiểu cầu chỉ Viện Huyết Học - Truyền Máu Trung ương mới làm được nên những hôm mưa rét đi lại cũng vất vả. Đặc biệt, đợt giãn cách xã hội do Covid-19, người bệnh vẫn cần máu, tôi đi ra đường cũng có chút lo lắng. Có hôm vừa hiến xong thì có tin một người nước ngoài vào cấp cứu trong bệnh viện huyết học bị dương tính với Covid-19, khiến không ít người trong gia đình lo lắng cho tôi. Rất may, viện làm chặt chẽ quy trình, có lối đi riêng nên không bị ảnh hưởng gì đến bệnh nhân, người hiến máu.

Mới đầu, những người trong nhà cũng không thích cho tôi đi hiến máu nhưng tôi kiên trì giải thích và thực tế chứng minh, tôi vẫn khỏe mạnh bình thường nên mọi người cũng không nói gì nữa”.

Cô giáo Phạm Thị Thùy Trang (bên phải) hiến máu tình nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô giáo Phạm Thị Thùy Trang (bên phải) hiến máu tình nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều khó khăn là thế nhưng động lực để cô Trang đi hiến máu đều đặn là những bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo phải truyền máu định kỳ, là những em nhỏ bệnh nặng không thể đến trường học được.

Cô kể từng gặp trực tiếp những em nhỏ cần phải truyền máu khi cô được đưa đi xem máu mình vừa hiến điểm nhận là ở đâu: “Các em nhỏ kể là lúc nào khỏe vẫn đi học nhưng hầu như rất ít. Nhiều em ở miền Trung vẫn định kỳ ra Viện Huyết Học - Truyền Máu Trung ương để truyền máu, các em phải ở viện nhiều hơn ở nhà. Lúc đó, tôi thấy những giọt máu cho đi của mình thực sự rất ý nghĩa và nó là động lực để tôi tiếp tục đi hiến máu khi sức khỏe đảm bảo”.

Không chỉ nhiệt tình tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện, cô Phạm Thị Thùy Trang, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn là một cô giáo được học sinh và đồng nghiệp yêu quý.

Cô Trang có mẹ là giáo viên trung học cơ sở, bố là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, anh trai cũng làm giảng viên.

Bản thân cô Phạm Thị Thùy Trang tốt nghiệp bằng xuất sắc Trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Tây, sau khi tốt nghiệp cô về làm giáo viên dạy thể dục tại Trường Trung học cơ sở Kim Giang (quận Thanh Xuân), sau đó về công tác tại Trường Trung học cơ sở Thanh Quan từ năm 2007 đến nay.

Cô Trang tâm sự, cô rất vui và cảm thấy may mắn vì được các em học sinh yêu quý mặc dù cô rất nghiêm.

“Tôi luôn làm sao cho giờ học của mình là giờ các em học sinh được vận động một cách tối đa để cân bằng với những giờ học văn hóa căng thẳng. Tôi luôn nói với học sinh là người nào quan tâm thì mới nói nhiều. Sau này các em thành công hay không thì là các em hưởng đầu tiên, sau đó mới đến gia đình các em”.

Nghiêm khắc là vậy nhưng chính những học sinh nghịch nhất, để cô Trang phải nói nhiều nhất sau khi ra trường nhiều năm vẫn nhớ đến cô và ngày lễ hay về trường thăm cô bởi các em tìm được ở cô sự chân thành và sẻ chia bằng cả trái tim của một người thầy, người mẹ:

“Mấy bạn đã lấy vợ, lấy chồng vẫn thường xuyên về thăm tôi. Kể cho tôi nghe những vui buồn trong cuộc sống. Tôi nghĩ cái gì đi từ trái tim sẽ đến được trái tim. Mình yêu quý học sinh, học sinh cũng sẽ yêu quý mình”.

Cô giáo Phạm Thị Thùy Trang được học sinh và đồng nghiệp rất yêu quý. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Phạm Thị Thùy Trang được học sinh và đồng nghiệp rất yêu quý. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Bùi Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết cô giáo Phạm Thị Thùy Trang luôn luôn nhiệt tình, gương mẫu tham gia các hoạt động của trường, của quận Hoàn Kiếm.

Cô luôn quan tâm, gần gũi với học sinh. Là giáo viên dạy giỏi cấp quận, cô Trang là một trong những nhân tố góp phần đưa Trường Trung học cơ sở Thanh Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc trong phong trào thể dục thể thao cấp thành phố.

Với sự bền bỉ cùng lòng nhân ái của mình, cô Phạm Thị Thùy Trang, giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đạt được nhiều thành tích trong các hoạt động phong trào cũng như trong các hoạt động chuyên môn.

Cụ thể: cô đã đạt giải xuất sắc Hội thi sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả ngành Giáo dục quận Hoàn Kiếm; đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên giỏi quận Hoàn Kiếm năm học 2018 - 2019; giành Huy chương Đồng môn kéo co “Ngày hội văn hóa thể thao cán bộ, giáo viên, nhân viên” năm học 2018 - 2019; Giải Nhất môn Bóng bàn “Hội khỏe công nhân viên chức, lao động - lực lượng vũ trang” quận Hoàn Kiếm năm 2019…

Các năm học, cô Trang đều là lao động tiên tiến. Nhiều năm liền, cô Phạm Thị Thùy Trang được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Năm tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào Hiến máu tình nguyện và vận động người hiến máu tình nguyện.

Đình Hùng