Trẻ em bị lạm dụng sức lao động, đánh đập bởi sự vô cảm của người lớn

25/11/2020 07:47
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đâu đó vẫn có trẻ em bị bỏ rơi, bị bạo hành không có ai bảo vệ và khi phát hiện ra thì đã quá muộn màng.

Đến Bắc Ninh xin làm thuê tại quán bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Trương Quang Duy, 15 tuổi ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đâu ngờ, 2 tháng làm việc ở đây là những chuỗi ngày kinh hoàng khi bị bóc lột sức lao động và hứng chịu những trận đòn roi như thời trung cổ.

Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Yên Phong đã nhanh chóng làm rõ và ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 34 tuổi ở huyện Nghĩa Tư, tỉnh Quảng Ngãi, chủ quán bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong về hành vi “Hành hạ người khác”.

Tại cơ quan Công an, Tuyết đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Bé trai bị bạo hành ở Bắc Ninh. Ảnh tổng hợp từ VTC News
Bé trai bị bạo hành ở Bắc Ninh. Ảnh tổng hợp từ VTC News

Ngoài Duy, còn có Đức cũng là một trường hợp bị đối xử tồi tệ. Để tránh bị phát hiện và giữ chân được Duy, Đức làm việc tạ quán, bà Tuyết đã bắt hai nhân viên làm việc quần quật từ 7giờ sáng hôm trước tới 3- 4 giờ sáng hôm sau, không trả lương và không được gặp gỡ, giao tiếp với người ngoài; nhiều buổi làm việc từ sáng tới quá trưa vẫn không cho ăn cơm

Mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi nhân viên vào phía sau nhà đánh đập bằng những dụng cụ làm bếp như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh…

Hiện Công an huyện Yên Phong đang tiến hành giám định thương tích, hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng trước pháp luật.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết sẽ nhận được bản án thích đáng về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Đây cũng là bài học răn đe cho những đối tượng coi thường tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác. (1)

Đáng buồn, trường hợp của em Trương Quang Duy một lần nữa cảnh báo tình trạng lạm dụng lao động trẻ em và đâu đó vẫn còn có những đứa trẻ không được bảo vệ.

Vì sao nhà nước có một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời và có đến 17 cơ quan chức năng có trọng trách bảo vệ trẻ em nhưng vẫn xảy ra những vụ việc xâm hại đau lòng?

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cam kết thừa nhận tính pháp lý về các quyền trẻ em.

Bằng chứng là Việt Nam sớm có Luật quốc gia cam kết thực hiện Công ước quyền trẻ em (Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, năm 2004) theo Luật pháp Việt Nam thì Quyền trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thể hiện thông qua hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước.

Thế nhưng, đáng buồn tình trạng trẻ em đang bị xâm hại, bạo hành, là nạn nhân của những vụ án rúng động dư luận là vấn nạn nhức nhối chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam hiện có hơn 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên, trong đó, có khoảng 1 triệu trẻ em phải làm các công việc đặc biệt nặng nhọc. Phần lớn lao động trẻ em tại Việt Nam sống ở khu vực nông thôn.

Thực trạng lao động trẻ em tại Việt Nam. Info: Thông tấn xã Việt Nam

Thực trạng lao động trẻ em tại Việt Nam. Info: Thông tấn xã Việt Nam

Trong số trẻ em phải lao động sớm, gần 85% sinh sống ở khu vực nông thôn, đây cũng là khu vực có tỷ lệ trẻ em tham gia lao động rất cao (chiếm 18,62% trong dân số trẻ em nông thôn) và cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trẻ em tham gia lao động ở khu vực thành thị (7,56%) cho thấy các biện phòng ngừa lao động trẻ em cần hướng vào khu vực nông thôn. Tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế (mọi hình thức) của trẻ em trai cao hơn trẻ em gái. (2)

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại.

Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...

Cũn theo báo cáo của Chính phủ, còn 790.518 trẻ em lao động trái pháp luật; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn.(2)

Thực trạng chính quyền chưa nắm bắt được việc trẻ em bị bạo hành vẫn còn phổ biến.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đã có ý kiến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, sáng 27/4/2020: "Tôi thấy rất nhiều vụ trẻ em bị xâm hại, bị đánh đập, nhưng nhà trường đứng ngoài cuộc. Nhiều em bị đánh đập, nhưng đoàn thể, quần chúng ở đó không biết, chính quyền không biết, bị đánh hàng ngày, kêu khóc ầm ĩ nhưng không ai nói gì". (3)

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Trọng An (nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD)) cảm thấy đau lòng và cho rằng những hành vi của những kẻ đội lốt người thầy như vậy đáng phải nghiêm trị.

Nói về nguyên nhân trẻ em vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, trẻ em không được bảo vệ đầy đủ một phần do bộ máy đã bị giải tán hết.

Các cấp cơ sở đã không còn đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên làm việc, hợp tác với trẻ em ở cộng đồng nên các nguy cơ nguy hiểm đến trẻ em chưa được nhận diện kịp thời.

Các cán bộ trẻ em, các cán bộ làm công tác xã hội, công tác cộng đồng họ phải sống ở khu vực đó, họ có kiến thức, nhận diện tốt các nguy cơ từ cộng đồng đối với trẻ em.

Sau đó các cán bộ này mới có những tư vấn ngăn chặn trước các nguy cơ đúng như luật trẻ em đã đề ra đó là hệ thống phòng ngừa, giải quyết các nguy cơ không để xảy ra.

Hiện nay chúng ta đang thiếu mạng lưới đó cho nên là những vụ việc đau lòng đối với trẻ em vẫn đang xảy ra.

Có thể thấy vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể khi xảy ra những vụ việc đau lòng này rất mờ nhạt.

Nhiều đứa trẻ đang bị bỏ rơi bởi sự vô cảm của người lớn, của cộng đồng.

Tài liệu tham khảo:

(1) http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/phap-luat/toi-ac-cua-nu-chu-quan-tra-tan-nhan-vien-321979.html

(2) https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/ngan-ngua-tinh-trang-lao-dong-tre-em-361958

(3) https://baodautu.vn/tre-em-lao-dong-trai-phap-luat-la-van-de-nguy-hiem-d120978.html

Trần Phương