Nhiều bất ngờ trong bảng xếp hạng đại học QS Châu Á 2021

27/11/2020 08:15
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm nay, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được Tổ chức QS đánh giá là tốt nhất trong toàn Châu Á.

Ngày 25/11, Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds) có trụ sở tại Vương quốc Anh công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á 2021 (QS Asia University Rankings 2021).

Năm nay, Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được Tổ chức này đánh giá là tốt nhất trong toàn Châu Á. Tăng thêm 3 so với năm 2020.

Đó là các đại học: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Có sự góp mặt thêm 03 cơ sở giáo dục đại học là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, với 237 đại học và trường đại học của Việt Nam; đến nay có 4,64% cơ sở giáo dục đại học trong cả nước có tên trong bảng xếp hạng khu vực của Tổ chức này.

Tỷ lệ này có thể khiêm tốn, nhưng so với bề dày phát triển giáo dục đại học theo chuẩn quốc tế chỉ mới vài chục năm gần đây, nhất là chỉ sau thời gian thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 77/NQ-CP thì rất đáng khích lệ so với truyền thống phát triển đại học lâu đời của các nước khác trong khu vực.

Trong số 11 đại học và trường đại học của Việt Nam được xếp hạng năm nay thì Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có hạng 158 (tụt 15 hạng so với năm 2020 là: 143), Đại học Quốc gia Hà Nội xếp hạng 160 (tụt 13 hạng so với năm 2020 là: 147), Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp hạng 163 (tăng 44 hạng so với năm 2020 là: 207), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xếp hạng 301-350 (tụt hạng so với năm 2020 là: 261-270), Trường Đại học Duy Tân xếp hạng 351-400 (tăng hạng với với năm 2020 là: 451-500 gần cả trăm hạng); Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng cùng thuộc nhóm 401-450 (Đại học Huế tăng hạng so với năm 2020 là: 451-500, Đại học Đà Nẵng đã giữ được nguyên hạng); Đại học Cần Thơ xếp hạng 451-500 (tụt hạng so với năm 2020 là: 401-450).

Trường Đại học sư phạm Hà Nội có hạng 551-600 rất tốt so với một trường mới xuất hiện lần đầu. Các trường như Đại học công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đồng hạng 601+. Những trường đại học mới xuất hiện trong bảng này năm nay thì chưa có số liệu để so sánh sự tăng trưởng; nhưng việc xuất hiện được trong bảng này đã là thành công lớn của các trường này.

Với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ngoài việc tăng 44 hạng so với năm 2020 thì trước đó Trường cũng đã tăng 84 hạng so với năm 2019. Như vậy, chỉ trong hai năm, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tăng 128 hạng, mức tăng hạng nhiều nhất ở Việt Nam và cũng thuộc nhóm các trường có mức tăng hạng ấn tượng nhất của Châu Á.

Với vị trí xếp hạng thứ 163 trong Bảng xếp hạng 2021, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ xếp sau vài hạng so nhiều đại học danh tiếng và lâu đời trong khu vực Châu Á như Chungnam National University (Hàn Quốc), National Chung Cheng University (Đài Loan) và vượt các trường đại học lâu đời khác như Yokohama National University (Nhật Bản), Prince of Songkla University (Thái Lan), Nagasaki University (Nhật Bản),…

Trường Đại học Tôn Đức Thắng thể hiện sự tăng hạng ở nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về Academic Reputation (Danh tiếng về học thuật) và Employer Reputation (Danh tiếng nhà tuyển dụng).

Đặc biệt Trường đạt điểm rất cao về các chỉ số quan trọng trong nghiên cứu như Citations per Paper (Chỉ số trích dẫn/ bài báo), International Research Network (Mạng lưới nghiên cứu quốc tế), International Faculty (giảng viên người nước ngoài), Inbound exchange (Sinh viên trao đổi trong nước), Outbound exchange (Sinh viên trao đổi nước ngoài).

Ngoài ra, QS Châu Á đánh giá rất cao việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng tăng hạng trong 3 năm liên tục và không có xuất hiện bất cứ dấu hiệu rủi ro nào trong các chỉ số phát triển của một đại học đúng chuẩn (Hình dưới).

QS Châu Á xếp hạng các đại học dựa trên 11 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: Danh tiếng về học thuật (30%); Danh tiếng nhà tuyển dụng (20%); Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%); Tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); Tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên (5%); Chỉ số trích dẫn trên bài báo (10%); Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%); Giảng viên quốc tế (2,5%); Sinh viên quốc tế (2,5%); Sinh viên trao đổi trong nước (2,5%); Sinh viên học trao đổi nước ngoài (2,5%).

Tính đến cuối tháng 11/2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được xếp hạng tốt trong hầu như tất cả các Bảng xếp hạng đại học uy tín quốc tế (Bảng dưới đây-năm 2020). Đây là thành quả của việc tự chủ đại học và quản trị đại học xuất sắc trong một khoảng thời gian liên tục 13 năm vừa qua.

Đại học

ARWU

US News

THE

THE Impact

QS

QS Asia

URAP

UI GreenMetrics

VNU HCM


1271

1001+


701-750

143

1107


­­­VNU HN


949

801-1000


801-1000

147

1181


TDTU

701-800

623


301-400


207

960

165

HUST


1356

801-1000

301-400


261-270

1534


Hue U






451-500

2387


CTU






401-450

2248


DTU






451-500

1147


UDN­­­­­






401-450



(Tình hình được xếp hạng bởi các tổ chức quốc tế của những đại học TOP đầu Việt Nam năm 2020)

Thùy Linh