Bộ Giáo dục tiết kiệm 26 tỷ đồng nhờ cải cách thủ tục hành chính

09/12/2020 06:30
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với việc cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng bộ khoảng 2.000 hồ sơ.

Ngày 8/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đôn đốc, kiểm tra và đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Dự buổi làm việc về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và một số trường đại học.

Quang cảnh buổi làm việc (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Quang cảnh buổi làm việc (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của ngành Giáo dục, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành đã phản ứng kịp thời, sáng tạo khi chuyển sang học trực tuyến với nhiều phương thức giảng dạy, học tập, thi cử linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm hoạt động giảng dạy không bị ngưng trệ, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, khung thời gian đào tạo, nội dung chương trình được điều chỉnh phù hợp. Ngành Giáo dục cũng đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông làm 2 đợt, thực hiện đối sánh kết quả thi với điểm học bạ. Kỳ thi được tổ chức tốt, bảo đảm an toàn, hiệu quả, giảm tốn kém cho gia đình học sinh và xã hội.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngày càng được hoàn thiện. Từ năm 2016 đến nay, Bộ đã xây dựng, trình Quốc hội 2 luật; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 Nghị định, 43 Quyết định và Chỉ thị...

Việc thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đã tạo chuyển biến, chất lượng giáo dục phổ thông, đại trà và mũi nhọn được nâng lên; mạng lưới cơ sở đào tạo được mở rộng ở các cấp; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; quan tâm phát triển giáo dục tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; tự chủ đại học đã đạt những kết quả bước đầu.

“Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; 11 trường đại học vào danh sách các đại học hàng đầu châu Á; 2 trường đại học của Việt Nam lọt trong top 101-150 bảng xếp hạng thế giới”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ và chúc mừng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúc mừng ngành Giáo dục.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Bộ giáo dục và đào tạo)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Bộ giáo dục và đào tạo)

Liên quan đến công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí. Đối với việc cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đồng bộ khoảng 2.000 hồ sơ. Vì vậy, Bộ cần triển khai mạnh mẽ hơn việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan sẽ được báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 12. Vì vậy, Tổ công tác mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai để là Bộ tiên phong, đi đầu về cải cách, không để nhiệm vụ nào quá hạn, không hoàn thành.

Tiết kiệm 26 tỷ đồng nhờ cải cách thủ tục hành chính

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 11 tháng đầu năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 văn bản. Nếu tính cả văn bản ngoài chương trình công tác, từ đầu năm đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 22 văn bản (trong đó 17 văn bản đã ban hành, nhiều hơn số văn bản được giao từ đầu năm).

Về công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Nghị định số 63 năm 2010 của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính. Theo đó, Bộ đã đưa vào rà soát 3 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh sinh viên, tiết kiệm được hơn 745 triệu đồng (tương đương 15,7%) chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với trước khi đơn giản hóa.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đơn giản hóa và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cắt giảm tổng số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được gần 26 tỉ đồng.

Về tình hình triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 11 tháng đầu năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua Bộ phận một cửa là: 7.894 hồ sơ. Kết quả đã giải quyết và trả đúng hạn 6.388 hồ sơ; đang giải quyết (trong hạn) 1.506 hồ sơ. Không có hồ sơ trả quá hạn.

Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định số 45 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện Bộ đang tiến hành mẫu hóa hồ sơ, tài liệu, kết quả thủ tục hành chính ở dạng điện tử.

Bên cạnh việc tích cực, quyết liệt thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, trong năm 2020, ngành giáo dục đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Đặc biệt, tại Hội nghị trực tuyến của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á về Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học đã công bố, trong 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipines, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết và Toán học.

Quyết tâm cao triển khai Chính phủ điện tử

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là lần thứ 2 Tổ công tác làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau mỗi đợt kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều rà soát, ưu tiên thực hiện các chỉ đạo, tập trung vào những việc cấp bách, cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt với ngành Giáo dục do bị tác động của dịch Covid-19, bão lũ miền Trung. Vì vậy, bên cạnh kế hoạch đặt ra, ngành có rất nhiều nhiệm vụ phát sinh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, chính phủ điện tử, Bộ trưởng khẳng định, đây là nội dung rất được Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục chú trọng, nhận thức rõ, quyết tâm cao. Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành Giáo dục, để không chỉ thực hiện nhiệm vụ của ngành, của Bộ mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch và có sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, một số tập đoàn công nghệ thông tin để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành Giáo dục. Nếu thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số sẽ là điểm đột phá trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Tổ công tác để rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ, những việc còn tồn tại; rà soát lại các thủ tục hành chính, cơ cấu lại theo hướng số hóa; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử trong ngành Giáo dục, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để mang lại lợi ích cho chính học sinh, phụ huynh học sinh.

Thùy Linh