Lý do mà giờ đây chúng ta sốt ruột thực hiện tự chủ đại học?

17/12/2020 06:15
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục đại học phải có trách nhiệm giúp đất nước vượt qua thời gian vàng hiện nay một cách tốt đẹp để sau đó ta không bị hiểm nghèo.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng:

“Thời gian qua, tuy đạt nhiều thành tựu nhưng không dừng lại ở đó được, giáo dục đại học buộc phải vươn lên. Muốn vậy phải có động lực tự thân và nguồn lực mới. Tự chủ đặt cho các trường vị trí tự lập, tự vươn lên, không thể ỷ lại vào ngân sách Nhà nước. Nếu cứ ỷ lại, các trường sẽ không bao giờ phát triển được”.

Đồng thời, Giáo sư Trần Hồng Quân cũng nhấn mạnh giờ đây chúng ta sốt ruột thực hiện tự chủ đại học bởi lẽ giáo dục đại học có vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết 2 chuyện lớn: đó là chất lượng đội ngũ lao động và trí tuệ của đất nước.

Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Thùy Linh)

“Hai yếu tố này tạo ra sức mạnh quốc gia. Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam đang thực hiện thời gian vàng, hết thời gian vàng này thì mất hết cơ hội, giống như trong y học, xuất huyết não thì có thời gian vàng 4h-6h để xử lý thật tốt, tránh hậu quả, nếu bỏ qua thì rất nguy hiểm, còn nhồi máu cơ tim thì chỉ có 10 giây-4 phút thôi.

Việt Nam bây giờ cũng thế, giờ thời gian vàng, qua là hết cơ hội mà giáo dục đại học phải có trách nhiệm giúp đất nước vượt qua thời gian vàng đó một cách tốt đẹp để sau đó ta không bị hiểm nghèo”, Giáo sư Trần Hồng Quân nói.

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, muốn giáo dục đại học phát triển tốt thì phải tự chủ đại học, tạo ra đổi mới hết sức quan trọng, tạo ra sinh khí mới cho giáo dục đại học chứ không chậm chạp, trì trệ như bây giờ.

Liên quan đến nội dung đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Chính phủ là cần thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học thì Giáo sư Trần Hồng Quân rất đồng tình với kiến nghị này.

Bởi lẽ, theo Giáo sư Trần Hồng Quân đánh giá: “Tự chủ đại học là vấn đề của toàn hệ thống, khi đó ban chỉ đạo không chỉ gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nên có các cơ quan khác liên quan. Vì nay bên cạnh việc xây dựng lại sự đồng bộ hệ thống pháp luật thì việc vận dụng đồng bộ hệ thống đó là các cơ quan quản lý trực tiếp, các mặt khác nhau.

Hiện nay không thiếu các quy định pháp luật và pháp quy nhưng do chưa thông nhau, chưa đồng bộ trong giải quyết vấn đề nên còn có so le”.

Về vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tại hội thảo VEC 2020, đại diện Ngân hàng thế giới đề xuất cần có một bộ quản lý về giáo dục đại học và khoa học công nghệ.

Với quan điểm cá nhân thì Giáo sư Trần Hồng Quân đồng tình với đề xuất này bởi theo Giáo sư Trần Hồng Quân, đại học gắn với khoa học. Bởi bên cạnh việc giảng dạy cử nhân có trình độ tay nghề cao thì cơ sở giáo dục đại học cũng có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn cuộc sống còn viện khoa học cũng cần tham gia vào quá trình đào tạo.

Do đó, khoa học và đại học phải gắn liền với nhau chứ nếu để như hiện nay 2 hệ thống quản lý là không hợp lý.

Giáo sư Quân chia sẻ thêm, ở nước ngoài, lực lượng nghiên cứu khoa học chủ yếu là ở các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, thầy Quân khuyến cáo, việc điều chuyển mảng đào tạo đại học này không phải sáp nhập cơ học mà lúc đó khoa học và đào tạo phải hòa lại với nhau chứ không phải 2 thành phần riêng biệt nằm trong một Bộ.

Được biết, tại hội thảo VEC 2020 vấn đề tự chủ đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo nghị quyết 77 của Chính phủ.

Đến nay hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Ở các trường tự chủ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tăng thu hút thí sinh đại học (tỷ lệ tuyển được/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%); số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần, nay đóng góp 45% toàn quốc; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù ngân sách nhà nước cấp giảm 2,1 lần); 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021..

Tuy nhiên, còn nhiều bất cập như tài chính thiếu bền vững, học phí chiếm tỷ trọng lớn (phần lớn trên 80%); thu từ nghiên cứu và các nguồn khác thấp; nguồn thu từ ngân sách giảm mạnh...

Từ thực tế hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ về quy định cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài; tăng tỷ trọng đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học.

Đáng chú ý, Bộ kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học với sự tham gia cả các bộ ngành liên quan với Bộ Giáo dục và Đào tạo là thường trực. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành cẩm nang hướng dẫn thực hiện tự chủ đại học.

Thùy Linh