Nhiều giáo viên không biết mình được tuyển dụng đúng hay sai, hồ sơ thiếu gì

28/12/2020 06:15
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay nhiều giáo viên không biết mình được tuyển dụng đúng hay sai, có phải cần hoàn thiện hồ sơ, thi tuyển lại, hay có bị thu hồi quyết định tuyển dụng?

Sau văn bản số 2965/HD-BNV ngày 15/6/2020 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục tuyển dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý từ ngày 28/12/2017 trở về trước (kể cả các trường hợp được tuyển dụng trước tháng 6/2012), nhằm kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức. Rà soát cả các trường hợp tuyển dụng sau ngày 28/12/2017 đến nay.

Theo đó, hướng xử lý là những người tuyển dụng trước 28/12/2017 nếu thiếu tiêu chuẩn, điều kiện,… như văn bằng chuyên môn theo vị trí tuyển dụng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học (nếu có) phải hoàn thành trước 24/3/2020 nếu sau ngày 24/3/2020 chưa đáp ứng thì thu hồi quyết định tuyển dụng.

Nếu thuộc trường hợp phải thi tuyển công chức (sau này là viên chức) mà chưa thi thì thực hiện thi tuyển lại viên chức theo hướng dẫn.

Theo đó, hiện nay nhiều giáo viên không biết mình được tuyển dụng đúng hay sai, có phải cần hoàn thiện hồ sơ, thi tuyển lại, hay có bị thu hồi quyết định tuyển dụng hay không?

Trong phạm vi bài viết, tác giả xin được nêu lại các điều kiện, hình thức, tiêu chuẩn,… tuyển dụng từ năm 1998 đến nay.

(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, tác giả: Lã Tiến)

(Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, tác giả: Lã Tiến)

Giai đoạn 1: Từ 03/12/1998 đến 29/10/2003

Về điều kiện: Người được tuyển dụng dựa vào chỉ tiêu đơn vị và có văn bằng chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

Về thi tuyển hay xét tuyển: Trong giai đoạn này thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 95/1998/NĐ-CP (hết hiệu lực 29/10/2003) về tuyển dụng, quản lý công chức.

Tại “Điều 2. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: […] 5 - "Tuyển dụng" là việc tuyển người vào cơ quan Nhà nước sau khi đã đạt kết quả của kỳ thi tuyển;[…]”

Như vậy, từ trước ngày 29/10/2003 thì việc tuyển người vào cơ quan Nhà nước sau khi đã đạt kết quả của kỳ thi tuyển.

Tuy nhiên trong giai đoạn này căn cứ vào tình hình thực tế ngày 27 tháng 8 năm 2001 Chính phủ ban hành Chỉ thị Số: 18/2001/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong đó ở mục 2. Về xây dựng đội ngũ giáo viên phổ thông tại khoản b Các trường phổ thông công lập còn thiếu biên chế được xét tuyển không phải qua thi tuyển công chức đối với những sinh viên đã tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc có ngành đào tạo phù hợp để làm giáo viên.

Trường công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên nhưng nguồn tuyển không đủ, trước mắt được phép xét tuyển vào biên chế không qua thi tuyển công chức đối với những người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 61, Điều 67 của Luật Giáo dục.

Tức là kể từ tháng 8 năm 2001, Chính phủ cho phép tuyển dụng giáo viên không qua thi tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, và ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Tiếp đến, ngày 29 tháng 4 năm 2002 Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành thông tư Số: 24/2002/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP về hướng dẫn việc xét tuyển dụng công chức giáo viên phổ thông, mầm non bổ sung các trường hợp xét tuyển giáo viên như sau:

Các trường phổ thông công lập còn thiếu biên chế được xét tuyển không phải qua thi tuyển công chức đối với những người dự tuyển có bằng tốt nghiệp đạt loại giỏi, xuất sắc của ngành đào tạo phù hợp với vị trí giảng dạy.

Trường công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên nhưng nguồn tuyển không đủ được xét tuyển vào biên chế không qua thi tuyển công chức đối với những người đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 61, Điều 67 của Luật Giáo dục.

Sau khi thực hiện xét tuyển các đối tượng và địa bàn trên, nếu còn chỉ tiêu biên chế và có nguồn dự tuyển, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc tuyển dụng giáo viên phổ thông, mầm non theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển cho phù hợp.

Như vậy, ngoài việc xét tuyển các trường hợp như Chỉ thị 18 của Chính phủ, Bộ Nội vụ cho phép Chủ tịch tỉnh (Chủ tịch hội đồng tuyển dụng của tỉnh) căn cứ tình hình thực tế của đơn vị nếu thiếu biên chế có thể cho thi tuyển hoặc xét tuyển (tuyển dụng không qua thi tuyển).

Tóm lại giai đoạn tháng 12/1998 đến tháng 7/2001 là thi tuyển; giai đoạn tháng 8/2001 đến tháng 4/2002 là thi tuyển hoặc xét tuyển sinh viên giỏi, xuất sắc, nơi tuyển dụng thuộc vùng khó khăn; từ tháng 5/2002 đến tháng 10/2003 là thi tuyển hoặc xét tuyển sinh viên giỏi, xuất sắc, nơi tuyển dụng thuộc vùng khó khăn và các trường thiếu giáo viên theo chỉ tiêu, được xếp theo thứ tự ưu tiên và điểm từ cao đến thấp.

Giai đoạn 2: Từ 29/10/2003 đến 02/06/2012

Thực hiện theo Nghị định Số: 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước theo đó:

Về tiêu chuẩn có đủ văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của ngạch dự tuyển.

Về hình thức thi tuyển hay xét tuyển: Thi tuyển hoặc xét tuyển kèm phỏng vấn

Đối với việc tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển: Những người tham gia dự thi tuyển đều phải thi thông qua 2 hình thức bắt buộc là thi viết và thi vấn đáp hoặc trắc nghiệm hoặc thực hành. Nội dung thi là chuyên môn nghiệp vụ của ngạch dự thi.

Đối với các ngành nghệ thuật, thể dục thể thao và các ngành đặc thù khi tuyển không thực hiện theo hình thức nêu trên mà thi về năng khiếu và các nội dung khác theo quy định của cơ quan quản lý ngạch viên chức chuyên ngành.

Đối với việc tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển: Hội đồng tuyển dụng căn cứ yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng, thứ tự ưu tiên để xét tuyển thông qua hồ sơ và phỏng vấn từng người dự tuyển.

Trường hợp nhiều người có tiêu chuẩn và điều kiện bằng nhau ở chỉ tiêu tuyển dụng cuối cùng của kỳ xét tuyển thì Hội đồng xét tuyển căn cứ vào yêu cầu cụ thể của ngạch tuyển dụng quyết định bổ sung thêm điều kiện xét để xác định người trúng tuyển.

Giai đoạn từ tháng 6/2012 đến tháng 9/2020

Thực hiện theo Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (hết hiệu lực 29/9/2020)

Điều kiện: Đảm bảo các tiêu chuẩn, chứng chỉ theo quy định

Hình thức thi:

Thi tuyển: người dự thi tuyển viên chức phải thực hiện các bài thi sau: Thi kiến thức chung và thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Việc thi tin học văn phòng và ngoại ngữ đối với người dự thi tuyển viên chức thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu của vị trí việc làm.

Nếu xét tuyển kèm phỏng vấn, xét tuyển đặc cách kèm phỏng vấn.

Giai đoạn 29/9/2020 đến nay

Thực hiện tuyển dụng theo Nghị định Số: 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Theo đó điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng theo tiêu chuẩn từng vị trí việc làm và chức danh tuyển dụng do Chính phủ quy định.

Về thi tuyển: Vòng 1: Kiến thức chung nội dung thi gồm 3 phần, thời gian thi như sau:

Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Thời gian thi 60 phút;

Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định. Thời gian thi 30 phút;

Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.

Vòng 2: Thi kiến thức chuyên ngành

Về xét tuyển cũng gồm 2 vòng gồm vòng 1 xét hồ sơ đảm bảo yêu cầu tuyển dụng và vòng 2 thi kiến thức chuyên ngành.

Trên đây là một số thông tin về quá trình tuyển dụng từ năm 1998 đến nay giáo viên có thể tham khảo các nghị định trên kèm thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(*) Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM