Bộ sửa thông tư, làm sao ngăn được tình trạng dạy thêm chính khóa kiếm tiền?

29/12/2020 06:46
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình đang dạy ở trường và tổ chức dạy buổi 2 hiệu quả thì dạy thêm chắc chắn sẽ đi vào nền nếp.

Thông tư 17 ban hành về việc cấm dạy thêm học thêm ra đời từ năm 2012 tính đến nay cũng gần 10 năm. Tuy nhiên, việc cấm cứ cấm, dạy thêm học thêm đã trở thành vấn nạn đem đến nhiều nỗi bức xúc, bất bình cho xã hội và không ít tâm tư, trăn trở của những thầy cô giáo chân chính.

Một lớp học thêm ở Đồng Nai, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Đồng Nai

Một lớp học thêm ở Đồng Nai, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Đồng Nai

Để hạn chế mức thấp nhất dạy thêm học sinh tràn lan, vào tháng 8-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 của Bộ trưởng GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Sau thời điểm tháng 8-2019, chỉ những cơ sở có giấp phép học thêm, dạy thêm còn hiệu lực mới được tiếp tục hoạt động cho đến khi hết giấy phép. Còn tất cả các hoạt động tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép và gia hạn giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường đều phải dừng lại, chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định mới.

Những điều luật dạy thêm học thêm nào trong Thông tư 17 đã hết hiệu lực?

Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT có các nội dung: Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Yêu cầu đối với người dạy thêm; Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.

Cho đến thời điểm này, nhiều cơ sở và không ít giáo viên đã hết giấy phép dạy thêm nhưng không được cấp mới. Hiện vẫn đang chờ hướng dẫn quy định mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dù thế thì việc dạy thêm học thêm không vì thế mà hạ nhiệt. Mới đây nhất, Thành phố Hồ Chí Minh phải ra thông báo cấm dạy học thêm cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày.

Học thêm là nhu cầu của một bộ phận học sinh và phụ huynh, nhưng không phải tất cả

Bỏ qua một số trường hợp giáo viên dùng thủ thuật để lùa học sinh đến lớp học thêm nhằm tăng thu nhập thì học thêm hiện nay vẫn là nhu cầu chính đáng của nhiều học sinh và phụ huynh.

Học sinh đi học thêm hiện nay có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất, những học sinh giỏi, thông minh đi học thêm để thầy cô hướng dẫn, tìm tài liệu nghiên cứu và giải đáp thắc mắc để nâng cao nhận thức. Những em này thường có ước vọng học để thi vào trường chuyên, lớp chọn và những trường đại học danh tiếng.

Nhóm thứ hai, là những em có lực học quá yếu, tiếp thu bài rất chậm nên không hiểu bài, không thể theo kịp kiến thức trên lớp nên cần thầy cô giảng đi giảng lại, kèm cặp riêng, để tiếp thu được kiến thức tối thiểu trong sách giáo khoa.

Nhóm thứ ba, còn một bộ phận không nhỏ học sinh thích điểm số, ba mẹ thích thành tích, thích được khoe con nên bắt buộc các em đi học thêm để được điểm cao và mong đạt được danh hiệu.

Vì thế, dù có cấm dạy thêm cũng chỉ cấm được giáo viên còn phụ huynh khi đã muốn cho con đi học thêm sẽ có nhiều cách như mời giáo viên đến nhà kèm riêng với học phía cao ngất, thuê gia sư là sinh viên hoặc giáo viên về hưu…

Bởi thế, khi bộ sửa thông tư quy định dạy thêm học thêm thế nào để làm sao không ngăn cản nhu cầu học thêm chính đáng của học sinh, phụ huynh, nhưng vẫn hạn chế tối đa các trường, các giáo viên ép học sinh chính khóa phải học thêm vì mục đích tăng thu nhập?

Một vài kiến nghị gửi Bộ Giáo dục

a/ Đối với trường dạy một buổi/ngày

Cấm tuyệt đối giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình đang dạy chính khóa ở trường.

Có thể nói, việc giáo viên dạy thêm học sinh của mình đang dạy chính khóa ở trường chính là nguồn cơn xảy ra bao tiêu cực.

Học sinh bị ép buộc đi học thêm tự nguyện. Học sinh bị đối xử không công bằng. Phụ huynh không cho con cháu đi học thêm vì sợ bị làm khó mà cho đi học thêm lại bức xúc, bất bình.

Nhưng làm gì để quản lý được các thầy cô giáo không được dạy học sinh chính khóa trong khi dạy thêm?Thực ra, quy định này đã có trong Thông tư 17. Vậy vì lý do gì giáo viên vẫn cứ dạy thêm chủ yếu cho học sinh lớp chính khóa của mình?

Khi kiểm tra cơ sở dạy thêm, người ta chỉ chủ yếu chú ý xem có giấy phép dạy thêm hay không? Cơ sở vật chất có đảm bảo đúng theo yêu cầu? Còn tên tuổi học sinh, hiện đang học lớp nào ở trường? Học với ai thì ít ai chú ý.

Không cho giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình sẽ có thêm điều lợi tự giáo viên ấy phải nỗ lực hết mình trong chuyên môn để khẳng định năng lực, danh tiếng của mình mới mong thu hút được học sinh tìm đến học.

Những giáo viên dạy dở, ít tiếng tăm sẽ không có ai tìm đến học và đương nhiên có muốn dạy học cũng không dạy được.

b/ Đối với trường dạy 2 buổi/ngày

Tổ chức tốt việc dạy buổi 2 ở trường đó là dạy phân hóa, dạy theo nhu cầu sở thích của học sinh và phụ huynh.

Tuyệt đối không dạy nguyên lớp, sáng học sĩ số bao nhiêu chiều vẫn y chang sĩ số đó và buổi chiều chỉ là ôn tập lại những kiến thức đã học buổi sáng.

Cho học sinh quyền chọn môn học và chọn giáo viên. Sẽ có những lớp học toán nâng cao, tiếng Việt nâng cao, tiếng Anh tăng cường hay các lớp phụ đạo học sinh yếu kém lấy lại kiến thức, các lớp năng khiếu như múa, hát, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, bóng đá…

Nếu làm chặt chẽ khâu này, không cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình đang dạy ở trường và tổ chức dạy buổi 2 hiệu quả thì dạy thêm chắc chắn sẽ đi vào nền nếp. Giáo viên dạy dở, dạy không uy tín sẽ tự đào thải. Những giáo viên dạy giỏi sẽ không có thời gian để mà dạy thêm vì lượng học sinh đăng ký học quá đông.

Đỗ Quyên