Mặt sau ít biết của danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi

10/01/2021 06:21
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chính vì những “kịch bản hoàn hảo” đã được đầu tư của các “nhà biên kịch” chuyên nghiệp nên thông thường những báo cáo, những tiết dạy thường được điểm cao.

Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2019/TT-BGDĐ Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐ thì các Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi không còn phải thi sáng kiến kinh nghiệm mà thay vào đó là “một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng”.

Nhìn chung, Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi giờ đây không còn quá nặng nề và áp lực, các nhà trường cũng không còn ép buộc giáo viên đi thi như những năm trước đây.

Tuy nhiên, dù chỉ là năm đầu tiên các địa phương tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi nhưng đã xuất hiện tình trạng bán mua “biện pháp góp phần nâng cao chất lượng” (giáo viên thường gọi là báo cáo giải pháp) tràn lan trên mạng internet.

Nhiều trang facebook rao bán công khai (Ảnh chụp từ màn hình)Nhiều trang facebook rao bán công khai (Ảnh chụp từ màn hình)

Rao bán báo cáo giải pháp công khai trên mạng xã hội và diễn đàn giáo viên

Hàng năm, ngành giáo dục ở các địa phương phát động rất nhiều phong trào thi đua, các hội thi khác nhau như: phong trào thi làm đồ dùng dạy học, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên dạy học, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi…

Mỗi phong trào thi đua như vậy có rất nhiều giáo viên tham gia. Có thầy cô tham gia vì muốn chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Có người tham dự vì được đơn vị động viên, khích lệ, có người vì muốn khẳng định tay nghề của mình trước đồng nghiệp…

Trong số các giáo viên tham gia ở mỗi hội thi, chúng tôi tin là nhiều thầy cô giáo đến với hội thi trong một tâm thế chủ động, thực tâm đến với hội thi của ngành và những thầy cô như vậy rất đáng biểu dương, khen ngợi vì họ đang là những nhân tố tích cực trong mỗi đơn vị.

Song, cũng từ lâu rồi đang tồn tại một thực trạng đáng buồn là luôn có giáo viên đi mua các sản phẩm từ đồng nghiệp ở địa phương khác để đem đến hội thi.

Vì thế, có những thầy cô được giải cao nhưng chưa hẳn đã những người nhiệt huyết, đam mê và giỏi chuyên môn. Thành ra, những cuộc thi, hội thi cũng thật giả lẫn lộn.

Lướt qua các trang facebook giáo viên phổ thông, chúng tôi nhận thấy tình trạng một số giáo viên đăng bán, chào mời một cách công khai và có nhiều người đang ăn nên làm ra từ các dịch vụ này.

Nhiều người hồ hởi đăng khoe những tin nhắn của “khách hàng” sau khi mua sản phẩm đã đạt giải cấp trường, cấp thị xã và thậm chí là nhất cấp tỉnh. Chính những lời quảng cáo, giới thiệu có cánh như vậy đã khiến cho nhiều giáo viên dễ dàng bỏ ra một số tiền để đem đến hội thi.

Nhiều người còn đứng ra nhận làm toàn bộ sản phẩm cho Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi như viết báo cáo giải pháp, viết những câu chuyện (thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi), thiết kế giáo án (giáo viên dạy giỏi).

Một "nhà biên kịch" khoe trên trang facebook cá nhân (Ảnh chụp từ màn hình).
Một "nhà biên kịch" khoe trên trang facebook cá nhân (Ảnh chụp từ màn hình).

Vì thế, những người mua sản phẩm này chỉ cần bỏ tiền mua rồi đến hôm thi lên đọc lại, diễn lại theo một kịch bản đã có sẵn.

Chính vì những “kịch bản hoàn hảo” đã được đầu tư của các “nhà biên kịch” chuyên nghiệp nên thông thường những báo cáo, những tiết dạy thường được điểm cao và đương nhiên là giải thưởng cũng cao.

Và, tất nhiên là các thành viên Ban giám khảo cũng không thể nào phân biệt được đâu là thật, đâu là giả!

Giáo viên có nên mua các sản phẩm này để đi thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi?

Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh về tình trạng giáo viên mua giáo án, mua sáng kiến kinh nghiệm, thuê người bồi dưỡng trực tuyến hoặc mua các bài tập của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Một số giáo viên này chỉ cần bỏ ra một ít tiền là có thể mua một sáng kiến kinh nghiệm viết sẵn, một báo cáo giải pháp, một bộ giáo án, một số bài tập làm sẵn để điền vào các bài tập bồi dưỡng chương trình mới, thậm chí là thuê người bồi dưỡng trực tuyến thay…

Điều tréo ngoe là những sản phẩm này lại thường được viết rất hay bởi nó được thực hiện từ những người viết thuê chuyên nghiệp nên dễ dàng đạt được giải cao.

Nhưng có điều, đối với Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi hay thi sáng kiến kinh nghiệm thì nếu giáo viên không đăng ký thì bây giờ cũng có ai ép buộc đâu?

Đặc biệt là Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi- nghe cái tên thì chúng ta cũng thấy cụm từ này chứa đựng một nội dung cao cả khi mà người thầy đạt giải.

Được công nhận giải giáo viên giỏi cũng đồng nghĩa là những thầy cô ấy sẽ được khen thưởng, được đề nghị xét thi đua, được cái danh để đồng nghiệp, phụ huynh trầm trồ…khen ngợi.

Tuy nhiên, những giáo viên đi mua sản phẩm của người khác để dự thi có đáng được khen không? Họ có cảm thấy xứng đáng với những lời khen của lãnh đạo, của đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh hay không?

Và, những thầy cô đã và đang công khai rao bán bán sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo giải pháp cho hội thi giáo viên dạy gỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, “học và làm bài tập thay” cho đồng nghiệp có nên xem đó là một điều tự hào để kheo mẽ trên mạng xã hội hay không?

Câu trả lời chúng tôi xin được để ngỏ và biết đâu bài viết này đến được với những thầy cô giáo đã và đang bán mua những sản phẩm như thế này!

KIM OANH