Hầu hết giáo viên đều có thể phấn đấu lên hạng II mới, đâu chỉ ban giám hiệu

07/03/2021 06:49
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiêu chuẩn của giáo viên hạng II từ tiểu học trở lên được xếp lương có hệ số 4,0 đến 6,38 sẽ không quá khó, hầu hết giáo viên đều có thể đạt được.

Sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành và sắp có hiệu lực thì có rất nhiều sự quan tâm của giáo viên việc chuyển xếp lương, chuyển hạng,…

Bài viết “Chiến sĩ thi đua không quá 15%, bao nhiêu giáo viên phổ thông có của lên hạng II” của tác giả Ánh Dương đã phân tích việc chuyển xếp lương lên hạng II cũng có phần nào khó khăn.

Tuy nhiên, theo quan điểm người viết các tiêu chuẩn của giáo viên hạng II sẽ không quá khó, không phải chỉ là tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay của tổ trưởng chuyên môn mà các giáo viên hoàn toàn có thể đạt được.

Tôi xin trích và phân tích các tiêu chuẩn của giáo viên trung học cơ sở hạng II theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT của bậc trung học cơ sở để các bạn đồng nghiệp trong giáo giới cùng tham khảo, các bậc khác cũng tương tự.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại Điều 4. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31

1. Nhiệm vụ

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng III (nhiệm vụ giáo viên hạng III là các nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, hàng ngày của giáo viên, hầu hết giáo viên đều thực hiện nhiệm vụ này), giáo viên trung học cơ sở hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử; (nhiệm vụ này giáo viên nếu là nhóm trưởng, tổ trưởng hoặc được phân công thì có thể đạt được).

b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên; (nhiệm vụ này tham gia hướng dẫn học sinh thi khoa học kỹ thuật, chấm sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học của giáo viên trong trường trở lên).

c) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; (nhiệm vụ này giáo viên thực hiện thường xuyên).

d) Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên; (được hiệu trưởng phân công).

đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có). (được hiệu trưởng phân công).

2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Tiêu chuẩn này nếu giáo viên không vi phạm đạo đức, không bị kỷ luật, lạp biên bản,… thì hầu hết đều đạt.

3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở (bằng đại học sư phạm).

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II. (tiêu chuẩn bắt buộc)

4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học cơ sở và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao; (tiêu chuẩn này giáo viên đều đạt).

b) Có khả năng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; có khả năng xây dựng bài học theo chủ đề liên môn; (tiêu chuẩn này do hiệu trưởng hoặc tổ trưởng phân công).

c) Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, công nghệ dạy học và giáo dục đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; (đa số giáo viên đạt tiêu chuẩn này).

d) Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; (đa số giáo viên đạt).

đ) Có khả năng vận dụng có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục; (đa số giáo viên đạt).

e) Chủ động, tích cực tạo dựng mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tin tưởng với cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; (đa số giáo viên đạt).

g) Chủ động nghiên cứu và có khả năng cập nhật kịp thời các yêu cầu mới về chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng vận dụng sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả các hình thức nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân; (đa số giáo viên đạt).

h) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao; (biết sử dụng tin học, ứng dụng tin học,… đa số đều đạt).

i) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên; (ở điều khoản này giáo viên đạt chỉ 1 trong các tiêu chuẩn trên).

Tôi xin phân tích thêm, hầu hết giáo viên hiện nay ít nhất đều đạt giáo viên giỏi cấp trường trở lên nên hầu hết đều đạt tiêu chuẩn này.

Các tiêu chuẩn cũng không quy định thời gian, nên không nhất thiết đạt vào thời điểm nào đều xem như là có tiêu chuẩn.

Tại Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng mới cũng đã bỏ quy định tỷ lệ % giáo viên đạt chiến sĩ thi đua. Vì thế, giáo viên có thể yên tâm với tiêu chuẩn này.

k) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Ở tiêu chuẩn này, giáo viên giữ hạng III mã số V.07… hoặc tương đương mã số 15… đều xem là tương đương giữ hạng III, không phải từ khi xếp mã ngạch V.07… từ năm 2015 như một số người thắc mắc.

Do đó, tiêu chuẩn của giáo viên hạng II từ tiểu học trở lên được xếp lương có hệ số 4,0 đến 6,38 sẽ không quá khó, hầu hết giáo viên đều có thể đạt được.

Tôi chỉ hơi băn khoăn, lo lắng khi các tỉnh áp cơ cấu, chỉ tiêu các hạng. Trước đây Ủy ban nhân dân tỉnh T.G. đã giao chỉ tiêu cho các trường phổ thông giáo viên hạng III là 80%, hạng II là 15%, hạng I là 5%.

Rất mong Chính phủ ban hành quy định, bỏ cơ cấu, chỉ tiêu thăng hạng, giáo viên đạt tiêu chuẩn ở hạng nào thì được xét xếp vào hạng đó, không khống chế tỉ lệ, số lượng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM