Nói lương mới giáo viên thu nhập chỉ tăng không giảm là cho chúng tôi ăn bánh vẽ

05/03/2021 06:27
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên có thâm niên hiện đang vô cùng lo lắng, thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới 1/7/2022 khi đó bị cắt thâm niên sẽ thế nào đây?

Sự ra đời của chùm Thông tư số: 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập hiện đang nhận được quan tâm rất lớn của cộng đồng mà đặc biệt là các thầy cô giáo.

Nhiều giáo viên đang rất quan tâm đến việc chuyển xếp lương và thâm niên nhà giáo (Ảnh Phan Tuyết)

Nhiều giáo viên đang rất quan tâm đến việc chuyển xếp lương và thâm niên nhà giáo (Ảnh Phan Tuyết)

Vì thế, không lạ lùng gì khi các bài viết đề cập về chế độ tiền lương nhà giáo lại nhận được sự quan tâm rất lớn từ đội ngũ thầy cô.

Nhiều bài viết đã mang thông điệp giúp giáo viên vững niềm tin, ổn định tâm lý. Tuy nhiên, có những bài viết cũng cần được trao đổi với tác giả vì nói về lý thuyết không sai nhưng áp dụng vào thực tế lại hoàn toàn khác.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi với tác giả Bùi Nam về bài “Làm gì có chuyện giảm lương theo thông tư mới, thầy cô chớ lo” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam ngày 4/3.

Tác giả Bùi Nam khẳng định: Nếu giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo thì lương sẽ được xếp lương mới theo hướng tăng lên.

Ví dụ như lương giáo viên mầm non trước đây có thể xếp lương trung cấp 1,86 đến 4,06 xếp chuyển từ hệ số lương 2,1 đến 4,89.

Lương giáo viên tiểu học có thể tăng mạnh từ 1,86 – 4,06 chuyển xếp lương từ 2,34 đến 4,98.

Lương giáo viên trung học cơ sở từ 2,1 đến 4,89 chuyển xếp lên từ 2,34 đến 4,98.

Nếu được chuyển xếp lên các hạng cao thì hệ số lương có thể thay đổi tăng cao,… nếu được xếp hạng II của tiểu học trở lên thì hệ số lương có thể từ 4,0 đến 6,38.

Nếu giáo viên không đạt chuẩn thì được xếp lương như hiện nay không thay đổi, không có chuyện giảm lương.

Có thể thấy khi chuyển xếp lương theo các thông tư mới, không có bất kỳ ai bị giảm lương, thu nhập, chỉ có tăng hoặc giữ nguyên như hiện hành.

Đôi điều trao đổi:

Nhìn vào bậc lương cũ và mới đã có sự rút ngắn, nhìn vào hệ số lương giữa các hạng chúng ta thấy các hệ số tăng khá cao. Tuy nhiên nếu xếp lương ngoài thực tế sẽ thế nào?

Với giáo viên mầm non:

Những giáo viên đang hưởng bậc 6 hệ số 3.99 sẽ xếp lương hệ 4.0

Bậc 7 hệ số 4.32 sẽ xếp 4.34; Bậc 8 hệ số 4.65 sẽ xếp 4.68; Bậc 9 hệ số 4.98 xếp 5.02.

Mức chênh lệch giữ các hệ số thế này chỉ tăng vài ngàn đến vài chục ngàn.

Giáo viên tiểu học:

Giáo viên tiểu học hạng III khi được thăng hạng II, mức lương đang ở 2.34; 2.67; 3.0 sẽ được xếp ngay lên 4.0 có thể nói là tăng khá cao. Nhưng giáo viên giữ hạng II thì khi chuyển xếp lương cũng chỉ tăng từ vài ngàn đến vài chục ngàn.

Ví dụ: Những giáo viên đang hưởng bậc 6 hệ số 3.99 sẽ xếp lương bậc 1, hệ 4.0

Bậc 7 hệ số 4.32 sẽ xếp bậc 2 hệ số 4.34; Bậc 8 hệ số 4.65 sẽ xếp bậc 3 hệ 4.68; Bậc 9 hệ số 4.98 xếp 5.02…

Mức chênh lệch giữ các hệ số cũ và mới cũng chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn là nhiều.

Giáo viên trung học cơ sở:

Ví dụ: những giáo viên đang ăn lương ở hệ số 2.34; 2.67; 3.0; sẽ được chuyển qua hệ số lương 4.0 (thời gian nâng bậc lần sau từ ngày có quyết định xếp lương mới).

Bên cạnh đó, không ít thầy cô giáo lại quá thiệt thòi như giáo viên đang hưởng lương hệ số 3.33; đặc biệt 3.66 khi chuyển qua hệ số 4.0 (chênh lệch chỉ 0.34) nhưng phải kéo dài thời gian nâng lương lần sau kể từ ngày có quyết định xếp lương mới.

Những giáo viên đang hưởng bậc 6 hệ số 3.99 sẽ xếp lương bậc 1, hệ 4.0

Bậc 7 hệ số 4.32 sẽ xếp bậc 2 hệ số 4.34; Bậc 8 hệ số 4.65 sẽ xếp bậc 3 hệ 4.68; Bậc 9 hệ số 4.98 xếp 5.02…

Mức tăng giữa lương cũ và lương mới cũng chỉ là vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng.

Giáo viên trung học phổ thông

Những giáo viên hạng III đang ăn lương ở hệ số 2.34; 2.67. 3.0…khi được chuyển sang hạng II sẽ được điều chỉnh ở hệ số 4.0 gọi là tăng khá hơn một chút.

Những giáo viên đang ở hệ 3.66; 3.99 lên 4.0 xem như không được gì. Nếu giáo viên hạng II được thăng hạng I thì mức chênh lệch giữ các hệ số có nhỉnh hơn chút nhưng số người được thăng hạng sẽ không nhiều.

Tác giả Bùi Nam nói: “… nếu có thêm thâm niên vượt khung có thể chuyển sang lương mới có hệ số 5,36 sau đó 3 năm tiếp theo tiếp tục được tăng lương hệ số lương tăng lên hệ số lương tăng thêm là 0,34 rất cao so với hiện tại.

Xin thưa, nhiều giáo viên hiện đang ăn lương hệ số 4.98 và có thêm thâm niên vượt khung được ăn hệ 5.36 phần đông đã gần đến tuổi nghỉ hưu.

Và như thế, hơn 30 năm đi dạy, khi về hưu lương cũng chỉ dừng ở bậc 4, bậc 5. Thế nên, bậc 8 hệ số lương 6.38 hay 6.78 cũng chỉ là một giấc mơ.

Khi đang ăn hệ số kịch khung 4.98 thì người nhiều nhất cũng chỉ còn hơn 6 năm sẽ về hưu, sẽ có 2 lần tăng lương, hệ số lương được nhận cao nhất có thể 6.04 (số này rất ít) thì làm sao chạm đến mức 6.38 hay 6.78 thì lấy đâu mà tăng rất cao?

Rõ ràng, khi xếp lương theo các thông tư mới, giữa các hệ số lương tăng không đáng kể nên kết luận của tác giả Bùi Nam: Làm gì có chuyện giảm lương theo thông tư mới” không sai. Nhưng tác giả Bùi Nam lại khẳng định: “Khi xếp lương theo các thông tư mới thu nhập giáo viên chỉ có tăng, không có giảm” lại cần phải xem lại.

Lương không giảm nhưng thu nhập giáo viên chắc chắn giảm khi giáo viên bị cắt thâm niên. Chúng tôi đã có nhiều bài viết phân tích cặn kẽ vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo.

Người có thâm niên 10 năm thu nhập một tháng có thể giảm vài trăm ngàn, người có thâm niên 20 năm, thu nhập một tháng sẽ giảm gần 2 triệu. Người có thâm niên 30 năm, thu nhập một tháng sẽ giảm hơn 2 triệu đồng.

Nếu gia đình có 2 vợ chồng nhà giáo thì một tháng sẽ giảm từ vài triệu trở lên. Số tiền giảm này với giáo viên sẽ rất lớn vì ngoài đồng lương hàng tháng họ cũng không có thêm các khoản thưởng, thu nhập tăng thêm gì.

Giáo viên hiện đang vô cùng lo lắng, thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới 1/7/2022 khi đó bị cắt thâm niên sẽ thế nào đây?

Dù thế, nhiều thầy cô vẫn đang tràn trề hy vọng, lẽ nào nhà nước không tăng lương thật nhiều cho ngành giáo dục để giáo viên sống được bằng lương như họ từng nhận được lời hứa, để giáo dục thật sự là quốc sách hàng đầu như nhiều nghị quyết từng khẳng định, mà lại đi giảm lương để giáo viên lâm vào tình cảnh khốn khó?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết