Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, theo Hiệp hội có 4 vấn đề mà ngành giáo dục và đào tạo cần làm càng sớm càng tốt, có như vậy mới mong giải quyết những nút thắt đang diễn ra.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh) |
Một là, Hiệp hội đề nghị sớm điều chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân theo xu hướng mở, liên thông nhằm phát huy sức mạnh của toàn hệ thống; trước mắt cho chuyển hệ cao đẳng trở về với khối giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước.
Hai là, cần có các nghị định của Chính phủ để xử lý 3 vấn đề:
Hướng dẫn rõ hơn về việc thực hiện tự chủ đại học, nhất là giải quyết sự chồng chéo giữa cơ chế tự chủ theo quan điểm và quy định của các Nghị quyết và Luật với cơ chế chủ quản đã cũ và không còn phù hợp nữa. Nếu kéo dài tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn nhau như hiện tại thì rất trở ngại cho việc thực hiện chủ trương rất quan trọng này. Trước mắt cần ban hành ngay một nghị định về tự chủ cho riêng hệ thống trường đại học đã chuyển qua cơ chế tự chủ;
Hướng dẫn việc tổ chức hệ thống kiểm định và thực hiện công tác kiểm định chất lượng theo các quan điểm tiến bộ về lĩnh vực này.
Và đổi mới căn bản cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học.
Ba là, đối với các trường công lập đang gặp nhiều khó khăn về tuyển sinh do chất lượng cơ sở và chất lượng đào tạo chưa tốt, cần thực hiện theo chủ trương về việc hợp tác công - tư; mở cơ chế để huy động cổ phần từ nguồn lực tài chính; có sự tham gia quản lý của những cá nhân và tổ chức có góp vốn phát triển trường, nhằm hướng đến phát triển thành loại trường ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận.
Bốn là, việc nâng cấp số giáo viên cấp 1, cấp 2 lên trình độ đại học cần có lộ trình phù hợp gắn với việc nâng cấp các cơ sở sư phạm địa phương đào tạo giáo viên. Nên ưu tiên có một hệ thống chương trình truyền hình chuyên về giáo dục phổ thông trong cả nước cho học sinh các cấp 1 và 2 trong mùa dịch Covid-19, không khoán gọn cho hệ thống dạy trưc tuyến của từng trường riêng biệt.
Trước đó, ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phải bắt đầu từ thể chế, theo tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Chọn một số việc cấp bách, khả thi, có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa mạnh mẽ để làm trước, làm dứt điểm.