Say sưa với thiết chế tập quyền, Hội đồng trường không thể phát huy quyền lực

26/05/2021 18:47
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hành lang pháp lý chưa thông thoáng và còn nhiều điểm chồng chéo, đó là lý do khiến thực tiễn hoạt động của Hội đồng trường còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Ngày 26/5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường.

Tham dự tọa đàm có Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Các Phó Chủ tịch Hiệp hội; Phó Giáo sư–Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học; Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cùng 123 Chủ tịch Hội đồng trường, Lãnh đạo 18 trường Đại học, Cao đẳng sư phạm đang thành lập Hội đồng trường tham gia dự thính, cùng hai đại biểu quốc hội.

Tọa đàm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường được tổ chức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Minh)

Tọa đàm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường được tổ chức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Minh)

Đồng chủ trì cuộc họp có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội; Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cho biết: “Câu lạc bộ đã được thành lập hơn hai tháng, cho đến thời điểm hiện tại, đã có 123 thành viên tham gia.

Hơn 2 tháng qua, Câu lạc bộ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn luận, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động của Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường. Qua khảo sát thực tế từ các trường cho thấy, việc thực thi quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của Chủ tịch Hội đồng trường vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Trên cơ sở đó, buổi tọa đàm tiếp tục ghi nhận những chia sẻ, ý kiến đóng góp của các trường, nêu kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp Hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà các cơ sở giáo dục đang gặp phải”.

Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định, thực tiễn hoạt động của Hội đồng trường hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc.

Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Phó Giáo sư Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường được quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 16, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 (gồm 10 mục), tạo điều kiện thuận lợi, rõ ràng để Hội đồng trường hoạt động. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai lại gặp một số vấn đề.

Cụ thể, về nhận thức là chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường, vẫn còn quan điểm sai lầm là Hội đồng trường làm chuyển dịch quyền lực, hạn chế quyền của Hiệu trưởng và làm cản trở các quyết định của Ban giám hiệu.

Về tổ chức công việc trong trường còn có những quy trình chưa phù hợp với cơ chế quản trị của Hội đồng trường do tâm lý và thói quen làm việc của chế độ thủ trưởng.

Về năng lực quản trị, có Hội đồng trường chưa khẳng định được hiệu quả và năng lực quản trị trong cơ chế tự chủ hoặc hoạt động vượt quá thẩm quyền quy định.

Về mối quan hệ với cơ quan chủ quản bộ máy điều hành, đứng đầu là Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp với cơ quan chủ quản (trong việc nhận nhiệm vụ và báo cáo) và ít có ràng buộc với Hội đồng trường.

Đối với hệ thống văn bản, một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thiếu cụ thể nên khó thực hiện tự chủ toàn diện như Luật 34 quy định, bên cạnh đó, Nghị quyết 19 chưa được thực hiện triệt để.

Theo chia sẻ của đại diện các trường thành viên trong câu lạc bộ, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập các văn bản nhà nước về Chủ tịch Hội đồng trường. Chưa có văn bản quy định rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu, chưa phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Công cụ để giám sát, đánh giá, phân loại… tính hiệu quả của việc bộ máy hành chính Nhà trường thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường. Nếu bộ máy hành chính của trường không thực hiện tốt các quyết nghị thì xử lý bằng hình thức gì và xử lý như thế nào?

Hiện nay các văn bản của nhà nước mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các nghị định, thông tư khác có liên quan chưa theo kịp. Các nội dung về trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường trong Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP còn khá chung chung, cần làm rõ hơn trong Nghị định để Hội đồng trường thực hiện tốt và đúng vai trò.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, cần từ bỏ tư duy về cơ quan chủ quản để có tự chủ đại học đích thực. (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, cần từ bỏ tư duy về cơ quan chủ quản để có tự chủ đại học đích thực. (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nếu còn say sưa với thiết chế tập quyền thì sự tồn tại của Hội đồng trường không có ý nghĩa gì.

Phải kiên quyết từ bỏ tư duy về cơ quan chủ quản thì mới có tự chủ đại học đích thực, phải xác định cụ thể là trao quyền cho Hội đồng trường. Bên cạnh đó, cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường. Nhà nước cũng cần sớm xây dựng bộ khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước.

Từ thực tiễn nêu trên, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường nêu ra 7 đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy và phát triển tự chủ đại học.

Thứ nhất, trong hoàn cảnh hành lang pháp lý chưa thông thoáng, còn chồng chéo, cần ban hành một Nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ, những trường đại học đã thực hiện xây dựng được Hội đồng trường theo Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Thứ hai, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tác động Chính phủ chia sẻ để các cấp lãnh đạo ở các bộ, các tỉnh hiểu hơn về vai trò, quyền hạn của Hội đồng trường.

Thứ ba, cần thực hiện Hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP về tự chủ đại học.

Thứ tư, cần tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản, đảm bảo trao quyền tự chủ cho các trường, phát huy vai trò, quyền lực của Hội đồng trường.

Thứ năm, trong trường hợp chưa thể ban hành nghị định mới thì nên có thông tư liên tịch khi hệ thống văn bản pháp lý còn chồng chéo đang gây khó khăn cho các trường thực hiện cơ chế tự chủ.

Thứ sáu, do vấn đề quản lý đối với các trường cao đẳng chưa được nhất quán nên cần phải có thông tư hướng dẫn và mở rộng cơ chế tự chủ đối với các trường cao đẳng.

Thứ bảy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thay đổi tư duy nhận thức về vai trò của Hội đồng trường đến xã hội, các cấp lãnh đạo và trong từng nội bộ cơ sở.

Ngoài ra, các trường phải phát huy, thực hiện tốt nhất có thể trong quy định của Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP về vấn đề tự chủ đại học, tổ chức sân chơi chung, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, học tập lẫn nhau, đặc biệt trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, chắc chắn chúng ta sẽ phải hoàn thiện về mặt cơ chế, chính sách cho phù hợp, giúp các trường thực hiện tốt cơ chế tự chủ.

Với những vướng mắc mà các trường chia sẻ, Vụ Giáo dục Đại học đang đề xuất lên Chính phủ, kết hợp với việc sửa Nghị định 141/2013/NĐ-CP, sẽ sửa thêm một số điều đang vướng mắc nhiều nhất cho các trường trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP, để Chính phủ hiểu những vấn đề cấp bách cần tháo gỡ trong hành lang pháp lý về tự chủ đại học.

Phạm Minh