Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết liên quan đến kết luận của Vụ Pháp chế - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về 306 giảng viên Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, trong đó nhiều người là Tiến sĩ, Thạc sĩ chưa đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề phải được đào tạo để đạt chuẩn theo quy định.
Ngày 26/5/2021, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có phản hồi bằng văn bản cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam để trả lời một số nội dung xung quanh sự việc này.
Trả lời về căn cứ để Vụ Pháp chế - Thanh tra đưa ra kết luận trên, vị đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp dẫn ra các điều khoản trong Luật Giáo dục nghề nghiệp cụ thể như sau:
1. Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, trong đó quy định rõ “Nhà giáo dạy thực hành trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề”.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ảnh: gdnn.gov.vn |
Theo quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 17 và điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 32 của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định rõ:
a) Nhà giáo dạy thực hành hoặc tích hợp trình độ trung cấp phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 2 hoặc chứng nhận bậc thợ 4/7, 3/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc tương đương để giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ trung cấp.
b) Nhà giáo dạy thực hành hoặc tích hợp trình độ cao đẳng phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 3 hoặc chứng nhận bậc thợ 5/7, 4/6 trở lên hoặc chứng nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc tương đương để giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ cao đẳng.
Như vậy, 306 nhà giáo nhà trường phân công, bố trí giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp, tích hợp liên môn trong chương trình đào tạo của từng ngành, nghề phải đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề.
2. Căn cứ hồ sơ đề nghị chuyển đổi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ; Báo cáo điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành, nghề được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp kèm theo các hồ sơ minh chứng và Báo cáo bố trí, phân công giảng dạy của Nhà trường khẳng định:
(i) Toàn bộ 306 nhà giáo được nhà trường bố trí, phân công giảng dạy 19 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 15 ngành, nghề trình độ trung cấp không có nhà giáo nào có hồ sơ chứng minh đạt chuẩn về trình độ kỹ năng để giảng dạy các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 17 (Cụ thể không có: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 2 hoặc chứng nhận bậc thợ 4/7, 3/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc tương đương để giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ trung cấp).
Và tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 32 (Cụ thể không có: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia Bậc 3 hoặc chứng nhận bậc thợ 5/7, 4/6 trở lên hoặc chứng nhận nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, thầy thuốc nhân dân hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề hoặc tương đương để giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ cao đẳng) của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH.
(ii) Nhà trường báo cáo chỉ bố trí, phân công 306 nhà giáo giảng dạy tích hợp, giảng dạy thực hành một số môn học, mô đun và giảng dạy tích hợp liên môn trong chương trình đào tạo của 19 ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, 15 ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp (mỗi nhà giáo giảng dạy tối thiểu là 02 mô đun, môn học; tối đa là 11 mô đun, môn học); nhà trường không bố trí riêng nhà giáo để giảng dạy lý thuyết, trừ nhà giáo giảng dạy các môn học chung.
Như vậy, căn cứ hồ sơ chứng minh về trình độ kỹ năng nghề và phân công nhà giáo giảng dạy của Nhà trường, việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị Nhà trường phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với 306 nhà giáo để đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề là theo đúng quy định Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp và tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 17 và điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 32 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH khi bố trí nhà giáo tham gia giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp.
Phóng viên cũng đặt ra câu hỏi, nếu chiếu theo thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định về chuẩn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thì không có điều khoản nào bắt buộc tất cả nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề. Vậy thì kết luận này liệu có “vênh” với Thông tư của Bộ, việc này được bà Nguyễn Thị Việt Hương trả lời như sau:
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành Thông báo số 3121/TB-TCGDNN ngày 31/12/2020 (khi Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chưa có hiệu lực thi hành) thì yêu cầu chuẩn về kỹ năng nghề đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 17 và điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 32 của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH.
"Việc đề nghị nhà trường phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với 306 nhà giáo trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ để đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề là theo đúng quy định", đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết. Ảnh: Facebook nhà trường |
Theo đó chỉ có nhà giáo dạy thực hành hoặc dạy tích hợp mới yêu cầu phải có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với ngành, nghề giảng dạy, trong đó bao gồm chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, nếu 306 nhà giáo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ được phân công, bố trí giảng dạy thực hành, tích hợp thì 306 nhà giáo này phải đạt chuẩn về kỹ năng nghề theo quy định nêu trên.
Năm 2020, theo báo cáo và phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp không thể đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề theo quy định tại Điều 55 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH. Do vậy, Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 (có hiệu lực từ ngày 10/3/2021) , trong đó gia hạn lộ trình để nhà giáo giảng dạy thực hành, giảng dạy tích hợp phải đáp ứng đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề theo hướng dẫn sửa đổi (cho phép 12 tháng kể từ ngày ban hành đề thi, kiểm tra đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề thì nhà giáo phải hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ kỹ năng nghề theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH).
Phóng viên cũng đề cập đến khía cạnh, dư luận cũng đặc biệt quan tâm nếu chiếu theo các kết luận này của Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp này là đúng, vậy thì từ trước tới giờ chất lượng đào tạo sinh viên của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cần Thơ qua quá trình giảng dạy của các giảng viên này là như thế nào.
Việc này được bà Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng: "Chất lượng đào tạo sinh viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố (cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình đào tạo, hệ thống quản trị nhà trường,…) trong đó có vai trò của đội ngũ nhà giáo. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào đội ngũ nhà giáo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ thì chưa đủ cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên của Trường qua quá trình giảng dạy của đội ngũ nhà giáo này".