Cảnh sát phạt học sinh "thụt dầu" là bình thường, không có gì phản cảm!

03/06/2021 06:31
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc xử phạt này là nhẹ nhàng và hợp lý nhưng cùng với đó nên phân tích các điểm sai để các học sinh nhận thức được, khi đó mới có ý nghĩa giáo dục hiệu quả.

Mạng xã hội mới đây chia sẻ rầm rộ clip về việc 3 học sinh ở Đắk Lắk không chỉ đi chung trên một xe đạp điện mà còn không đội mũ bảo hiểm nên đã bị các chiến sĩ cảnh sát cơ động nhắc nhở và xử phạt theo cách khiến ai trông thấy cũng phải bật cười.

Theo đó, khi phát hiện các em học sinh đi trên một xe đạp điện vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm nên cảnh sát yêu cầu dừng xe. Sau khi giải thích cho các học sinh về việc các em đã vi phạm luật giao thông, hai chiến sĩ yêu cầu các em “nộp phạt” bằng việc đứng lên ngồi xuống tại chỗ hay còn gọi là "thụt dầu" 20 lần. Sau khi giám sát các em thực hiện xong, hai chiến sĩ nhắc nhở thêm một lần nữa rồi tiếp tục làm nhiệm vụ.

Sau khi clip này được đăng tải dư luận cũng đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về việc các cảnh sát xử phạt học sinh giữa nơi công cộng như vậy có mang tính phản cảm và thực sự có khiến các em ghi nhớ được hình phạt của mình. Việc làm này của những cảnh sát này liệu có vi phạm vào điều khoản nào của Luật bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam hay không.

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: NVCC

Cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: NVCC

Trao đổi quan điểm về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cô Ngô Thị Lễ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình cho rằng: “Khi xem clip tôi đã thấy các chiến sĩ cảnh sát đã bố trí cho các học sinh này đứng trên vỉa hè, nơi vị trí có bóng mát và đảm bảo an toàn rồi mới bắt đầu áp dụng các hình thức phạt với các em.

Không những thế, nhìn những cảnh sát này nhìn tuổi đời cũng còn rất trẻ nên có vẻ rất hiểu tâm lý của trẻ em khi đưa ra những hình phạt mang tính rèn luyện thể lực như vậy. Vì thế tôi thấy rằng, hình thức xử phạt đấy của các đồng chí cảnh sát cơ động với những em học sinh tại thời điểm đó không có điều gì mang tính chất phản cảm cả.

Ngược lại, với cách để các học sinh ấy phải “nộp phạt” của các đồng chí cảnh sát còn khiến cho các em nhớ lâu hơn về những vi phạm mà các em đã gây ra. Đồng thời, khi các anh cảnh sát cơ động đứng ở đó, cũng không hề quát mắng mà vẫn một phần nào tác động được tâm đến tâm lý của các em học sinh, để các em ở lứa tuổi đó có thể nhận ra được những hành vi nào là đúng, hành vi nào là sai khi tham gia giao thông.

Điều này cũng góp phần nâng cao ý thức giao thông không chỉ cho chính các học sinh đó, mà có thể từ những em vừa chịu hình thức xử phạt về truyền tai lại cho các bạn khác trong trong lớp để những bạn khác không còn dám tái phạm giống như mình.

Bên cạnh đó, việc xử phạt công khai bằng hình thức rèn luyện thể lực như vậy thay vì bắt người lớn phải đứng ra đóng những khoản tiền phạt từ việc làm do các em gây ra cũng là cách làm để lại thiện cảm tốt về lực lượng cảnh sát trong mắt học sinh. Như vậy, việc làm này nó có ý nghĩa giáo dục để các em học sinh nhận biết được là khi tham gia giao thông thì những hành vi các em đang làm là sai”.

Đồng thời, khi chia sẻ nhận định dưới góc nhìn của một phụ huynh, cô Lễ cũng cho rằng, sau khi xem clip được chia sẻ thì không hề có yếu tố phản cảm cả mà việc làm của các chiến sĩ cảnh sát trong tình huống như thế này có thể coi như một hình thức kỷ luật tích cực nếu như ngay sau đó các chiến sĩ này có những biện pháp thông tin kịp thời về cho phụ huynh và trường học của các em.

Để làm rõ hơn về việc xử phạt những học sinh này ở nơi công cộng, có nhiều người qua lại liệu có phản cảm và vi phạm vào Luật bảo vệ Quyền trẻ em hay không, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Bà Hồng cho rằng:

“Trong Luật bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam từ trước tới nay cũng đã có những điều khoản phân tích rõ về nguyên nhân khiến cho trẻ em nhiều khi là nạn nhân từ chính những hành vi mà các em đã gây ra.

Bởi lẽ, lứa tuổi trẻ em suy nghĩ của chúng còn non nớt lại chịu nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động vào để dẫn đến những hành vi chúng làm sẽ là chưa tốt hoặc bản thân các em không nhận thức hết được mức độ của những hành vi đó là sai trái.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC

Vì thế, khi đưa ra các quy định thì pháp luật của nước ta đều có mục đích chung là làm sao để giúp trẻ em trở thành người có ích, thành người tốt chứ không hề theo xu hướng là “trừng trị”.

Cũng phải nói rộng hơn rằng, có rất nhiều hành vi vi phạm của các em học sinh cần phải lên án và cần có những hình thức giáo dục phù hợp để các em có thể có được tư duy và nhân cách tốt sau mỗi lần bị xử phạt. Tránh làm sao để qua những lần xử phạt như vậy sẽ để lại những suy nghĩ tiêu cực trong tâm lý của các em học sinh.

Như vậy, cách làm của các chiến sĩ cảnh sát cơ động như trong clip mà chúng ta được xem là hợp tình, hợp lý. Trong nhiều trường học mà chúng tôi được biết, các giáo viên cũng sử dụng những hình thức xử phạt các học sinh tương tự như vậy để giáo dục các em.

Việc làm này không chỉ riêng với các giáo viên trực tiếp giảng dạy trong trường học mà đối với các anh công an khi áp dụng xử phạt các em như vậy cũng là hết sức nhẹ nhàng và không có vi phạm điều khoản nào của Luật bảo vệ Quyền trẻ em cả.

Tuy nhiên, đi cùng với việc xử phạt các học sinh thì các anh cảnh sát cũng nên phân tích cho những em đó thấy là những hành vi của các em đang làm là đang vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông mà ngay chính bản thân các em cũng đối diện với nguy hiểm khi có tình huống xấu xảy ra trên đường như vậy thì việc áp dụng hình phạt mới đem lại những kết quả thiết thực”.

Trung Dũng