Hà Nội: Học sinh, phụ huynh "dở khóc, dở cười" với kiểm tra cuối kỳ trực tuyến

31/07/2021 07:09
Văn Hiền
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lỗi đường truyền, đặt máy không đúng góc, tắt cam, tắt mic khi kiểm tra…. rất nhiều lỗi khi kiểm tra trực tuyến khiến học sinh, giáo viên, phụ huynh khá mệt mỏi.

Dịch covid-19 tái bùng phát trở lại, học sinh các cấp không thể đến trường hoàn thành bài thi kết thúc năm học. Kiểm tra trực tuyến là phương án được các trường Hà Nội thực hiện để hoàn thành bài kiểm tra kỳ 2, tiến tới tổng kết năm học

Phụ huynh, học sinh lo lắng

Từ cuối tháng 04/2021, khi dịch Covid xuất hiện trở lại ở Hà Nội, các trường cho học sinh học online. Từ tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh trên địa bàn nghỉ hè và khi nào quay trở lại trường sẽ kiểm tra học kỳ II.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến học sinh chưa thể quay lại trường. Vì thế, hiện nay, các trường trên địa bàn cho học sinh ôn trực tuyến để kiểm tra cuối kỳ II. Quãng thời gian nghỉ hè, cùng với tình hình dịch bệnh khiến không ít học sinh, phụ huynh khi nhận thông báo quay trở lại việc học để hoàn thành bài thi cuối kỳ, kết thúc năm học lại không mấy “mặn mà".

Giáo viên gửi thông báo, thời khoá biểu học, ôn tập trực tuyến để thi kiểm tra cuối kỳ II. Ảnh: Văn Hiền

Giáo viên gửi thông báo, thời khoá biểu học, ôn tập trực tuyến để thi kiểm tra cuối kỳ II. Ảnh: Văn Hiền

Nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm vào buổi tối, chị N.T (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Hà Nội thông báo giãn cách xã hội, gia sư của con cũng về quê, từ trước tới nay việc kèm cặp con học trực tuyến đều do gia sư hướng dẫn, tôi vô cùng lo lắng không biết phải xoay xở như thế nào. Con cũng nghỉ học quá lâu, việc quay trở lại học trực tuyến cũng là thách thức lớn cho con”.

Em Nguyễn Q.M (Học sinh lớp 7, Trung học cơ sở Dịch Vọng, Cầu Giáy, Hà Nội) cho biết: “Suốt thời gian nghỉ hè, em không học bất kỳ một môn học nào. Khi có thông báo ôn tập để kiểm tra học kỳ II, em cảm thấy vô cùng lo lắng bởi nghỉ quá lâu kiến thức cũng không còn, em cũng chưa thể làm quen với việc học trực tuyến trở lại”.

Vì công việc của bố mẹ Q.M phải đi làm ngay cả khi giãn cách xã hội, nên bố M. đã lắp một camera giám sát để theo dõi việc ôn tập trực tuyến của con nhằm chuẩn bị thi cuối học kỳ II.

Khác với Q.M, em Nguyễn Nam Anh (học sinh lớp 10 chuyên Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư Phạm) cho hay: “Em rất vui vì sẽ được kết thúc năm học 2020-2021, bởi nhiều bạn đã có thể bước sang chương trình lớp 11 còn em vẫn đang ôn tập để thi cuối học kỳ II của lớp 10. Trong suốt thời gian nghỉ hè, em vẫn luôn tham gia các lớp học trực tuyến, tự học ở nhà các môn nên quay trở lại việc học với em là điều dễ dàng”.

“Kiểm tra trực tuyến cũng là điều cần thiết để có thể đảm bảo tiến độ chương trình học cho các con, phần cũng để đảm bảo an toàn sức khỏe ngay trong mùa dịch. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy lo lắng vì kiểm tra trực tuyến sẽ không thể bằng kiểm tra trực tiếp được”, anh Nguyễn Mạnh Hùng (phụ huynh em Nguyễn Nam Anh) cho biết thêm.

Loay hoay với thi trực tuyến

Lỗi đường truyền, đặt máy không đúng góc, tắt cam, tắt mic khi kiểm tra…. rất nhiều lỗi khi kiểm tra trực tuyến khiến học sinh, giáo viên và cả phụ huynh cũng phải đau đầu.

Phụ huynh hỗ trợ chỉnh cam trong giờ thi trực tuyến của con. Ảnh: Văn Hiền

Phụ huynh hỗ trợ chỉnh cam trong giờ thi trực tuyến của con. Ảnh: Văn Hiền

Chị Nguyễn Hồng Quyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Vì để hỗ trợ thiết bị kiểm tra cho con một cách tốt nhất, nhà trường đã xếp lịch thi cho con vào buổi tối. Nhưng tôi vẫn cảm thấy việc kiểm tra trực tuyến với con rất vất vả, hai vợ chồng phải xin nghỉ việc sớm tan ca về chuẩn bị vào thi cho con. Ngay tối hôm thi, khi con đang thi thì cô thông báo cam con quá cao, cam không quay đúng vị trí nên chồng tôi đã phải vào chỉnh lại góc cam đặt đúng hướng theo yêu cầu của cô giáo”.

Cô Nguyễn Thị Huyền ( giáo viên tiểu học một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân các giáo viên cũng không mong muốn các con phải thi trực tuyến, vất vả cho cả trò và cô. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học đã vô cùng khó khăn thì nay lại kiểm tra trực tuyến. Ngay cả khi trong giờ thi, dù được thông báo quy chế thi liên tục, nhiều học sinh vẫn cố tình tắt cam, tắt míc, chạy ra khỏi chỗ trong giờ thi, làm bài quá nhanh để nộp. Có học sinh vừa phát đề 5 phút sau đã nộp bài, kết quả con được 2 điểm".

Có thể thấy, thi trực tuyến là điều mà không một học sinh, phụ huynh mong muốn. Nhưng tình thế “cấp bách” để có thể đuổi kịp chương trình cho học sinh thì đây là giải pháp tối ưu nhất, và có thể đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa dịch.

Văn Hiền