Vì sao nhiều giáo viên cứ phải "mớm bài" học sinh mỗi khi có dự giờ?

26/07/2021 06:43
HƯỚNG DƯƠNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dành thời gian cả tháng để đầu tư cho tiết dạy dự giờ, đa số giáo viên vì sợ bị phê bình, bị xếp loại giờ dạy không đạt nên đều "mớm bài" cho học sinh.

Thứ nhất, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi dự giờ tiết dạy của đồng nghiệp, giáo viên đến dự nên chú trọng quan sát việc học của học sinh, xem thái độ học tập của học sinh ra sao, khả năng nắm bắt kiến thức của học sinh ở mức độ nào,...

Vậy mà, ở trường tôi, khi dự giờ đồng nghiệp, đa số giáo viên dự giờ không quan sát học sinh, họ chỉ tập trung vào "soi" người dạy để bới lông tìm vết và bắt bẻ đủ điều.

Sau tiết dạy, là một cuộc họp tổ được mở ra giống như một phiên tòa xét xử. Nếu tiết dạy đó không “hoàn hảo” như quy định của tổ thì người dạy sẽ bị tổ trưởng phê bình và chê bai đủ điều trước mặt các đồng nghiệp khác.

Thời gian cho một tiết học chỉ có 45 phút, vậy mà họ bắt người dạy phải làm đủ thứ trong tiết học đó, nào là khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, củng cố, dặn dò,...

Nếu giáo viên nào dạy không kịp thời gian, chưa đủ các bước quy định cứng nhắc đó thì bị tổ trưởng phê bình, chỉ trích, chê bai đủ thứ,... Nền giáo dục của chúng ta đang ở thế kỉ XXI. Vậy mà người ta vẫn bám vào mấy khái niệm “cháy giáo án”, “ướt giáo án” để đánh giá, xếp loại tiết dạy thì thật là lạc hậu và vô lí.

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại)

Nếu ngành giáo dục vẫn giữ nguyên quy định về dự giờ và đánh giá tiết dạy như vậy thì sẽ khiến cho nhiều giáo viên cảm thấy bất mãn và tình cảm đồng nghiệp cũng bị sứt mẻ, mất đoàn kết nội bộ, vì sau mỗi tiết dự giờ lại xảy ra những cuộc tranh cãi nảy lửa, thậm chí là mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa người dạy và người dự.

Tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xóa bỏ quy định dự giờ đi. Vì dự giờ theo kiểu hình thức như vậy chẳng đem lại lợi ích gì cả.

Nếu một giáo vừa mới vào nghề xin đi dự giờ đồng nghiệp để học hỏi thì còn có lý. Đằng này cứ duy trì cái quy định mỗi giáo viên trong một năm học phải dạy 2 tiết để cả tổ chuyên môn dự giờ thì thật vô bổ, lãng phí thời gian.

Hầu hết các tiết dạy để dự giờ đều được đầu tư rất công phu và hoành tráng, giáo viên dành thời gian cả tháng để đầu tư cho tiết dạy dự giờ, đa số giáo viên vì sợ bị phê bình, sợ bị đánh giá, bị xếp loại giờ dạy không đạt nên đều "mớm bài" cho học sinh, thậm chí dạy đi dạy lại nhiều lần trước khi dạy chính thức để tổ chuyên môn dự giờ, nhưng lại bỏ bê, sao nhãng những tiết dạy thường ngày ở lớp.

Vậy mà những tiết dạy "diễn" và dối trá như vậy lại được đánh giá cao, được xếp loại giỏi, vì học sinh đã được giáo viên dạy trước rồi, được "mớm bài" rồi nên trả lời các câu hỏi đều chính xác 100%, còn giáo viên thì được khen là đảm bảo đầy đủ các bước lên lớp mà không bị cháy giáo án.

Trong khi đó, những giáo viên dạy dỗ trung thực thì bị phê bình, bị đánh giá thấp và bị xếp loại tiết dạy không đạt yêu cầu. Những giáo viên trung thực bị phê bình vì họ không dối trá như đa số các đồng nghiệp trong tổ, trong trường. Những giáo viên trung thực thì không bao giờ "mớm bài" cho học sinh, không bao giờ dạy trước cho học sinh, vì họ có lòng tự trọng.

Mặc dù đó là tiết "bị dự giờ" nhưng với những giáo viên trung thực thì họ vẫn dạy như những ngày bình thường, họ không "màu mè", không hề "diễn" nên thường bị tổ trưởng phê bình.

Với kiểu dự giờ, đánh giá và xếp loại tiết dạy như thế thì thật bất công. Những giáo viên dối trá, dạy "diễn" thì được khen, được xếp loại giỏi. Còn những giáo viên trung thực, dạy thật thì bị chê bai, phê bình, bị đánh giá thấp vì tiết học không "hoàn hảo" như "lớp người ta".

Điều tôi băn khoăn nhiều nhất là tại sao chúng ta yêu cầu học sinh phải trung thực nhưng có những thầy cô mà tôi biết chỉ vì ham thành tích, ham danh hão nên đã ngang nhiên dối trá mà không biết xấu hổ.

Cứ hễ có tiết "bị dự giờ" là những giáo viên thiếu trung thực lại "trổ tài gian dối", nào là bỏ bê các tiết dạy thường ngày trên lớp để đầu tư cho tiết dạy dự giờ, nào là bỏ tiền ra để mua đồ dùng dạy học (mặc dù suốt cả năm thì dạy chay), nào là "mớm bài" cho học sinh, rồi dạy thử, thậm chí là thử đi thử lại nhiều lần.

Phải đi dự những tiết dạy "diễn" theo kiểu "hoàn hảo đến mức nghi ngờ" như vậy đã khiến tôi cảm thấy bị tổn thương.

Học trò sẽ nhìn thầy cô ra sao khi chính thầy cô lại dạy cho học trò thói dối trá? Mặc dù những tiết dạy "diễn" đó đều "thành công mĩ mãn", cả thầy và trò đều được nhà trường khen ngợi, nhưng tôi biết trong lòng các em học sinh thì không phục, thậm chí là rất xem thường những giáo viên dạy dỗ theo kiểu dối trá như vậy.

Nếu cứ tiếp tục duy trì việc dự giờ theo kiểu đó thì khác nào khuyến khích giáo viên và học sinh tiếp tục dối trá?

Thứ hai, chủ trương của Bộ là giảm bớt gánh nặng sổ sách cho giáo viên. Vậy mà, ở trường tôi và một số trường bạn vẫn còn nặng nề chuyện sổ sách. Những quy định cứng nhắc của Hiệu trưởng về sổ sách đã khiến cho giáo viên cảm thấy rất áp lực.

Ví dụ, Hiệu trưởng quy định mỗi giáo viên phải đi dự giờ đồng nghiệp là 18 tiết trong một năm.

Vì vậy, rất nhiều giáo viên đã đối phó bằng cách mượn sổ dự giờ của đồng nghiệp để chép cho đủ số tiết theo quy định. Tương tự, sổ hội họp cũng phải chép thật nhiều, giáo viên nào chép ngắn gọn thì bị phê bình, bị trừ điểm thi đua.

Vì vậy, có nhiều giáo viên thường ngày đi họp thì không ghi chép gì cả nhưng đến ngày nhà trường sắp sửa kiểm tra sổ sách thì những giáo viên đó lại tích cực mượn sổ của đồng nghiệp để chép, thậm chí còn "sáng tác" thêm cho dài để được ban giám hiệu khen là ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ.

Tôi thấy, không chỉ việc dự giờ đã khiến cho giáo viên phải đối phó, dối trá, mà ngay việc kiểm tra sổ sách cũng góp phần hình thành "căn bệnh" đối phó và gian dối ở giáo viên.

Nếu muốn giáo viên trung thực, tự giác trong giảng dạy và dành nhiều thời gian để đọc sách, nghiên cứu bài dạy, để có thời gian quan tâm đến học sinh thì người quản lí hãy giảm bớt cho giáo viên những cái nặng nề về hình thức và vô bổ.

Chỉ vì dành thời gian đầu tư cho tiết dạy dự giờ và chép sổ sách mà nhiều giáo viên đã bỏ bê, sao nhãng những tiết dạy thường ngày ở lớp.

Giáo viên không có thời gian để đọc sách, không còn thời gian để chấm bài kiểm tra và quan tâm đến học sinh thì việc dự giờ và kiểm tra sổ sách thành ra phản tác dụng.

Và nếu các thầy cô giáo cứ tiếp tục phải “diễn” để đối phó với các cấp quản lí thì đến bao giờ đất nước ta mới có “học thật – thi thật và nhân tài thật”?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯỚNG DƯƠNG