Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) thẳng thắn cho biết, dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động đào tạo của trường. Dù vậy, nhà trường đang hết sức nỗ lực bằng nhiều giải pháp để bù đắp vào những thiếu hụt ấy, thậm chí nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp thì sẽ áp dụng "3 tại chỗ" (học tập, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ).
PV: Dịch covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã gây ảnh hưởng ra sao tới hoạt động đào tạo của trường, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa: Cũng như các trường đại học khác, các hoạt động đào tạo của nhà trường bị ảnh hưởng nhiều trong suốt 2 năm qua.
Sinh viên gặp khó khăn ban đầu khi làm quen với học trực tuyến, nhiều sinh viên ở các khu vực khó khăn về điều kiện kinh tế, mạng internet, thiết bị để có thể tham gia học trực tuyến. Học trực tuyến liên tục kéo dài cũng khiến nhiều sinh viên có biểu hiện mệt mỏi.
Các hoạt động thực hành, thí nghiệm, thực tập, thực tế bị ảnh hưởng nhiều, một số đợt thực tập tại doanh nghiệp phải hủy bỏ.
Nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn khi việc lập kế hoạch đào tạo bị động, liên tục thay đổi theo tình hình dịch. Nhiều hoạt động lần đầu tiên tổ chức từ xa chưa có kinh nghiệm, giảng viên ban đầu chưa quen với phương pháp mới, thiếu hệ thống hỗ trợ đồng bộ như thi học phần trực tuyến, thi chuẩn đầu ra tiếng Anh trực tuyến, tổ chức đào tạo các môn học lập trình, các môn học thực hành – thí nghiệm, các môn giáo dục thể chất từ xa,…
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) cho biết, nhà trường đã sẵn sàng phương án "3 tại chỗ" (học tập, cách ly, ăn ở tại chỗ) nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: NP. |
PV: Đối diện với hàng loạt khó khăn ấy, nhà trường đã triển khai những giải pháp gì để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa triển khai các hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng đào tạo?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa: Mặc dù gặp khó khăn chung do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như tất cả các trường đại học khác, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông vẫn triển khai thành công các nhiệm vụ đào tạo và được đánh giá là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc thay đổi, thích ứng để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh vừa triển khai các hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nhà trường là đơn vị đầu tiên trong Đại học Thái Nguyên triển khai đào tạo trực tuyến vào 02/2020 trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Thái Nguyên ra các hướng dẫn về việc triển khai về dạy và học trực tuyến 03/2020.
Năm 2021, nhà trường cũng là đơn vị đầu tiên trong Đại học Thái Nguyên tổ chức thành công thi trực tuyến 100% các học phần, bảo vệ đồ án trực tuyến, thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ trực tuyến.
Trong lúc nhiều trường đại học gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các môn học thực hành – thí nghiệm, giáo dục thể chất trong điều kiện dịch bệnh, nhà trường vẫn đã tổ chức thành công việc giảng dạy và thi thể dục trực tuyến. Có thể nói, nhà trường đã chủ động chuyển đổi số hầu hết các hoạt động đào tạo để phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid-19.
PV: Cụ thể hơn, trường đã và đang triển khai những hoạt động nào hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thưa ông?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa: Trong điều kiện sinh viên xa trường, sự kết nối hai chiều giữa nhà trường và sinh viên không liên tục như thời điểm học tập trung, dẫn tới một số khó khăn cho sinh viên trong việc học, thi và thực hiện các công việc khác theo kế hoạch đào tạo.
Nhà trường đã chủ động hỗ trợ sinh viên bằng cách tăng cường phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, công tác truyền thông tới sinh viên (đặc biệt đã sử dụng SVOnline – một ứng dụng mạng xã hội riêng của sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông).
Nhà trường cũng đã có những chính sách đặc biệt hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho một số sinh viên khó khăn. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào tháng 05/2021, để đảm bảo an toàn cho sinh viên khi di chuyển về nhà, nhà trường đã bố trí xe riêng, theo nhóm nhỏ từ 1, 3, 5 người đưa toàn bộ sinh viên đang ở ký túc xá về tận nhà.
Hình ảnh từng đoàn xe Vinfast đưa sinh viên về nhà tránh dịch khi đó đã gây xúc động mạnh cho cộng đồng mạng.
Trường đã triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo với nhiều cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho sinh viên trong thực tập và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. |
PV: Nếu giảng dạy trực tuyến vẫn liên tục kéo dài, theo ông chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa: Hình thức đào tạo trực tuyến sử dụng các công cụ hội nghị từ xa như Zoom, Microsoft Teams để giảng bài từ xa có nhiều hạn chế như: Sinh viên nghe giảng liên tục trên điện thoại, máy tính sẽ khó tập trung; Chất lượng âm thanh, hình ảnh bị ảnh hưởng bởi đường truyền Internet; Hầu hết các thầy cô thường tập trung vào phần giảng bài mà chưa tập trung vào phần tương tác, hỗ trợ sinh viên làm bài tập thường xuyên; Hệ thống học liệu số chưa được đầy đủ, thường không có hoặc thiếu các video bài giảng được thu trước cẩn thận nên việc xem lại kiến thức, tự học của sinh viên gặp khó khăn,...
Với đặc thù chuyên về công nghệ thông tin và truyền thông, các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến của nhà trường nằm trong tổng thể kế hoạch chiến lược xây dựng thành công trường đại học số, đặt mục tiêu trở thành một trong những trường đại học số đa ngành hàng đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến của trường có thể kể đến như:
+ Giảm tải các nội dung “giảng bài”, tăng cường các nội dung giảng viên hướng dẫn, tương tác, hỗ trợ sinh viên. Giảng viên từ nhiệm vụ trọng tâm trước đây là “giảng bài” dẫn chuyển sang là người truyền cảm hứng và đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập.
+ Xây dựng hệ thống học liệu số đầy đủ, hoàn thiện để sinh viên dễ dàng tự học mọi lúc, mọi nơi. Học liệu số không chỉ được xây dựng cho các môn học lý thuyết mà cả cho những môn đặc thù như lập trình hay thậm chí các môn học giáo dục thể chất, thực hành – thí nghiệm (bằng cách phát triển, sử dụng các thiết bị học tập, thực hành – thí nghiệm có khả năng kết nối, tương tác với học liệu số, đo và hiển thị thông số từ xa).
+ Xây dựng hệ sinh thái giáo dục số để kết nối, tương tác và quản lý người học xóa đi khoảng cách địa lý giữa giảng viên và người học, giữa người học và người học.
+ Với một số lớp học đặc thù, đào tạo chất lượng cao, đào tạo liên kết quốc tế có số lượng sinh viên nhỏ, nhà trường đang tính toán giải pháp "3 tại chỗ" (học tập, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) nếu dịch diễn biến còn phức tạp.
Chúng tôi tin rằng những giải pháp này sẽ phát huy hiệu quả trong các hoạt động dạy và học. Nhà trường cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những đơn vị khác đang gặp khó khăn để lựa chọn được các giải pháp phù hợp đối phó với dịch bệnh.
Trân trọng cảm ơn Thầy!
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.