Sinh viên và giảng viên Đại học Huế chế tạo robot hỗ trợ phòng chống dịch COVID

04/09/2021 06:18
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại học Huế bàn giao ROBOT HUET 02 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang Lịch - Phó trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học Huế) cho biết đơn vị đã bàn giao ROBOT HUET 02 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đại học Huế bàn giao ROBOT HUET 02 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. (ảnh: NTCC)

Đại học Huế bàn giao ROBOT HUET 02 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. (ảnh: NTCC)

Lý do để Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế cho ra đời robot hỗ trợ phòng chống dịch COVID -19, Tiến sĩ Lịch cho biết, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh đã và đang ngày càng phức tạp và nguy hiểm, việc ứng dụng công nghệ tự động thay thế con người đã trở thành xu thế tất yếu nhằm tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và người, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Qua thực tế tại khu cách ly tập trung, nhân viên vận chuyển nhu yếu phẩm ít nhất 3 lần/1 ngày, thực hiện đo và ghi nhiệt độ trực tiếp bằng tay 2 lần/1 ngày cho toàn bộ công dân đang cách ly. Những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Để giữ khoảng cách an toàn cho nhân viên thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày trên tại khu cách ly, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ triển khai nghiên cứu và chế tạo Robot phục vụ, được đặt tên là ROBOT HUET02.

Đây là Robot thứ 2 được nhóm sinh viên thuộc câu lạc bộ ROBOCON-HUET dưới sự cố vấn của các giảng viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế nghiên cứu và chế tạo thành công.

Robot có chức năng phát âm thanh thông báo, vận chuyển nhu yếu phẩm và đo nhiệt độ thay cho con người; được điều khiển (bằng tay cầm điều khiển từ xa) để có thể tự di chuyển đến nơi cần thiết với khoảng cách điều khiển 30-40m; tải trọng đến 35kg.

Robot đo nhiệt độ và hiển thị nhiệt độ lên màn hình led; được trang bị camera để ghi, phát trực tiếp quá trình đo nhiệt độ và thông số nhiệt độ hiển thị trên màn hình led (có file video lưu). Nhân viên có thể ghi chép nhiệt độ từ xa hoặc lưu lại thông tin trên điện thoại di động bằng phần mềm hỗ trợ. Robot có thể phát âm thanh thông báo, mời gọi người cách ly nhận nhu yếu phẩm, đo nhiệt độ (nội dung thông báo có thể thay đổi linh động tùy tình hình thực tế tại khu cách ly hay trong bệnh viện giã chiến).

Robot Phục vụ được thiết kế, chế tạo với cơ chế vận hành đơn giản, dễ sử dụng nhằm tiện chuyển giao đến khu cách ly, hỗ trợ thực hiện công việc thiết yếu hằng ngày tại đó.

Tuy nhiên, phần cứng được cấu hình để có thể nâng cấp, cài đặt phần mềm nhằm quản lý dữ liệu thông tin, nhiệt độ của người đo nhiệt độ, nhận diện, nhắc nhở đeo khẩu trang, phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cho giảng viên và sinh viên của Khoa sau thời gian hỗ trợ khu cách ly. Với sự kết hợp nghiên cứu giữa sinh viên năm thứ 2 các ngành Trí tuệ nhân tạo, Tự động hóa và Kỹ thuật điện –điện tử trong thời gian 1 tháng (từ 07-28/8/2021) đã chế tạo và thử nghiệm thành công ROBOT.

Robot có chức năng phát âm thanh thông báo, vận chuyển nhu yếu phẩm và đo nhiệt độ thay cho con người; được điều khiển (bằng tay cầm điều khiển từ xa) để có thể tự di chuyển đến nơi cần thiết với khoảng cách điều khiển 30-40m; tải trọng đến 35kg (ảnh: NTCC)

Robot có chức năng phát âm thanh thông báo, vận chuyển nhu yếu phẩm và đo nhiệt độ thay cho con người; được điều khiển (bằng tay cầm điều khiển từ xa) để có thể tự di chuyển đến nơi cần thiết với khoảng cách điều khiển 30-40m; tải trọng đến 35kg (ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Lịch cũng cho biết, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thành thêm mẫu robot có chức năng đo nồng độ oxy trong máu, đo nhịp tim và đồng bộ dữ liệu về hệ thống trung tâm để thuận lợi cho việc theo dõi và giám sát người cách ly cũng như bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên việc mua hàng, đặt vật tư thiết bị để làm robot rất khó khăn, khiến nhóm nghiên cứu liên tục phải điều chỉnh vật tư phù hợp.

“Hiện chúng tôi đã chuyển giao robot cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế để phục vụ kịp thời cho việc hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19, qua hoạt động thực tế sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển hoàn thiện để hỗ trợ các bệnh viện dã chiến ở các khu vực lân cận”, Tiến sĩ Lịch nói.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Thùy Linh