Hôm nay 5/9, khai giảng năm học mới

05/09/2021 06:36
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học mới 2021-2022 bắt đầu trong bối cảnh cả nước đang gồng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên một số địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình...) không tổ chức khai giảng năm học mới vào ngày 5/9.

Trong bối cảnh đó dịch bệnh phức tạp, ngành Giáo dục xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2021-2022 vừa chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trong thư gửi ngành Giáo dục trước thềm năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Giáo dục, cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Đặc biệt, trước ngày khai giảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng giao một số nhiệm vụ tập trung triển khai ngay trong năm học mới.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 06 tháng 5 năm 2021 (Thông báo kết luận số 104/TB-VPCP ngày 13 tháng 5 năm 2021), khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra tại cuộc làm việc.

Nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền. Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho giáo viên vùng sâu vùng xa, những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, bảo đảm hợp lý, không dàn trải.

Có giải pháp tổng thể, thiết kế chính sách từ đào tạo - tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực bảo đảm thực chất, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng xã hội, kiên quyết chống bệnh thành tích trong giáo dục góp phần đạt được mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thu hút nhân tài, “học đi đôi với hành”, nhanh chóng khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Thiết kế chương trình học bảo đảm tăng cường kiến thức, kỹ năng sống; giảm tình trạng dạy thêm học thêm; biên soạn, phân phối, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo bảo đảm khoa học, công khai, minh bạch, tránh dư luận không tốt, bảo đảm không để học sinh nào thiếu sách học; sớm công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.

Có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử, truyền thống đoàn kết, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta; tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ, tin học gắn với việc đổi mới và sáng tạo, hội nhập quốc tế.

Nghiên cứu kỹ, thấu đáo, khoa học, xuất phát từ thực tiễn về vấn đề tự chủ trong giáo dục. Chính phủ ủng hộ làm thí điểm tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Bộ Nội vụ và các địa phương: Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số lượng thừa, thiếu giáo viên của từng trường, từng cấp học, môn học và toàn ngành thực hiện rà soát kỹ cơ chế, chính sách phân bổ biên chế giáo viên phù hợp, hiệu quả và triển khai các chương trình đào tạo, tuyển dụng theo lộ trình sát thực tiễn, trong đó ưu tiên những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bộ Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát quy hoạch xây dựng gắn với không gian xây dựng trường học phù hợp, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất; quy hoạch không gian trường học phải có tầm nhìn xa, hiện đại.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao: Xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục theo đúng quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc, tổng thể, toàn diện tới từng cơ sở, từng cán bộ, giáo viên, từng người dân và học sinh, sinh viên về quan điểm của Đảng, Nhà nước về giáo dục.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại địa phương, thực hiện rà soát quy hoạch, cơ cấu lại trường, lớp học, điểm trường, đội ngũ giáo viên theo tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” nhưng phải bảo đảm sắp xếp một cách khoa học, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Để thực hiện mục tiêu của ngành, trong Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu toàn ngành tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Căn cứ hướng dẫn nhiệm vụ năm học của các cấp học, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo;

Thứ năm, triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Thứ sáu, ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện thể chế, rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp, chồng chéo.

Thùy Linh