Phân biệt 5 cấp độ của cơ chế tự chủ đại học

31/10/2021 06:47
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ ra 5 cấp độ của cơ chế tự chủ đại học.

Quá trình thực hiện tự chủ đại học thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng, giờ chuyển sang Hội đồng trường. Trong khi quyền lực luôn là điều ham muốn của mọi người. Vì vậy, nếu không “thể chế hóa” chức năng và các mối quan hệ thì khó lòng mà thực hiện tự chủ đại học.

Từ thực tiễn tại Việt Nam, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ ra 5 cấp độ của cơ chế tự chủ đại học.

Thứ nhất, cơ chế chủ quản: Đây là cơ chế có cấu trúc kiểu tập quyền (Hierachical) hay còn gọi là “cơ chế hành chính/ quan liêu” (Bureaucratic), cấp trên (tức cơ quan chủ quản) “cử” cấp dưới (tức Hiệu trưởng/Ban Giám hiệu), chủ yếu cấp dưới phải nghe cấp trên nên mối liên hệ là kiểu liên kết dọc bất đối xứng. Cách ra quyết định ở đây là những quyết định của cá nhân. Ở cơ chế này trường đại học không có quyền tự chủ, Hội đồng trường nếu có sẽ không phải là tổ chức thực quyền mà chỉ giữ vai trò như một tổ chức tư vấn cho Hiệu trưởng.

Thứ hai, cơ chế phân quyền quản lý: Đây là một biến tướng của cơ chế chủ quản, nhưng ở đây cơ quan chủ quản có thỏa thuận bằng văn bản cho phép Hiệu trưởng được quyết định trong một số việc cụ thể (ủy quyền). Tuy nhiên với cơ chế này trường đại học vẫn không có quyền tự chủ thực sự và Hội đồng trường vẫn thật sự không cần thiết.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Thứ ba, cơ chế tự chủ dựa trên quyền làm chủ tập thể: Tức là vẫn theo định chế tập quyền, vẫn có cơ quan chủ quản, nhưng lại có Hội đồng trường. Tuy nhiên ở đây Hội đồng trường là tổ chức quản trị cao nhất trong một trường đại học chỉ để thực hiện chức năng làm chủ của tập thể lao động trong trường.

Hội đồng trường có trách nhiệm xem xét và phê chuẩn điều lệ trường, bầu chọn Hiệu trưởng, nghe báo cáo hàng năm của Hiệu trưởng, xem xét đường lối phát triển kinh tế - xã hội của nhà trường và phê chuẩn việc sử dụng các quỹ phát triển sản xuất và xã hội của nhà trường. Hiệu trưởng kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường.

Thứ tư, cơ chế bán tự chủ: Quyền tự chủ của trường đại học bắt đầu có từ cơ chế này. Ở đây vẫn chưa xóa bỏ cơ quan chủ quản để các trường đại học có quyền tự chủ thực sự nhưng xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản tức là cơ quan chủ quản vẫn có nhưng chỉ có thể tác động lên hoạt động của trường thông qua việc cử đại diện của mình tham gia vào Hội đồng trường chứ không được can thiệp trực tiếp lên hoạt động của cơ sở giáo dục đại học .

Thứ năm, cơ chế tự chủ: Đây là cơ chế thể hiện quyền làm chủ thật sự của trường đại học, theo đúng tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14).

Ở cơ chế này mô hình quản trị đại học thay đổi theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định hội đồng trường là cấp có thực quyền cao nhất trong trường, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan; phân định rõ trách nhiệm giữa hội đồng trường với ban giám hiệu (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên.

Các thành viên trong Hội đồng trường có địa vị ngang nhau nên mối liên hệ là kiểu liên kết ngang bình đẳng. Cách ra quyết định ở đây là những nghị quyết của tập thể Hội đồng.

Sáu quan điểm chỉ đạo cần thống nhất nếu muốn có tự chủ đích thực

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, hiện nay để triển khai tự chủ đại học có rất nhiều việc cần phải làm, và nếu không có được sự chuẩn bị mang tính hệ thống thì không những thành quả sẽ không đến mà rất có thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào. Để có được tự chủ đại học đích thực (tức là đạt ở cấp độ 5 như vừa nêu) thì cần phải được thống nhất 6 quan điểm chỉ đạo trong lãnh đạo các cấp.

Một là, để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt đối với các trường đại học công lập, cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản. Rõ ràng nếu còn duy trì cơ quan chủ quản thì thực chất trường đại học sẽ không có quyền tự chủ thực sự mà tự chủ chỉ mang tính chất danh nghĩa.

Để có được điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ quyền lực, sự chỉ huy trực tiếp của mình đối với trường đại học. Tuy nhiên đây không phải là một việc dễ dàng vì trên thực tế cho tới nay nhiều cơ quan chủ quản của các trường công lập vẫn có tâm lý lo sợ bị “mất trường”.

Có thể đề xuất một giải pháp trung gian là trên đường đi tới xóa bỏ cơ quan chủ quản để các trường đại học có quyền tự chủ thực sự thì trước tiên cần xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản. Xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản tức là cơ quan chủ quản vẫn có và có thể tác động lên hoạt động của trường thông qua việc cử đại diện của mình tham gia vào Hội đồng trường chứ không can thiệp trực tiếp lên hoạt động của cơ sở giáo dục đại học đó. Có thể xem đây như là cơ chế “bán tự chủ”. Còn nếu không làm được việc này thì chưa thể nói tới chuyện trao quyền tự chủ cho trường đại học.

Cũng cần lưu ý, xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức Đảng.

Hai là, trao quyền tự chủ thì phải xác định cụ thể là trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường, như Nghị quyết 19 đã khẳng định. Đó chính là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Chừng nào cơ quan chủ quản còn chưa tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình (theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền) đối với cơ sở giáo dục đại học thì ở đó chưa nên vội vàng thành lập Hội đồng trường và do đó không được chuyển trường qua cơ chế tự chủ

Tuy nhiên, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường và uy lực của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu và chủ sở hữu của loại hình trường đại học, phụ thuộc mức độ tự nguyện chuyển quyền lực của đại diện chủ sở hữu (khi trường còn chưa được tự chủ) cho chính Hội đồng trường (khi trường đã được tự chủ).

Theo Luật số 34/2018/QH14: “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, tức là cộng đồng xã hội là chủ sở hữu; còn trường tư thục, trường dân lập…sẽ có chủ sở hữu có thể không như vậy. Do đó không phải Hội đồng trường của tất cả các loại hình cơ sở giáo dục đại học đều có thành phần giống nhau mà tùy vào tính sở hữu của từng loại hình trường mà có thành phần đại diện khác nhau.

Những thành viên tham dự Hội đồng trường phải là những người tiêu biểu và là đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải chỉ được cơ cấu vào cho đủ thành phần. Đó là nguyên tắc hàng đầu khi thành lập Hội đồng trường.

Ngay cả khi đã xóa bỏ cơ quan chủ quản hoặc xóa cơ chế cơ quan chủ quản mà việc thành lập Hội đồng trường và chức năng của Hội đồng trường không theo nguyên tắc vừa nêu thì việc trao quyền tự chủ cho trường đại học cũng không thành công.

Ba là, khi đã có Hội đồng trường thì cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường; nhưng rất tiếc hiện nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) nói lên điều đó còn các luật khác vẫn được xây dựng theo thể chế tập quyền (chấp nhận tồn tại cơ quan chủ quản).

Trong khi Hội đồng trường hoạt động phải theo hệ thống văn bản pháp luật, nếu các văn bản không đồng bộ thì làm sao có tự chủ đại học đích thực.

Tuy nhiên để có được sự đồng bộ của các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó; do đó muốn thực hiện thuận lợi trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ.

Khi đó các trường tự chủ sẽ yên tâm vận dụng Nghị định này để thoát khỏi các quy định ở các luật, văn bản pháp luật khác được xây dựng còn chưa dựa trên việc trao quyền tự chủ cho các trường. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16/2015/NĐ-CP cũng như ở các Nghị quyết 89/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ nhưng cho tới nay một nghị định như vậy vẫn chưa thấy đâu.

Bốn là, trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể vẫn theo thiết chế tập quyền như cũ. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức và điều lệ hoạt động của trường đại học sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ. Các văn bản pháp lý về quản lý giáo dục đại học cần sớm được điều chỉnh theo hướng này.

Năm là, Nhà nước cần sớm xây dựng bộ Khung quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường - Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước. Để khẳng định nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng, như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải là người có uy tín cao nhất trong trường để xứng đáng kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường.

Trong vai trò đó Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm quán triệt và thuyết phục các thành viên Hội đồng trường để đưa những nghị quyết quan trọng của Đảng ủy sớm đi vào cuộc sống thông qua sự chuyển hóa thành các Nghị quyết của Hội đồng trường.

Sáu là, Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Chỉ khi nào thống nhất trong chỉ đạo ở mọi cấp cả 6 quan điểm này thì hy vọng mới có tự chủ đại học đích thực ở Việt Nam.

Thùy Linh