Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y – Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết:
“Tại hội nghị trực tuyến giáo dục đại học năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 24/8, đại diện Câu lạc bộ, tôi có một vài góp ý liên quan đến Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường”.
Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho biết, sau khi các Chủ tịch Hội đồng trường nhận được giấy mời của Bộ Giáo dục và Đào tạo mời dự hội nghị giáo dục đại học năm 2021, các thầy cô trong câu lạc bộ đã tập hợp 4 nội dung chính để đóng góp chung.
Thứ nhất, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi thư mời tham dự hội nghị trong đó mời đích danh Chủ tịch Hội đồng trường. Điều này khiến các thầy cô rất vui mừng, hoan nghênh sự lắng nghe của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các ý kiến đóng góp của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường trong thời gian vừa qua.
Thứ hai, để phát huy được vai trò của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường thì các thầy cô trong câu lạc bộ viện dẫn chính vào 3 văn bản: Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, trong Nghị quyết 19-NQ/TW đã nhấn mạnh: “…hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường”.
Luật số 34/2018/QH14 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018), tại Điều 16 đã khẳng định: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Như vậy có nghĩa là, Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học công lập là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước nên vai trò của Hội đồng trường rất lớn, nhằm xác lập quyền sở hữu, bảo vệ tài sản của nhà nước.
Điểm c, Khoản 4, Điều 7, Nghị định 99/2019/NĐ-CP nêu: “…chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ cao nhất trong danh mục phụ cấp chức vụ của trường đại học…”. Điều này cho thấy, người được hưởng phụ cấp chức vụ cao nhất có nghĩa đây là người có quyền hạn và trách nhiệm lớn nhất trong một cơ sở giáo dục đại học.
Ảnh minh họa: Ngọc Diệp |
Từ những nội dung ở 3 văn bản này, các thầy cô trong câu lạc bộ cho rằng, cần phân định rõ vai trò của Hội đồng trường và Ban giám hiệu để tránh chồng chéo, giẫm lên nhau.
Nếu Hội đồng trường ban hành chủ trương, đường lối cho sự phát triển của nhà trường và thực hiện công tác giám sát thì Ban giám hiệu là nơi thực hiện công tác điều hành, thực thi các chủ trương mà Hội đồng trường đưa ra. Vì vậy, ngoài những vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương chung thì Hội đồng trường cũng phải nắm được những hoạt động chung để thực hiện công tác giám sát.
“Do đó những nội dung liên quan đến hoạt động chung của nhà trường thì cơ quan quản lý cũng cần mời Hội đồng trường, tùy vào nội dung mà Hội đồng trường sẽ phân công người phù hợp tham dự để nắm thông tin bởi trong Hội đồng trường có nhiều người, có nhiều ban khác nhau. Nếu không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý trực tiếp chỉ đạo thực hiện gì thì làm sao Hội đồng trường giám sát được”.
Thứ ba, ngày 8/1/2021, Bộ Nội vụ có công văn trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến một số nội dung để xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập, trong đó nêu: “Từ những văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và trên cơ sở quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng Hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Văn bản mà Bộ Nội vụ trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định Hiệu trưởng là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập (ảnh: Thùy Linh) |
Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, câu trả lời này của Bộ Nội vụ “vênh” với Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP khiến cho các cơ sở giáo dục đại học rất lúng túng khi xây dựng quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường, ảnh hưởng đến vai trò của Hội đồng trường và tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ tư, nhìn vào Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức cho thấy Nghị định không hề nhắc tới Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường. Chính điều này gây ra việc hiện nay cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý trực tiếp và các bên liên quan hiểu không thống nhất, “vênh” nhau về cách hiểu đối với tập thể lãnh đạo, gây lúng túng trong thực hiện qui trình công tác cán bộ.
Nêu 4 ý kiến này, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có tiếng nói mạnh mẽ hơn để làm sao chính sách được đồng bộ trong các văn bản nhằm tiến tới tự chủ đại học thực sự, vì thực chất của tự chủ là để phát huy nội lực của các cơ sở giáo dục đại học quan đó nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động bậc cao của nước ta với khu vực và thế giới trong môi trường kinh tế tri thức ngày càng cạnh tranh hiện nay.