Dạy thêm học thêm cũng có chính - tà, làm sao để phá tà hiển chính?

16/11/2021 06:33
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi không được dạy thêm cho chính học sinh của mình đang dạy trên lớp thì những giáo viên non chuyên môn, yếu kỹ năng sẽ bị đào thải.

Không phải ngẫu nhiên mà Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT lại quy định “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.

Ảnh VTV

Ảnh VTV

Bởi, bao phiền toái, bao tiêu cực và trở thành vấn nạn dạy thêm đều bắt nguồn từ việc giáo viên vi phạm quy định dạy cho học sinh của mình đang dạy chính khóa.

Khi dạy thêm chính học sinh của mình dễ dẫn đến bất công

Tất nhiên không phải là tuyệt đối, không phải tất cả giáo viên đều dùng cái quyền “sinh sát” của mình để lùa học sinh mình đang dạy chính khóa vào lớp học thêm, không phải thầy cô giáo nào cũng vì đồng tiền mà bất chấp quy định để “vét đầy túi tham”.

Vẫn còn nhiều thầy cô rất tốt, trao quyền học thêm tự nguyện cho học sinh muốn học thêm ai cũng được, muốn đi học thêm hay không thì tùy miễn đến lớp em học hành nghiêm túc.

Vẫn có nhiều thầy cô giáo dạy thêm nhưng miễn phí hoặc lấy một phần học phí cho những học sinh nghèo, khó khăn, mục đích mở lớp dạy thêm để bổ sung kiến thức cho học sinh, lấp kiến thức hổng cho một số em khó theo kịp chương trình.

Bên cạnh đó, cũng có không ít thầy cô dạy thêm bất chấp, dùng nhiều “thủ thuật” chiêu dụ, giữ chân học sinh với phương châm miễn sao học sinh càng đến lớp đông càng tốt.

Những giáo viên này cực kỳ thân thiện, nhiệt tình và dễ dãi với những ai học thêm nhưng lại vô cùng hà khắc với những học sinh không học thêm với mình.

Học sinh có lực học khá, giỏi còn sợ (sợ vì bị điểm thấp sẽ mất danh hiệu thi đua), học sinh yếu, kém phải nói là “sợ xanh mặt” nên chỉ còn cách xin đi học thêm cho lành.

Tôi đã từng gặp những thầy cô “quyền lực” như thế. Chỉ là dạy môn Ngữ văn của một trường trung học cơ sở, môn học mà ít học sinh muốn đi học thêm nhưng khi cô giáo A. mở lớp dạy thêm thì lớp học do cô dạy văn có 45 học sinh cũng đã có 42 em đăng ký theo học.

Cô dạy khoảng 5 lớp thì số lượng học sinh theo học thêm không phải là ít. Nhờ thế, ngoài giờ lên lớp dạy thì nhà cô lúc nào cũng đông học sinh ra vào.

Một giáo viên dạy Hóa một trường trung học phổ thông có khá nhiều học sinh không muốn học thêm vì nói rằng thầy dạy không hiểu. Thế nhưng vì sợ bị làm khó, có em đăng ký học thêm nhưng đi học bữa đực bữa cái và vẫn nộp tiền đầy đủ, rồi lại đi học thêm với một giáo viên dạy Hóa khác mình thích.

Nhiều phụ huynh rất muốn cho con đi học thêm thầy giỏi

Học thêm đã là nhu cầu của không ít học sinh, phụ huynh. Cứ vào đầu năm học hoặc thời gian nghỉ hè, những giáo viên dạy bậc tiểu học như chúng tôi liên tục nhận được những lời yêu cầu gửi gắm con đi học thêm của khá nhiều phụ huynh.

Đã không ít lần, giáo viên chúng tôi từ chối vì bản thân muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng và còn vì quy định không cho dạy với học sinh đã học 2 buổi/ngày.

Khi giáo viên không nhận dạy, có phụ huynh đã tìm đến giáo viên trường khác, giáo viên về hưu hay gửi con đi học tại các trung tâm thậm chí sẵn sàng gửi con học ở những người không có kỹ năng sư phạm.

Học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đi học thêm còn vì muốn thi vào lớp 10, thi vào trường chuyên lớp chọn, thi tốt nghiệp quốc gia, xét tuyển vào đại học.

Nếu chỉ học trên trường, học kiến thức trong sách giáo khoa thì khó lòng mà đỗ vào các trường tốp đầu.

Không chỉ học thêm một giáo viên mà mỗi môn còn học đến vài thầy cô giáo, rồi học thêm trên mạng, học ở các trung tâm. Không ai bắt phải học nhiều như thế nhưng đó là nhu cầu cần phải học, có em được hỏi đã nói như vậy.

Làm sao để dạy thêm không còn là vấn nạn?

Dạy thêm, học thêm chính đáng là hoạt động cung cầu hợp lý trong đó người học cần kiến thức, người dạy đủ kỹ năng để đáp ứng thì không ai cấm. Dạy thêm hợp pháp, dạy thêm đúng quy định không chỉ giúp học sinh có được kiến thức mong muốn mà còn giúp chính giáo viên nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khi đáp ứng nhu cầu của người học một cách hoàn toàn tự nguyện thì dạy thêm không xấu, không đáng bị lên án, không đáng bị gọi là vấn nạn. Nhưng vấn đề ở đây là một số giáo viên lợi dụng việc này, ép học sinh của mình đang dạy trên lớp phải đi học thêm để thu tiền mà bất chấp các em có muốn đi học hay không.

Thế nên, dẹp bỏ việc biến tướng dạy thêm là điều nên làm để dạy thêm chân chính có đất sống, để những thầy cô giáo giỏi vẫn phát huy được năng lực, kỹ năng của mình. Cách đơn giản nhất là cấm dạy thêm cho học sinh của lớp mình đang dạy. Điều này sẽ loại trừ được việc, giáo viên nào đó bắt ép học sinh phải học thêm để thu tiền.

Cấm bằng cách nào? Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã quy định rõ ràng “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó” nhưng bao năm tình trạng này vẫn diễn ra bình thường?

Cần giao quyền, giao trách nhiệm cho chính hiệu trưởng nhà trường. Khi đã cột trách nhiệm, giáo viên nào làm sai thì lãnh đạo trường ấy phải chịu kỷ luật thì mọi việc chắc chắn sẽ khác.

Khi không được dạy thêm cho chính học sinh của mình đang dạy trên lớp thì những giáo viên non chuyên môn, yếu kỹ năng sẽ bị đào thải. Bởi, học sinh sẽ tự do đi tìm thầy cô giáo dạy giỏi. Lúc này, chuyện dạy thêm học thêm sẽ đi vào nền nếp vì không phải ai là giáo viên (những môn học trọng tâm) thì đều có thể dạy thêm được.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa