Tâm lý lo lắng, thiếu khách quan
Chị Nguyễn Như Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện có con đang học lớp 7 nhận được thông báo của cô chủ nhiệm sẽ có bài kiểm tra giữa kỳ môn Tiếng Việt và Toán vào cuối tháng 11/2021. Đến ngày thi, học sinh vào Zoom để làm bài kiểm tra như học online (trực tuyến).
Cô giáo chủ nhiệm thông báo: “Bây giờ cô sẽ gửi link đề bài kiểm tra. Các con nhấn vào đường link cô gửi và bắt đầu làm bài nhé. Lưu ý các con cần bật đẩy đủ mic và camera trong suốt quá trình làm bài”.
Bài thi vừa diễn ra được 5 phút, tài khoản con chị Tâm bị tự động thoát ra ngoài, không truy cập vào được.
Cả chị Tâm và con đều bối rối không biết phải làm thế nào, đành liên hệ trực tiếp với cô giáo thì được thông báo do hệ thống bị quá tải vì có quá nhiều học sinh cùng truy cập vào làm bài cùng lúc.
Học sinh làm quen với hình thức thi trực tuyến. Ảnh: LC |
“Tôi thấy hình thức thi trực tuyến đang làm có một số bất cập. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng đủ chỉ là một chuyện, lớn hơn là các cháu chưa quen với cách thi mới, áp dụng ngay sẽ rất khó. Ngoài ra, như tôi quan sát, nếu chỉ sử dụng một camera sẽ rất khó kiểm soát quá trình làm bài của các cháu.
Ví dụ như việc có người đứng từ xa nhắc bài hoặc học sinh sử dụng thiết bị thứ hai để trao đổi bài với nhau…
Nếu như vậy sẽ không công bằng với các học sinh khác làm bài nghiêm túc và sẽ theo hình thức đối phó nhiều hơn là đánh giá năng lực thật của học sinh”, Chị Tâm chia sẻ.
Thay đổi bắt đầu từ nhận thức về chuyện thi cử
Khách quan, công bằng trong các kỳ thi, bài kiểm tra sẽ dễ dàng đạt được hơn không chỉ thuần túy phụ thuộc vào ứng dụng công nghệ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quế - Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giáo dục Edmicro (công ty start-up trong lĩnh vực công nghệ giáo dục), trước hết, chúng ta cần thay đổi nhận thức, hình thức làm bài kiểm tra, tổ chức thi.
Ông Quế cho biết: “Hiện có nhiều cách để kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh theo hướng mở hơn. Ví dụ như làm dự án nhóm, thuyết trình đề tài, thi vấn đáp…
Những cách thức này sẽ kích thích học sinh sáng tạo, chủ động hơn trong việc học, thay vì học dập khuôn các kiến thức có sẵn. Nó cũng hạn chế việc gian lận theo kiểu học thuộc đáp án”.
Ông Nguyễn Ngọc Quế - Tổng giám đốc Edmicro nhận giải thưởng Top 10 Công nghệ giáo dục 2021 cho phần mềm giáo dục Ôn luyện. Ảnh: Edimicro |
Cũng theo ông Quế, đánh giá năng lực học sinh qua điểm thi hiện không còn là lựa chọn duy nhất của thầy cô giáo. Thay vào đó, nhà trường, các thầy cô có thể sử dụng các cách thức đánh giá khác, như đánh giá kỹ năng, thái độ, đánh giá xuyên suốt quá trình học tập của học sinh…
“Quan điểm đánh giá học sinh theo cách mới ngày càng được xã hội chấp nhận một cách rộng rãi hơn. Đó là tiền đề để các trường mạnh dạn hơn trong đổi mới giáo dục. Qua đó giúp khai mở đam mê, sự chủ động, ý thức tự giác trong học tập của học sinh”, ông Quế nhận định.
Thi trực tuyến theo chuẩn quốc tế
Không thể phủ nhận sự cần thiết của các bài kiểm tra, kỳ thi đánh giá năng lực của học sinh. Tuy vậy, tổ chức thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh rơi vào bệnh hình thức là chuyện rất đáng bàn. Mới đây, vào ngày 16/11, kỳ thi quốc tế Toán học Hoa Kỳ 10/12 (American Mathematics Competitions – AMC) năm 2021 – 2022 đã được tổ chức theo hình thức thi trực tuyến trên nền tảng phần mềm Ôn luyện với số lượng gần 4.000 thí sinh đến từ 212 trường trên cả nước tham gia.
Các giám thị ngồi giãn cách để hướng dẫn các thí sinh làm bài trong kỳ thi quốc tế AMC 10/12. Ảnh: Edmicro |
Mặc dù tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhưng kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy trình. Đơn cử như việc các thí sinh phải trình diện thẻ để vào thi, đảm bảo 2 camera để quan sát trong suốt quá trình làm bài để hạn chế gian lận (1 camera quan sát chính diện, 1 camera quan sát chéo thí sinh)…
Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh cài đặt thiết bị giám sát, đảm bảo tuân thủ suốt quá trình cuộc thi diễn ra. |
Anh Trần Hưng, Phó Trưởng ban Kỳ thi AMC Việt Nam cho biết: “Công tác tổ chức của kỳ thi được thực hiện rất kỳ công, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn một kỳ thi quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam tổ chức hình thức thi trực tuyến kết hợp giám sát qua zoom với số lượng thí sinh lớn đến từ nhiều địa phương khác nhau, nhiều quốc tịch khác nhau mà lại thi trong một khung giờ”.
Anh Trần Hưng, Phó Trưởng ban Kỳ thi AMC Việt Nam theo sát các diễn biến của kỳ thi để xử lý những vấn đề phát sinh. Ảnh: E |
Theo anh Hưng, Ban tổ chức đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong tất cả các khâu và rất nhiều phương án dự phòng được chuẩn bị. Để kỳ thi diễn ra như mong đợi, Ban tổ chức đã tiến hành cho thí sinh tham gia thi thử một vài lần với cách thức như thi thật nhằm đúc rút kinh nghiệm.
Mặc dù tổ chức thi trực tuyến nhưng các em thí sinh vẫn được trải nghiệm cảm giác như đi thi tập trung.
Thí sinh được đánh số báo danh theo các phòng thi, có cán bộ coi thi và thanh tra giám sát kỳ thi cho mỗi phòng không quá 35 em; mỗi thí sinh yêu cầu phải có 2 thiết bị giám sát, phải có mặt đúng giờ, xuất trình thẻ dự thi kèm thẻ học sinh trước khi được duyệt vào phòng zoom, được nghe quy chế thi, hướng dẫn làm bài…
Có thể thấy, thi trực tuyến là hình thức thi mới. Để tổ chức thành công, không chỉ cần sự chủ động từ phía nhà trường, thầy cô, mà còn cần đến sự hợp tác chặt chẽ của phụ huynh, học sinh.
Có như vậy, kỳ thi mới diễn ra đúng kế hoạch, đáp ứng được mục đích đánh giá năng lực thật của học sinh.