Luật 34 còn nhắc “niên chế”, phải chăng đây là bước đi “thụt lùi” trong GDĐH?

07/12/2021 06:36
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại Việt Nam, ở hội nghị xây dựng 3 chương trình hành động của ngành giáo dục đại học và chuyên nghiệp năm 1987 đã đề xướng đào tạo tín chỉ.

(Phần 1)

(Phần 2)

Từ năm 2005, Nhà nước đã ban hành một số văn bản khẳng định chính thức chủ trương triển khai đại trà hệ tín chỉ trong hệ thống trường đại học và cao đẳng của Việt Nam. Trong số đó, hai văn bản có tính pháp lý cao bao gồm:

Quyết định số 73/2005/QĐ-TTg ngày 6/4/2005 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình hành động (2005 - 2010) của Chính phủ thực hiện Nghị Quyết số 37/2004/QH11 khoá XI kỳ họp thứ 6 của Quốc hội về giáo dục:

… Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quy chế đào tạo, tuyển sinh theo hướng mở rộng áp dụng học chế tín chỉ trong đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…

Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/ 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020:

… Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích luỹ kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ở nước ngoài.

Theo tinh thần trên, trong các năm 2006 và 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hai quy chế: Quy chế 25/2006/QĐ-BGD&ĐT (26/6/2006) về đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy và Quy chế 43/2007/QĐ-BGD&ĐT (15/8/2007) về đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.

Những khác biệt cơ bản giữa Quy chế 25 và Quy chế 43 được thể hiện ở bảng sau:

Điều kiện để triển khai Quy chế 43

Quy chế 43 được thiết kế nhằm thoả mãn hầu hết các đặc điểm cơ bản của một hệ tín chỉ hoàn hảo. Bởi vậy không dễ gì thuận lợi triển khai quy chế này nếu như không chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu cần thiết. Những yêu cầu đó là:

Một là, phải có sự thống nhất quan điểm ở mọi cấp trong trường. Chỉ một bất cẩn nhỏ của bất kỳ thành viên nào trong trường cũng có thể làm trì trệ hoạt động chung của toàn hệ thống.

Hai là, phải ổn định và công khai hoá toàn bộ chương trình đào tạo của tất cả các ngành nghề trong trường thông qua việc công bố thường kỳ các ấn phẩm thông tin đào tạo, sổ tay sinh viên và hệ thống đề cương chi tiết của các học phần sẽ dạy. Ngoài ra lịch giảng dạy phải được triển khai một cách nghiêm túc.

Ba là, phải thay đổi căn bản phương pháp dạy và học trong các trường đại học và cao đẳng. Trước hết, đội ngũ cán bộ giảng dạy cần xây dựng thói quen "một thầy dạy nhiều môn học", phải thông thạo các phương pháp sư phạm tích cực nhằm giảm dần thời gian lên lớp, buộc sinh viên phải tăng cường năng lực tự học. Quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng phải thay đổi từ phương thức đánh giá một lần sang phương thức đánh giá cả quá trình học tập của sinh viên.

Đổi mới phương thức dạy- học và tổ chức biên soạn các tài liệu giáo khoa đòi hỏi đồng bộ để tiến tới rút bớt số giờ lên lớp của sinh viên trong mỗi tuần lễ xuống dưới 20 tiết, đồng nhất về mức định lượng đơn vị học trình của ta với tín chỉ của nước ngoài.

Bốn là, phải thay đổi cách tổ chức quá trình đào tạo. Lâu nay, lớp học vẫn được tổ chức theo khoá tuyển sinh nhưng khi chuyển sang hệ tín chỉ, lớp học phải được tổ chức theo mỗi học phần mà sinh viên đã đăng ký học vào đầu mỗi học kỳ. Muốn làm được điều đó, thời khoá biểu học tập và hệ thống các phòng học phải được phòng đào tạo của trường tập trung quản lý thống nhất, không phân cấp quản lý cho các khoa như trước đây. Phòng đào tạo của các trường phải có các chuyên gia về giáo dục đại học có kiến thức rộng và thạo việc.

Năm là, phải đổi phương thức quản lý sinh viên. Trong những năm trước đây, do lớp học được tổ chức theo khoá tuyển sinh nên việc quản lý sinh viên được thực hiện theo cơ chế giáo viên chủ nhiệm. Khi chuyển sang hệ tín chỉ, cơ chế này tỏ ra kém thích hợp, cần được thay thế bằng cơ chế cố vấn học tập.

Mỗi sinh viên khi vào trường đều được nhận một cố vấn học tập, tuyển chọn trong số những giảng viên am hiểu quy trình và chương trình đào tạo, có tinh thần trách nhiệm cao, có tín nhiệm với sinh viên và được sinh viên quý mến. Dưới sự giúp đỡ của cố vấn học tập, từng sinh viên sẽ lựa chọn đăng ký học những học phần thích hợp với năng lực và ý muốn riêng của mình vào đầu mỗi học kỳ.

Cùng với sự thay đổi hình thức tổ chức lớp học, cơ chế hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong sinh viên cũng phải thay đổi theo cho thích hợp.

Sáu là, phải thay đổi chế độ học phí. Học phí được tính đối với mỗi học kỳ tỷ lệ với khối lượng của tất cả các học phần tính bằng tổng số tín chỉ mà sinh viên đã đăng ký.

Bảy là, phải cải tạo lại cơ sở hạ tầng và thư viện của nhà trường để bảo đảm cho sinh viên có thể học tập, sinh hoạt tiện lợi suốt cả ngày tại trường.

Tám là, phải điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức của trường, tạo ra mối liên kết chặt chẽ trong công việc của các bộ phận khác nhau.

Chín là, phải điều chỉnh lại hệ thống các chính sách, chế độ đối với giảng viên (như phân hạng giảng viên, định chuẩn giờ giảng của giảng viên...).

Thời điểm đó điều kiện giảng dạy và học tập ở các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam chưa thể thoả mãn được đồng thời cả 9 yêu cầu trên nên đương nhiên chưa thể có được một quy trình đào tạo nào tuân theo đúng các quy định tại Quy chế 43.

Các trường xây dựng cho riêng mình một lộ trình để đi tới Quy chế 43 như đã được định hướng tại Nghị Quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27/12/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tình hình triển khai lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ tín chỉ từ năm 2005

Sau các Quyết định 73/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ, đặc biệt là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Quy chế 25 và 43, từ năm học 2006 - 2007 các trường đại học và cao đẳng đã chủ động lựa chọn hướng đi cho mình theo một trong hai hướng:

Ảnh minh họa, nguồn: Đại học Huế

Ảnh minh họa, nguồn: Đại học Huế

Một là, phần lớn các trường lựa chọn Quy chế 25 theo học chế mềm dẻo kết hợp niên chế với tín chỉ (“tính tín chỉ” đạt khoảng70%). Qua một số năm, một số trường đã từng bước cắt giảm "đuôi niên chế" ở quy chế này để chuyển qua học chế tín chỉ - bước đi ban đầu của hệ tín chỉ.

Hai là, số ít trường lựa chọn đi vào Quy chế 43 để bước ngay vào hệ tín chỉ. Qua điều tra tình hình đào tạo ở các trường này có thể chỉ ra một số điểm yếu như nhiều trường triển khai hệ tín chỉ kiểu nửa vời, không thấy được bước nào cần thực hiện trước, bước nào cần đi sau. Mới chỉ tiếp cận với hệ tín chỉ một cách hình thức, chưa tìm hiểu bản chất. Một số trường nhầm lẫn chỉ tập trung đổi mới phương pháp dạy - học mà không thấy được khâu then chốt của hệ tín chỉ là phải tạo dựng một quy trình và chương trình mềm dẻo. Đặc biệt, phổ biến tình trạng sinh viên bị rơi rụng sau 2 học kỳ đầu, có trường rớt đến trên 50%. Sự việc này diễn ra thực tế đi ngược với bản chất của hệ tín chỉ: sinh viên được đăng ký khối lượng học tập phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của mình thì phải thành công nhiều hơn mới là đúng.

Ở đây có 3 lý do cụ thể:

Thói quen cho sinh viên học theo niên chế ở học kỳ đầu và khuyến khích sinh viên học theo thời khóa biểu của nhà trường ở những học kỳ còn lại.

Đội ngũ cố vấn học tập chỉ làm việc hình thức, thiếu trách nhiệm trong việc tư vấn lựa chọn khối lượng học tập cho sinh viên.

Áp dụng ngay thang điểm chữ trong khi đội ngũ giảng viên còn chưa hiểu triết lý của thang điểm này.

Điều kiện đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của nhiều trường còn hạn chế trong khi lại áp dụng chế độ ghi danh “tự do" cho sinh viên dẫn tới nhiều lúng túng trong vận hành quy trình và quản lý người học.

Chương trình đào tạo ở nhiều trường chậm đổi mới thiếu mềm dẻo cả về cấu trúc lẫn nội dung. Phổ biến tình trạng quá tải về khối lượng chương trình và số lượng các học phần làm cho chương trình trở nên quá vụn vặt. Nhiều chương trình còn sử dụng số tín chỉ lẻ. Không chú trọng khâu biên soạn đề cương chi tiết học phần; nhiều đề cương chi tiết có kết cấu nặng “tính niên chế”, rất hình thức.

Tình trạng thiếu giảng viên và tình trạng mở các điểm tại chức xa trường bắt buộc các trường phải triển khai cách dạy “cuốn chiếu” làm giảm chất lượng đào tạo và đẩy sinh viên vào thế bị động.

Một số trường không chủ động lựa chọn phần mềm quản lý đào tạo phù hợp dẫn tới lãng phí hoặc trở thành “con nợ” của các doanh nghiệp phần mềm máy tính.

Một số trường coi nhẹ khâu xây dựng đội ngũ cố vấn học tập và công tác cố vấn học tập ; ở đó có tình trạng “thả nổi” cả chức năng tư vấn cũng như chức năng quản lý của cố vấn học tập.

Tại Việt Nam, ở hội nghị xây dựng 3 chương trình hành động của ngành giáo dục đại học và chuyên nghiệp năm 1987 đã đề xướng đào tạo tín chỉ. Đặc biệt, từ năm 1989 một số đặc điểm của hệ tín chỉ đã được đưa vào quy chế đào tạo của các trường đại học và cao đẳng. Do vậy việc các trường hiện nay đi vào hệ tín chỉ không hoàn toàn mới.

Rõ ràng, việc áp dụng hệ tín chỉ để triển khai tổ chức quá trình đào tạo ở các trường đại học và cao đẳng cho phép nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo, giảm giá thành đào tạo và tạo điều kiện để sản phẩm đào tạo thích ứng nhanh trước những biến động trong nhu cầu của thị trường lao động ở nước ta hiện nay.

Đồng thời, đào tạo theo hình thức tín chỉ phù hợp với cách tiếp cận phát triển năng lực mà tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW đã đặt ra. Tuy nhiên, năm 2018, Luật Giáo dục đại học được thông qua về tổ chức và quản lý đào tạo còn nhắc lại đến đào tạo “niên chế”, cụ thể: “Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo tín chỉ, niên chế hoặc kết hợp tín chỉ và niên chế…”, phải chăng đây là bước đi “thụt lùi” trong giáo dục đại học?

Hết.

Minh Ngọc