Vì sao Hội nghị hiệu trưởng năm 1987 đặt vấn đề phải chuyển sang hệ tín chỉ?

05/12/2021 06:49
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hệ tín chỉ ra đời ban đầu tại Viện Đại học Harvard (Hoa Kỳ) nhưng khi đi vào từng trường đại học thì bản thân nó đã có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học tại Nha Trang năm 1987 là điểm xuất phát của hàng loạt chủ trương đổi mới hệ thống đại học ở nước ta. Bên cạnh đó, nhiều văn bản của Đảng, và Nhà nước đã ban hành kịp thời tạo cơ sở pháp lý và xác định hướng đi cho giáo dục đại học Việt Nam. Một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với giáo dục đại học Việt Nam sau đó là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.

Để cho những chủ trương đổi mới của toàn ngành thật sự đi vào thực tiễn cuộc sống các trường đại học, cao đẳng và đơm hoa kết trái, việc chuẩn bị những đảm bảo kỹ thuật cho các chủ trương đó, mà trước hết là những hiểu biết về cơ sở lý luận và quy trình kỹ thuật, sau đó là hệ thống pháp quy và điều kiện vật chất, là hết sức quan trọng.

Trong loạt bài viết này chúng tôi sẽ tập trung phân tích quá trình chuyển đổi quy trình đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng từ hệ niên chế qua hệ tín chỉ từ năm 1989 đến nay.

Kinh nghiệm của thế giới khi áp dụng hệ tín chỉ

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trên thế giới có hai mô hình tiêu biểu trong cách tổ chức giảng dạy đại học.

Đó là mô hình châu Âu cổ điển với các lớp học theo một chương trình chung nhất loạt cho mọi người, và mô hình Bắc Mỹ với chương trình được cấu trúc theo các mô đun đa dạng, từng sinh viên có thể lựa chọn chương trình học riêng phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Hệ tín chỉ là cái lõi của tổ chức đào tạo theo mô hình thứ hai.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)

Học chế tín chỉ ra đời vào giữa thế kỷ 19, bắt đầu ở Đại học Harvard (Hoa Kỳ) xuất phát từ quan niệm xem sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo và đòi hỏi việc tổ chức giảng dạy phải sao cho mỗi sinh viên có thể tìm được cách học thích hợp nhất cho mình, cũng như tư tưởng cho rằng đại học phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Trên cơ sở những tư tưởng triết học đó, vào năm 1872 Viện Đại học Harvard quyết định thay thế hệ thống chương trình đào tạo cứng gắn với các lớp học cố định bằng hệ thống chương trình mềm dẻo cấu thành bởi các modun mà mỗi sinh viên có thể lựa chọn một cách rộng rãi. Có thể xem sự kiện đó là điểm mốc khai sinh hệ tín chỉ.

Đến đầu thế kỷ 20 hệ tín chỉ được áp dụng rộng rãi hầu như trong mọi trường đại học Hoa Kỳ. Tiếp sau đó, nhiều nước lần lượt áp dụng hệ tín chỉ trong toàn bộ hoặc một bộ phận các trường đại học của mình: các nước Bắc Mỹ, Nhật Bản, Philipin, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Senegal, Mozambic, Nigeria, Uganda,...

Tại Trung Quốc từ cuối thập kỷ 80 đến nay hệ tín chỉ cũng lần lượt được áp dụng ở nhiều trường đại học. Nét đặc biệt hệ tín chỉ được các quốc gia đang phát triển tiếp nhận sớm hơn so với các quốc gia phát triển.

Những đặc điểm cơ bản của hệ tín chỉ

Hệ tín chỉ ra đời ban đầu tại Viện Đại học Harvard (Hoa Kỳ) nhưng khi đi vào từng trường đại học thì bản thân nó đã có sự điều chỉnh cho phù hợp. Bởi vậy không có một quy chế đào tạo tín chỉ nào được soạn thảo chung cho tất cả các trường. Khi phân tích quy trình đào tạo ở các trường áp dụng hệ tín chỉ, có thể xem những đặc điểm sau là nét chung của một hệ tín chỉ lý tưởng, nhưng các trường không nhất thiết phải thoả mãn đầy đủ các đặc điểm đó thì mới được xem là đã đi vào hệ thống này.

Một là, hệ tín chỉ cho phép sinh viên đạt được văn bằng đại học qua việc tích luỹ các loại tri thức giáo dục khác nhau được đo lường bằng một đơn vị xác định, gọi là tín chỉ (credit).

Tín chỉ có 2 ý nghĩa: Thứ nhất, nó là đơn vị để đo khối lượng của các học phần. Thứ hai, nó xác định khối lượng lao động học tập của người học. Tương ứng với hai ý nghĩa đó có thể có hai cách định nghĩa khác nhau về tín chỉ.

Ở định nghĩa thứ nhất, tín chỉ được tính qua số giờ học trên lớp (hay còn gọi là tiết hoặc giờ tiếp xúc) - 1 tín chỉ được quy định bằng 15 tiết giảng lý thuyết; 30 - 45 tiết thực nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ tự học hoặc chuẩn bị đồ án, khoá luận.

Ở định nghĩa thứ hai, tín chỉ được tính qua số giờ làm việc thực sự của người học, bao gồm cả số tiết trên lớp (nghe giảng, thảo luận, thực nghiệm,…) và số giờ ngoài lớp (điền dã, thực tập xưởng, tự học, chuẩn bị đồ án, khoá luận,…) 1 tín chỉ được quy định tối thiểu bằng 45 giờ làm việc của người học.

Ngoài ra, tương quan giữa số tiết trên lớp và số giờ làm việc ngoài lớp trong mỗi tín chỉ thay đổi tuỳ thuộc loại hình học tập. Thí dụ, theo quy định của Bộ Giáo dục Nhật Bản thì 1 tín chỉ được tính bằng 1 tiết nghe giảng (50 phút) trong 1 tuần lễ, cùng với 2 giờ chuẩn bị của sinh viên; hoặc là 2 tiết seminar trong 1 tuần lễ, cùng với 1 giờ chuẩn bị của sinh viên; hoặc là 3 giờ thực hành phòng thí nghiệm trong 1 tuần lễ; tất cả đều kéo dài trong 15 tuần lễ thực học của một học kỳ.

Trong hai cách định nghĩa trên, cách định nghĩa sau chính xác hơn và cho phép dễ dàng quy chuyển đơn vị (thí dụ: từ tín chỉ qua đơn vị học trình và ngược lại) mà không mắc phải những nhầm lẫn trong cách hiểu.

Hai là, hệ tín chỉ đòi hỏi nội dung của chương trình phải được cấu trúc thành các mô đun, được gọi là học phần. Phần lớn học phần phải được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ.

Ba là, để đạt bằng cử nhân (bachelor) sinh viên thường phải tích luỹ đủ 120 - 136 tín chỉ (Mỹ); 120 - 135 tín chỉ (Nhật); 120 - 150 tín chỉ (Thái Lan)… Để đạt bằng cao học (master) sinh viên phải tích luỹ 30 - 36 tín chỉ (Mỹ); 30 tín chỉ (Nhật), 36 tín chỉ (Thái Lan)…Ngoài ra năm học của người học được tính qua khối lượng tín chỉ tích luỹ.

Bốn là, chương trình đào tạo phải có tính mềm dẻo cả về nội dung và cấu trúc để người học dễ lựa chọn. Theo đó, cùng với các học phần bắt buộc phải có cho mỗi chương trình còn phải có các học phần tự chọn.

Năm là, về việc đánh giá kết quả học tập, hệ tín chỉ dùng cách đánh giá thường xuyên và dựa vào sự đánh giá đó đối với các học phần tích luỹ để cấp bằng cử nhân. Đối với các chương trình sau đại học, ngoài các kết quả đánh giá thường xuyên có thể còn có các kỳ thi tổng hợp và các luận văn, luận án.

Thang điểm thường dùng trong hệ thống tín chỉ là thang điểm chữ (A, B, C, D, F) và khi tính điểm trung bình chung được quy chuyển qua thang điểm số (0, 1, 2, 3, 4) mang tính phi tuyến.

Sáu là, hệ tín chỉ thường sử dụng phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm. Phương pháp này đòi hỏi người học phải chủ động tự nghiên cứu bài học dưới sự hướng dẫn của thầy hơn là việc tiếp thu thụ động các kiến thức được người thầy truyền thụ cho ở trên lớp. Do đó thời gian trên lớp (số giờ tiếp xúc) sẽ bị rút bớt và thay vào đó là sự gia tăng của thời gian tự học.

Bảy là, đơn vị học vụ trong hệ tín chỉ là học kỳ. Do đó kết quả học tập sau mỗi học kỳ là cơ sở quyết định hướng học tập tiếp theo của người học.

Tám là, thi tổ chức giảng dạy theo hệ tín chỉ, đầu mỗi học kỳ, sinh viên được đăng ký các học phần thích hợp với năng lực và hoàn cảnh của họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một ngành chuyên môn chính (major) nào đó. Sự lựa chọn các học phần rất rộng rãi, sinh viên có thể ghi tên học các học phần liên ngành nếu họ thích. Sinh viên không chỉ giới hạn học các học phần chuyên môn của mình mà còn cần học các học phần khác lĩnh vực, chẳng hạn sinh viên các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn cần phải học một ít học phần khoa học xã hội, nhân văn và ngược lại. Cách tổ chức giảng dạy mềm dẻo như vậy dẫn tới một hệ quả là lớp học không thể tổ chức đồng loạt theo khoá tuyển sinh mà bắt buộc phải tổ chức theo từng học phần mà sinh viên đăng ký học.

Chín là, để hỗ trợ cho sinh viên trong việc lựa chọn kế hoạch học tập phù hợp trong hệ tín chỉ nhất thiết phải xây dựng hệ thống cố vấn học tập. Tại các nước chức năng chính của cố vấn học tập là tư vấn, không phải là quản lý.

Mười là, hệ tín chỉ cho phép thực hiện tuyển sinh theo học kỳ. Điều đó cho phép giảm được sức ép của một kỳ tuyển sinh hàng năm, đồng thời tăng được hiệu quả hoạt động của nhà trường và làm cho hệ tín chỉ triển khai thuận lợi hơn.

Mười một là, hệ tín chỉ đối với các chương trình đại học và cao đẳng không đòi hỏi phải có kỳ thi tốt nghiệp và không tổ chức lễ bảo vệ khoá luận tốt nghiệp; điều đó làm cho quy trình đào tạo trở nên mềm dẻo hơn.

Mười hai là, hệ tín chỉ cho phép triển khai các hoạt động giảng dạy trong nhà trường suốt ngày, từ sáng tới tối, nên sẽ không còn phân biệt sinh viên các lớp học ban ngày và ban đêm. Do vậy chỉ có một loại văn bằng chính quy cấp cho mọi sinh viên.

Những ưu điểm của hệ thống tín chỉ

Hệ tín chỉ được truyền bá nhanh chóng và áp dụng rất rộng rãi nhờ có nhiều ưu điểm. Có thể tóm tắt các ưu điểm chính của nó như sau:

Thứ nhất, có hiệu quả đào tạo cao

Hệ tín chỉ cho phép ghi nhận kịp thời tiến trình tích luỹ kiến thức và kỹ năng của sinh viên để dẫn đến văn bằng, nó cho phép sinh viên chủ động xây dựng kế hoạch học tập thích hợp nhất, ngắn hạn cũng như dài hạn, đối với riêng bản thân họ.

Hệ tín chỉ cho phép ghi nhận cả những kiến thức và kỹ năng tích luỹ được ngoài trường lớp để dẫn tới văn bằng, khuyến khích việc học chủ động của sinh viên, tạo cơ hội cho các sinh viên từ nhiều nguồn gốc khác nhau có thể tham gia học đại học một cách thuận lợi. Về phương diện này có thể nói hệ tín chỉ là một trong những công cụ quan trọng để chuyển từ nền đại học mang tính tinh hoa (elitist) thành nền đại học mang tính đại chúng (mass).

Thứ hai, có tính mềm dẻo và khả năng thích ứng cao

Với hệ tín chỉ sinh viên có thể chủ động ghi tên học theo các học phần khác nhau dựa theo những quy định chung về cơ cấu và khối lượng của từng lĩnh vực kiến thức. Nó cho phép sinh viên dễ dàng thay đổi ngành chuyên môn trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu.

Với hệ tín chỉ các trường đại học có thể mở thêm ngành học mới một cách dễ dàng khi nhận được tín hiệu về nhu cầu của thị trường lao động và tình hình lựa chọn của sinh viên.

Hệ tín chỉ cung cấp cho các trường đại học một ngôn ngữ chung, tạo thuận lợi cho sinh viên khi cần chuyển trường cả trong nước cũng như ngoài nước.

Thứ ba, đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và giảm giá thành đào tạo

Với hệ tín chỉ kết quả học tập của sinh viên được tính theo từng học phần chứ không phải theo năm học, do đó việc hỏng một học phần nào đó không cản trở quá trình học tiếp tục, sinh viên không bị buộc phải quay lại học từ đầu. Chính vì vậy giá thành đào tạo theo hệ tín chỉ thấp hơn so với đào tạo theo chương trình cứng (niên chế).

Nếu triển khai hệ tín chỉ trong một trường học đa lĩnh vực thì có thể tổ chức những học phần chung cho sinh viên nhiều khoa, tránh các học phần trùng lặp ở nhiều nơi; ngoài ra sinh viên có thể học những học phần lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cách tổ chức nói trên cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi nhất và phương tiện tốt nhất cho từng học phần.

Kết hợp với hệ tín chỉ, nếu trường đại học tổ chức thêm những kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng của người học tích luỹ được bên ngoài nhà trường hoặc bằng con đường tự học để cấp cho họ một số tín chỉ tương đương, thì sẽ tạo thêm cơ hội cho họ đạt văn bằng đại học.

Ở Mỹ trên một nghìn trường đại học chấp nhận cung cấp tín chỉ cho những kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích luỹ được trong cuộc sống.

* Bài viết sau chúng tôi sẽ nêu vài nét lịch sử và hiện trạng của việc tổ chức đào tạo theo hướng chuyển đổi qua hệ tín chỉ ở nước ta.

Thùy Linh