"Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”

16/12/2021 10:56
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 16/12, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với UNESCO tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Tham dự tọa đàm, về phía ban tổ chức có ông Ngô Minh Hiển - Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Về phía diễn giả có sự tham gia của Tiến sĩ Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội); Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam); Nhà báo Hoàng Như Hoa - Phó Trưởng ban Biên tập tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam).

Ngày 16/12, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với UNESCO tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” (ảnh: Ngọc Ánh)

Ngày 16/12, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với UNESCO tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” (ảnh: Ngọc Ánh)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Ngô Minh Hiển - Phó tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trong đại dịch Covid-19, bạo lực với phụ nữ đã tăng nhanh chóng. Theo một báo cáo được công bố vào tháng 11/2021 của Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) cho thấy, có tới 45% phụ nữ phản ánh rằng họ hoặc một phụ nữ mà họ biết đã phải trải qua một vài dạng bạo lực.

Chính vì vậy, vừa qua UNESCO cùng với Đài Tiếng nói Việt Nam phát động Cuộc thi tìm hiểu dành cho các chuyên gia truyền thông với chủ đề về công tác đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái để cải thiện mức độ bao phủ của các tin bài về bạo lực giới.

“Chúng tôi cho rằng các phóng viên, nhà báo, nhiếp ảnh gia và cả biên tập viên truyền thông ở bất kỳ loại hình truyền thông nào cũng cần biết cách đưa tin bài và xây dựng nội dung tin bài một cách hợp lý nhằm góp phần phòng chống tình trạng bạo lực giới

Khi chúng ta hành động đúng, chắc chắn việc làm đó sẽ tạo ra tác động tam giác với trẻ em gái và phụ nữ tại Việt Nam đồng thời tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng nói chung”, ông Ngô Minh Hiển nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Tọa đàm và cuộc thi sẽ giúp các nhà báo, giới truyền thông hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này, góp phần chống lại bạo lực giới”.

Tại buổi tọa đàm, bà Lucila Carasco - chuyên gia ban Truyền thông và Thông tin của UNESCO tại Việt Nam cũng đã giới thiệu 2 cuốn sách của UNESCO là Cẩm nang đưa tin bài về Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và cuốn Đối thoại lớn - Cẩm nang giải quyết vấn nạn bạo lực với phụ nữ trong lĩnh vực truyền thông và thông qua lĩnh vực truyền thông. Đây đều là các cuốn sách rất hữu ích với nhiều thông tin và lời khuyến nghị.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Ngọc Ánh)

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Ngọc Ánh)

Các diễn giả cùng các nhà báo tham dự tại tọa đàm cũng đã có phiên thảo luận về những khó khăn và thách thức của chuyên gia truyền thông khi đưa tin về chủ đề bạo lực giới.

Thông qua những kinh nghiệm thực tế, các diễn giả cũng chia sẻ cách đưa tin để bảo vệ quyền riêng tư của người bị hại và gia đình của họ một cách khéo léo, hiệu quả, chỉ ra những giải pháp có thể phá vỡ sự yên lặng của phụ nữ khi bị bạo lực ngôn ngữ, thể chất và tình dục hay quấy rối trên mạng, tránh biến nạn nhân bị xâm hại trở nên đáng thương một lần nữa.

Ngọc Ánh