Việt Á chỉ là một mắt xích, không thể tự thổi giá và bán cho các CDC, bệnh viện

25/12/2021 06:45
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Ngô Văn Sửu cho biết, ông và dư luận mong cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ ai tiếp tay cho Việt Á nâng giá, thổi phồng chất lượng kít Công ty Việt Á.

Kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cho thấy chỉ với 05 hợp đồng mua thiết, bị sinh phẩm y tế giữa Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) - đại diện là Tổng Giám đốc Công ty Phan Quốc Việt - với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương (có tổng trị giá 151 tỉ đồng) đã xác định nghi phạm Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương - nhận của Công ty Việt Á số tiền lót tay gần 30 tỉ đồng - tương đương khoảng 20% tổng giá trị hợp đồng.

Cũng theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Sự việc thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận và các chuyên gia.

Phải làm rõ xem có mối quan hệ ngầm hay không?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương không giấu nổi sự bức xúc khi nói về sự việc diễn ra tại Trung tâm CDC Hải Dương và công ty Việt Á sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an phanh phui việc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á chi hoa hồng để cung cấp kit xét nghiệm COVID-19 cho các địa phương với giá cao như vậy. Cùng với đó, nhiều thông tin cho thấy sự thật về chất lượng của kit xét nghiệm do công ty này sản xuất có dấu hiệu bị thổi phồng.

“Đây không chỉ là việc làm trái pháp luật mà còn là câu chuyện ảnh hưởng đến nhiều uy tín của rất nhiều đơn vị

Do vậy, phải điều tra rõ những cá nhân, tổ chức nào đã tiếp tay cho Việt Á nâng khống giá trị của thiết bị test covid -19.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

Dư luận cần một câu trả lời sáng tỏ từ phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Phải làm rõ xem có mối quan hệ “kinh tế ngầm” ở đây không.

Ngay trong thời chúng tôi còn đang công tác, hiện tượng doanh nghiệp “đi đêm” với một số quan chức để thực hiện những ý đồ riêng đã được nhắc tới.

Nhưng đến thời gian qua, nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý cho thấy, hiện tượng này thực sự là một mối nguy hại vô cùng lớn.

Đến vụ việc sai phạm của Công ty Việt Á cho thấy, một cán bộ đứng đầu 1 trung tâm CDC của tỉnh thôi mà đã nhận đến 30 tỷ đồng tiền “lại quả” thì tôi cho là sự việc nghiêm trọng.

Do vậy, tôi đề nghị các cơ quan ban ngành phải làm rõ và chỉ ra từng cá nhân ở từng Bộ ngành, địa phương có liên quan đến sự việc và đưa ra ánh sáng pháp luật.

Đồng chí Tổng bí thư – Nguyễn Phú Trọng đã từng nói chống tham nhũng không có vùng cấm và sự việc này cũng không thể có vùng cấm.

Trước đây tôi cũng đã nói nhiều về “kinh tế ngầm”, sự bắt tay của doanh nghiệp và một số quan chức thoái hóa biến chất sẽ tạo ra những hệ lụy khó có thể lường trước được.

Mối quan hệ không bình thường này sẽ làm tha hóa và hư hỏng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thậm chí có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cao cấp.

Công chức lúc đó sẽ trở thành “công bộc” tận tụy với doanh nghiệp, doanh nhân, bảo kê cho doanh nhân buôn lậu, thậm chí đỡ đầu, tạo thế cho doanh nhân được cơ cấu vào bộ máy chính quyền hoặc cơ quan dân cử.

Trong khi dịch bệnh còn phức tạp, không ít người đã “vào sinh, ra tử” để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trước dịch bệnh mà chưa được trợ cấp tương xứng thì những người này đã lợi dụng sự khó khăn đó để “dan díu” với doanh nghiệp trục lợi.

Bên cạnh đó, từ sự việc của Công ty Việt Á, chúng ta phải đẩy mạnh quá trình kiểm tra, giám sát và có cơ chế để chấm dứt tình trạng trục lợi như vậy.

Chúng ta cần cụ thể hơn nữa, tạo ra cơ chế để các đối tượng không thể móc ngoặc hoặc lợi dụng quan chức nhằm trục lợi, tham nhũng".

Công ty Việt Á chỉ là một mắt xích?

Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến – Đại biểu quốc hội khóa 12, 13, cho rằng: “Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã thông tin sự việc Giám đốc công ty Việt Á bị khởi tố. Có thể khẳng định đây là việc rất đáng chú ý. Theo tôi, công ty Việt Á sẽ chỉ là một mắt xích trong một hệ thống, một chuỗi.

Bởi một mình Công ty Việt Á không thể nâng giá kit xét nghiệm COVID-19 và đưa vào hệ thống CDC, bệnh viện ở các tỉnh thành trong cả nước được.

Vụ việc xảy ra dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trách nhiệm về thẩm định giá của ngành tài chính và đặc biệt là khẳng định của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc kit test này đủ tiêu chuẩn và thậm chí là tiêu chuẩn châu Âu, WHO nhưng cuối cùng lại không chính xác và Bộ Khoa học và Công nghệ lặng lẽ gỡ thông tin dù trước đó báo chí đăng tải rình rang…

Các tỉnh thành, địa phương cũng đã tin ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y, những thông tin đăng tải tồn tại cả năm trời và được dẫn về các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Do vậy, cơ quan chức năng phải điều tra, làm rõ và mở rộng, làm đến cùng sự việc nếu phát hiện ai trong cơ quan nhà nước “chống lưng”, hay “bảo kê” cho việc này phải xử lý nghiêm.

Qua sự việc có thể thấy, đồng tiền đã làm cho con người không còn giữ được phẩm giá.

Các đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, làm mọi giá để kiếm tiền, điều đó không thể chấp nhận. Trong khi cả nước gồng mình chống dịch thì một nhóm người đã trục lợi trên sự đau khổ của người bệnh, người dân.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Cao Kim Anh

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Ảnh: Cao Kim Anh

Phải khẳng định đây là sự việc nhẫn tâm, không còn tính người, không còn tình người nữa.

Cơ quan điều tra phải vào cuộc quyết liệt, bóc tách, bóc gỡ để làm rõ có ai tiếp tay cho công ty Việt Á này hay không.

Phải làm rõ để xử lý tận gốc vấn đề phải có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Trần Phương