Lương tháng 13 cho giáo viên công lập chỉ là mong ước

10/01/2022 06:38
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyện lương tháng 13 đối với giáo viên có lẽ cũng chỉ mới dừng lại ở chuyện bàn luận và mong ước, hy vọng vào một mùa Xuân trong tương lai mà thôi.

Mỗi năm, cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán thì chủ đề lương tháng 13 hay thưởng Tết cho giáo viên lại được phản ánh, đề cập khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp công bố mức thưởng cho người lao động ở đơn vị mình.

Giáo viên công lập mong ước có tháng lương 13 cũng là một điều rất đỗi bình thường nhưng có một điều mà ai cũng có thể hình dung ra là việc này rất khó được thực hiện bởi số lượng giáo viên đang công tác hiện nay khá lớn.

Cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên thì ngân sách rất khó kham nổi bởi nếu chi cho giáo viên lương tháng 13 thì các cán bộ, công chức, viên chức khác không có thì cũng dẫn đến nhiều bất cập.

Lương tháng 13 đối với giáo viên rất khó để thực hiện. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Lương tháng 13 đối với giáo viên rất khó để thực hiện. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chính vì thế, lương tháng 13 đối với giáo viên có lẽ vẫn chưa thực hiện được, ít nhất là vài năm tới đây khi mà tình hình kinh tế đất nước vẫn đang còn rất khó khăn, ngay cả việc cải cách tiền lương theo vị trí việc làm thì hiện nay vẫn đang phải gác lại.

Giáo viên mong có lương tháng 13 là chính đáng, nhưng lấy đâu nguồn để chi?

Trong thâm tâm của mỗi giáo viên, hay bất kỳ người lao động nào thì mỗi khi Tết đến, Xuân về vẫn mong mình được thưởng Tết, có thêm tháng lương 13 sau mỗi năm công tác, lao động.

Tuy nhiên, việc chi lương tháng 13 hiện nay mới chỉ dừng lại ở các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà thôi.

Đối với người lao động đang làm việc tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì việc được chi lương tháng 13 gần như là không có.

Các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện theo cách cấp và khoán kinh phí hằng năm nên được cấp trên hạch toán và tính toán khá kĩ.

Mỗi năm, các trường học làm dự toán kinh phí và đề nghị cấp trên phê duyệt, cấp kinh phí cho nhà trường nên các mục chi được bộ phận tài chính cân nhắc rất thận trọng, nhất là đối với những địa phương ngân sách còn eo hẹp.

Những đơn vị nào tiết kiệm được ngân sách hoặc có thêm tiền dịch vụ trong nhà trường nhiều thì cuối năm được chi tiền thu nhập tăng thêm. Nhưng, tiền thu nhập tăng thêm hiện nay cũng chỉ dừng lại ở một số tỉnh có điều kiện ở phía Nam và tiền này thì còn phụ thuộc rất nhiều vào tài năng, khéo léo của hiệu trưởng và kế toán của nhà trường.

Riêng khoản chi lương tháng 13 cho giáo viên thì đến nay gần như chưa có địa phương nào có bởi có lẽ số lượng giáo viên là lực lượng lao động đông nhất so với các ngành nghề khác đang do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Hiện, cả nước có khoảng 1,3 triệu giáo viên đang công tác ở các nhà trường. Nếu được chi trả thêm lương 13 thì phải chuẩn bị nguồn tiền khá lớn. Bởi, chỉ tính bình quân chi cho mỗi giáo viên 5 triệu đồng thì ngân sách nhà nước phải chi khoảng 6,5 ngàn tỉ đồng.

Và, tất nhiên là nếu chi cho giáo viên thì các cán bộ, công chức, viên chức những ngành nghề khác cũng phải có - đây quả là bài toán nan giải trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay.

Chi tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên hiện nay cũng chỗ có, chỗ không

Thực ra, khi đề cập đến khoản tiền thu nhập tăng thêm vào dịp Tết Nguyên đán thì giáo viên công lập ở một số tỉnh phía Bắc vẫn còn thấy khá xa lạ bởi họ chưa bao giờ được chi khoản tiền này.

Tuy nhiên, ở các tỉnh phía Nam thì nhiều năm nay được phép chi tiền thu nhập tăng thêm nếu như đơn vị tiết kiệm được sau một năm hoạt động. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh còn có hẳn Nghị quyết để chi trả thu nhập tăng thêm cho giáo viên theo lộ trình và giáo viên công lập ở địa phương này những năm vừa qua luôn có thêm khoản tiền thu nhập tăng thêm vào dịp cận Tết Nguyên đán.

Chính vì thế, vấn đề thực hiện chi thu nhập tăng thêm thì chính sách hiện nay đã có, thể hiện rõ trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP nhưng nhưng phải có chủ trương, hướng dẫn cụ thể của địa phương và sự chủ động của hiệu trưởng, kế toán nhà trường trong việc tiết kiệm chi tiêu, cân đối kinh phí.

Nếu các khoản chi thường xuyên, chi không thường xuyên được quản lý, cân đối chặt chẽ, có sự giám sát của Ban thanh tra nhân dân và các đoàn thể trong nhà trường thì khoản thu nhập tăng thêm của giáo viên sẽ có.

Thậm chí là trong những năm qua một số trường học công lập ở phía Nam đã được chi tiền thu nhập tăng thêm không chỉ là vài triệu đồng mà có những đơn vị đã chi khoản tiền này cho mỗi giáo viên lên đến vài chục triệu đồng.

Nhưng, cũng có những đơn vị lân cận lại không có kinh phí để chi cho giáo viên vì không tiết kiệm được sau một năm hoạt động.

Chính vì thế, nguồn tiền để chi cho giáo viên hằng năm từ kinh phí nhà trường nhưng không phải địa phương nào, nhà trường nào cũng có chủ trương cho chi và cũng không phải đơn vị nào cũng có thể tiết kiệm được.

Nếu không có khoản này thì giáo viên gần như không có “thưởng Tết” và phần nhiều các trường công lập trên cả nước hiện nay không có để chi cho giáo viên.

Riêng khoản lương tháng 13 chi cho giáo viên thì có lẽ rất khó để thực hiện - như chúng tôi đã phân tích ở trên. Vì thế, chuyện lương tháng 13 đối với giáo viên cũng chỉ dừng lại ở chuyện bàn luận và mong ước, hy vọng vào một mùa Xuân tương lai mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY