Giáo viên mầm non tư thục chuyển nghề để tự cứu mình

23/01/2022 07:14
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều giáo viên mầm non phải tạm nghỉ việc, mưu sinh bằng công việc khác.

Từ năm 2020, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường mầm non phải nhiều lần đóng cửa. Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 cho đến nay), các trường mầm non đã tạm dừng hoạt động được gần 9 tháng.

Đối với các trường tư thục thì dừng hoạt động đồng nghĩa với việc không có nguồn thu, không thể trả lương cho giáo viên, nhiều giáo viên mầm non chật vật mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021, chị Bùi Thị Nguyệt (sinh năm 1998, Hòa Bình) giáo viên mầm non của một cơ sở tư thục ở Hà Nội đi làm trở lại, được 2 tháng thì dịch Covid-19 ở Hà Nội bùng phát trở lại.

Đến ngày 3/5/2021, chị Nguyệt nhận được tin trường tạm dừng hoạt động để tăng cường thực hiện phòng, chống dịch.

Chị Nguyệt kể: “May mắn là sau đó mình nhận trông một bé. Mẹ bé làm ngân hàng, nhà có mỗi hai mẹ con. Phụ huynh trả 150.000 đồng/buổi.”

Các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đóng cửa trong thời gian dài do dịch Covid-19. Ảnh minh họa (Nhật Tân).

Các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đóng cửa trong thời gian dài do dịch Covid-19. Ảnh minh họa (Nhật Tân).

Đến 6 giờ 00 ngày 24/7, người dân đang cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nguyệt tạm dừng việc trông bạn nhỏ. Gần hết đợt giãn cách thứ nhất, Nguyệt trông ngóng từng ngày Hà Nội hết giãn cách xã hội để làm việc trở lại. Tuy nhiên do tình hình dịch diễn biến phức tạp, đến 6 giờ 00 ngày 21/9, Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội.

Gần 2 tháng giãn cách xã hội, chị Nguyệt gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí. Dù không mất tiền trọ vì giáo viên ở luôn tại trường, hàng tháng chị Nguyệt chỉ cần trả tiền điện, nước và các khoản chi tiêu sinh hoạt phí.

Tuy nhiên khoảng thời gian phải tạm nghỉ việc do dịch khá dài trong khi mức lương chị Nguyệt nhận được là 5 triệu đồng/tháng. Một ngày làm cô giáo mầm non của chị Nguyệt thường bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng đến 17 giờ 30 chiều, có khi đến 18 giờ tối nếu phụ huynh đến đón con muộn.

Khoản tiết kiệm dành lại mỗi tháng là không nhiều. Nhận thấy tình hình dịch bệnh diễn biến còn nhiều phức tạp, sau khi Hà Nội hết giãn cách được 2 tuần, chị Nguyệt về quê, đến giữa tháng 11/2021, cô làm việc tại một công ty điện tử ở Bắc Ninh.

Chị Nguyệt chia sẻ công việc hiện tại có mức lương cứng là 4.200.000 đồng, chưa kể các khoản phụ cấp, tăng ca, ngoài ra công ty còn cung cấp 2 bữa ăn/ngày cho công nhân viên.

“Công việc này mang lại mức thu nhập cao hơn so với làm giáo viên mầm non. Trung bình mỗi tháng mình nhận được mức lương 7 triệu đồng. Lúc tăng ca mình phải làm 12 giờ/ngày và làm luân phiên ca ngày và đêm (2 tuần ca ngày từ 8 giờ sáng đến 20 giờ và 2 tuần ca đêm từ 20 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau)”, chị Nguyệt kể.

Phải tăng ca thường xuyên khiến chị Nguyệt không có thời gian dành riêng cho bản thân nhưng theo chị công việc này mang lại mức lương khá và đỡ vất vả hơn so với nghề giáo viên mầm non. Phần lớn bạn bè của chị Nguyệt là giáo viên mầm non đã chuyển nghề.

Chị Bùi Thị Nguyệt trong lần thực tập ở một cơ sở mầm non tư thục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Bùi Thị Nguyệt trong lần thực tập ở một cơ sở mầm non tư thục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Nguyệt chia sẻ: “Từ khi có dịch Covid-19, trường mầm non nhiều lần phải đóng cửa. Giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ việc không lương trong thời gian dài. Nhiều cô đã có gia đình nên áp lực kinh tế rất lớn. Dù yêu nghề đến đâu cũng đành phải chuyển nghề.”

Nếu là giáo viên mầm non ở những trường công sẽ đỡ hơn, vì phải tạm nghỉ do dịch Covid-19, giáo viên công lập cũng sẽ nhận được hỗ trợ. Từ khi có dịch Covid-19 đến giờ, chị Nguyệt nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch công ty sẽ tiến hành test nhanh cho công nhân viên trước khi vào làm việc 4 lần/tuần. Tuy nhiên vẫn có sai số khi test nhanh Covid-19. Đến ngày 7/1, chị Nguyệt phải tạm dừng công việc vì đồng nghiệp của cô là F0.

Sau khi test PCR cho kết quả âm tính, chị Nguyệt cách ly tại nhà trong 7 ngày. Vốn là nhân viên thời vụ nên những ngày nghỉ để cách ly tại nhà chị không nhận được lương.

Ban đầu chị dự định làm nhân viên thời vụ trong hai tháng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sau đó nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trẻ được trở lại trường chị Nguyệt sẽ tiếp tục làm giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, sau khi cập nhật tình hình dịch Covid-19 ở Hà Nội, chị Nguyệt lo lắng không biết có thể quay lại làm việc không, vì trung bình mỗi ngày hơn 2000 ca nhiễm được ghi nhận.

Gần đây, sau khi nói chuyện với bạn bè cũng từng là giáo viên mầm non, chị Nguyệt biết được tin một số trường mầm non nhận một nhóm trẻ nhỏ, chị quyết định sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ trở lại Hà Nội để tìm kiếm cơ hội việc làm.

May mắn hơn, hai tháng trước chị Phương Mai (sinh năm 1999, Cao Bằng) quay lại Hà Nội khi nhận thấy nhiều phụ huynh có nhu cầu cần cô giáo trông trẻ tại nhà. Hiện chị Mai nhận trông hai bé với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

Trước đó, chị về quê sau khi Hà Nội tạm dừng cho trẻ, học sinh đến trường từ ngày 4/5/2021. Chị Phương Mai kể mình làm việc tại một trường mầm non theo phương pháp giáo dục Montessori với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ: “Dù nhận được mức lương khá so với các giáo viên mầm non tại các trường tư thục khác nhưng một tháng tôi cũng không để ra được nhiều.”

Ở quê nhà, chị mong ngóng ngày được đi làm trở lại. Tuy nhiên sau đó Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội gần ba tháng liền.

6 tháng nghỉ việc không lương, bố mẹ chị nhiều lần khuyên con gái nên làm một công việc khác nhưng vì yêu trẻ, chị chỉ có thể bày tỏ nguyện vọng sẽ học lên cao và học thêm tiếng Anh để có mức lương tốt hơn.

Nghỉ việc không lương trong thời gian dài, nhiều giáo viên phải làm công việc khác để mưu sinh. Bày tỏ nỗi lo về nguồn nhân lực khi trường có thể được mở trở lại, chị Dương Thị Điểm, 37 tuổi, chủ trường của ba cơ sở mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ: "Từ đợt dịch thứ 4 đến giờ, ở cơ sở chính của chị có 15 nhân sự thì 7 cô đã xin nghỉ hẳn. Trong một khoảng thời gian dài giáo viên mầm non tư thục không có thu nhập. Chủ trường cũng không có kinh phí để trả thì rất khó để các cô bám trụ với nghề."

Chị Điểm cho rằng nếu sau nghỉ Tết tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, trẻ mầm non được đến trường trở lại, trong trường hợp số lượng học sinh tương đương với thời điểm trước khi có dịch, các chủ trường sẽ rất khó khăn vì phần lớn các cô đã chuyển nghề và ổn định với công việc đó.

Thiếu nhân sự trường sẽ rất khó để vận hành. Ví dụ trường có 5 cô thì chỉ có thể tuyển 50-70 trẻ, trong khi chi phí vận hành rất lớn.

Chị Điểm lý giải: "Khi trường được mở cửa trở lại thì giá thuê mặt bằng sẽ là 100%. Trong thời gian trường tạm dừng hoạt động, chủ trường trả khoảng 50%-75% tiền mặt bằng so với mức thuê trong thời điểm vận hành. Bên cạnh đó giáo viên mầm non sẽ chỉ nhận được mức lương cứng, không được hưởng các khoản thưởng hay phụ cấp trong khi mức lương cứng cũng không cao."

Trong trường hợp, bố mẹ e ngại không muốn gửi con đến trường vì với độ tuổi của trẻ thì chưa được tiêm vaccine thì số trẻ đến trường sẽ không nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cân đối thu chi để vận hành trường.

Nhật Tân