Các trường học cần chủ động biên chế giáo viên đối với các môn tích hợp

10/02/2022 09:17
Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: "Các nhà trường cần chủ động biên chế giáo viên đối với các môn tích hợp, môn bắt buộc mới".

Ngày 9/2, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra điều kiện để dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Hưng Yên. Theo kế hoạch, các trường học của tỉnh Hưng Yên sẽ đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại bắt đầu từ ngày 14/2/2022.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc lại chủ trương của Chính phủ là quyết tâm đưa học sinh đi học trở lại. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự phối hợp trong công tác chuẩn bị để đón học sinh trở lại học tập trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các nhà trường đã phải chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến, mặc dù đạt kết quả là duy trì thói quen học tập cho học sinh và đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học. Tuy nhiên, phương thức học tập trực tuyến không thể hiệu quả bằng phương pháp học tập trực tiếp ở bậc học mầm non và phổ thông.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng lưu ý, để đảm bảo an toàn nhất khi đưa học sinh đi học trở lại mỗi trường phải có phương án, kịch bản riêng; phương án cần thể hiện được các tình huống nếu không may có học sinh, giáo viên mắc COVID-19. Trong các kịch bản, phương án cần phân rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân để khi cần có thể xử lý tình huống một cách nhanh nhất.

Cùng với đó, các nhà trường cũng cần chuẩn bị cơ sở vật chất phòng, chống dịch một cách tốt nhất, tạo lòng tin cho phụ huynh học sinh khi đưa con em mình đi học trở lại. Sở Y tế cần có kế hoạch ưu tiên vắc-xin để tiêm đủ theo hướng dẫn cho giáo viên và học sinh. Cố gắng đến mức cao nhất không để vì học đến trường mà phát sinh ổ dịch.

Để làm đảm bảo an toàn trường học khi đưa học sinh đi học trở lại, chỉ ngành giáo dục, các nhà trường không thể làm được, do đó, cần có sự phối hợp với ngành y tế, y tế cơ sở. Giữa ngành giáo dục và ngành y tế, nhà trường và y tế cơ sở cần phải ký quy chế phối hợp, công bố cho nhân dân biết để người dân, phụ huynh yên tâm là khi con em mình đến trường có sự giám sát an toàn của cơ quan y tế, nhân viên y tế.

Các nhà trường cũng cần bố trí đội ngũ giáo viên nắm bắt tâm lý học sinh những ngày đầu đi học trở lại. Ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên cần căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch năm học một cách phù hợp, linh hoạt thời điểm kết thúc năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục. Chú ý thời điểm kết thúc năm học đối với học sinh cuối cấp để đảm bảo chất lượng học sinh khi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Hưng Yên. Thứ trưởng cho rằng, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của tỉnh Hưng Yên thời gian vừa qua đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản và có chất lượng.

Phát huy những kết quả, kinh nghiệm khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Hưng Yên cố gắng đảm bảo cơ cấu giáo viên theo chương trình vì năm học 2022-2023 sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đối với khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Do đó, các nhà trường cần chủ động biên chế giáo viên đối với các môn tích hợp, môn bắt buộc mới. Cùng với đó, có kế hoạch tư vấn cho các em học sinh đối với các môn tự chọn ở khối lớp 10.

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thành công thì yêu cầu về cơ sở vật chất trường học cũng phải đảm bảo. Do đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Hưng Yên ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho giáo dục đúng theo quy định của Luật Giáo dục.

Minh Anh