Làm gì để tránh khiếu kiện trong xét duyệt Giáo sư, Phó Giáo sư?

06/03/2022 06:50
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để tránh khiếu kiện trong xét duyệt GS, PGS, Hội đồng Giáo sư các cấp cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan... tăng cường công tác hậu kiểm.

Vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2021. Tuy nhiên, nhiều ứng viên được giới khoa học cho là không xứng đáng, gây ra nhiều tranh cãi vì có hành vi đăng bài trên tạp chí giả mạo, kém chất lượng, tạp chí đã bị loại ra khỏi danh mục ISI, Scopus.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội); nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an; Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh nhiệm kỳ 2009-2014, 2014-2019 cho rằng, việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam bên cạnh ưu điểm, thành tích vẫn còn những “hạt sạn”.

Vẫn còn ứng viên không đủ tiêu chuẩn “lọt lưới”

Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, hiện nay phần lớn các nhà khoa học ở nước ta luôn ý thức được việc giữ gìn sự trung thực trong các công trình nghiên cứu nhằm thúc đẩy khoa học phát triển, tiến tới xây dựng một nền khoa học Việt Nam chân chính.

Tuy nhiên, thời gian qua không ít nhà khoa học có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng "liêm chính khoa học". Cụ thể, trong đợt xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021, một số ứng viên được cho là không xứng đáng theo đánh giá của giới khoa học đã tham gia và “vượt qua” các kỳ xét của Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành.

Theo Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm, việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam bên cạnh ưu điểm, thành tích vẫn còn những “hạt sạn”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm, việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam bên cạnh ưu điểm, thành tích vẫn còn những “hạt sạn”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khi phóng viên đặt băn khoăn về nguyên nhân khiến ứng viên ở một số ngành không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn “lọt lưới”. Phải chăng quá trình xét duyệt ở Hội đồng Giáo sư các cấp còn lỗ hổng? Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm nhận định: “Hiện nay do chưa có quy định cụ thể nên các cơ sở đào tạo được phép thành lập Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở và thường đề xuất cán bộ cơ hữu của mình làm thành viên Hội đồng để thuận lợi trong quá trình xét chọn ứng viên.

Đối với Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành cũng vậy, một vài nhà khoa học quen, thân thiết với Chủ tịch Hội đồng được đề xuất vào làm thành viên của Hội đồng. Chính vì vậy, đã có ý kiến phản ánh về trường hợp một số thành viên trong Hội đồng Giáo sư các cấp do không phải các nhà khoa học đầu ngành nên chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình xét duyệt hồ sơ của ứng viên”.

Thành viên Hội đồng Giáo sư các cấp phải là những nhà khoa học uy tín

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm cho biết, trong xét duyệt, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư theo quy chế hiện nay, Hội đồng Giáo sư các cấp đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo quy định của Nhà nước, để xét các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư có 3 cấp Hội đồng Giáo sư gồm: Hội đồng Giáo sư cơ sở của các cơ sở giáo dục đại học; Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành và Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Để các Hội đồng này hoạt động có hiệu quả, ít sai sót, vấn đề quan trọng đầu tiên là các thành viên trong Hội đồng phải có tâm, có tầm, có trình độ chuyên môn cao, uy tín, là những nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học.

“Nhằm nâng tầm Hội đồng Giáo sư cơ sở, đảm bảo tính khách quan, tranh thủ nguồn chất xám ở các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu khác, cần quy định cơ sở giáo dục đại học không được vượt quá 1/2 số thành viên trong Hội đồng. Mặt khác, 1/2 thành viên phải nằm ngoài biên chế cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, kể cả Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng.

Với thành phần trên, khi xét các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư sẽ khách quan, công tâm hơn so với việc 100% hoặc đa số các thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở đều là người của cơ sở giáo dục đại học”, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh cho hay.

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm cho hay, theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ thì Hội đồng Giáo sư Nhà nước gồm Chủ tịch, một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký (chuyên trách) và 3 Phó Chủ tịch phụ trách các lĩnh vực khoa học, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và 3 Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm nhiệm gồm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Giáo sư Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội.

Cho đến nay Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, còn thiếu chức danh Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư chuyên trách theo quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

“3 năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có một số lần trình Thủ tướng Chính phủ về chức danh này nhưng với yêu cầu Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký phải dưới 55 tuổi, là công chức nên không có công chức nào đang làm quản lý, lãnh đạo lại muốn chuyển đến làm việc tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước”, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh cho biết thêm.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, trong điều kiện lãnh đạo Hội đồng Giáo sư Nhà nước kiêm nhiệm, không có lãnh đạo chuyên trách, thực tế công tác của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đều giao cho Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đảm nhiệm.

Do phần lớn cán bộ ở Văn phòng chưa hoạt động tại Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành, chưa làm Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở đào tạo nên rất khó quản lý các Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng ngành/ liên ngành. Họ cũng gặp nhiều khó khăn khi tư vấn giải quyết những “lùm xùm” phát sinh ở cơ sở.

Vì vậy, song song với việc kiện toàn Hội đồng Giáo sư các cấp, Bộ Giáo dục và đào tạo cần sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động xét, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Tăng cường công tác hậu kiểm trong xét duyệt chức danh Giáo sư, Phó giáo sư

Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, về lâu dài khi mỗi cơ sở giáo dục đại học có một đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư đông đảo và có trình độ cao, công tác xét, công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư có thể giao cho các trường tiến hành, hiện tại vẫn nên tiếp tục áp dụng Quy chế đã ban hành.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh cho rằng, để tránh các sai sót, khiếu kiện trong xét duyệt chức danh Giáo sư, Phó giáo sư thì Hội đồng Giáo sư các cấp cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà trường tăng cường triển khai công tác hậu kiểm.

Đối với Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh và Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Quân sự, sau khi xét ở cấp Hội đồng ngành, danh sách các ứng viên đạt số phiếu tín nhiệm được báo cáo cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, cho ý kiến. Chính vì vậy, trong hơn 10 năm qua việc xét duyệt, bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quân sự không có đơn thư kiện cáo, phán ảnh.

"Theo tôi, những kinh nghiệm này cần được nghiên cứu, áp dụng tại các Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành khác. Đối với các Hội đồng ngành/ liên ngành liên quan tới nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thì nên lấy ý kiến của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan, ban, ngành ứng viên công tác, làm việc", Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm nói.

Ngọc Ánh