Thiếu tướng, NGƯT Trần Xuân Nam: Hơn 30 năm gắn bó với nghiên cứu Vô tuyến điện

02/08/2024 06:42
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” theo Quyết định số 613/QĐ-CTN ngày 27/6/2024.

Trong danh sách 136 thầy cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” theo Quyết định số 613/QĐ-CTN ngày 27/6/2024, có những nhà giáo khoác trên mình màu xanh áo lính. Một trong số đó là Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nam, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Trong hơn 30 năm công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, nhà giáo ưu tú Trần Xuân Nam có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực Vô tuyến điện tử và gieo tri thức cho hàng chục thế hệ học viên.

Đưa Vô tuyến điện tử Việt Nam ngang tầm quốc tế

Yêu thích lĩnh vực Vô tuyến điện tử từ thời phổ thông, khi vào đại học, chàng thanh niên Trần Xuân Nam đứng trước hai lựa chọn vào hai ngôi trường kỹ thuật hàng đầu cả nước là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Lúc đó, chàng thanh niên Trần Xuân Nam đã chọn Học viện Kỹ thuật Quân sự vì mong muốn được tiếp bước con đường của gia đình mình, phục vụ lâu dài trong Quân đội.

z5663805411563_75a3955be85f7ef2c41f1ea9a8d68d13.jpg
Thầy Trần Xuân Nam làm Chủ tịch Hội đồng giáo sư cơ sở năm 2024 của Học viện Kỹ thuật Quân sự (Ảnh: NVCC)

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Năm 1999, thầy được cấp bằng thạc sĩ ngành Vô tuyến điện tại Trường Đại học Công nghệ Sydney, Úc. Năm 2000, thầy làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Điện - Truyền thông tại Tokyo, Nhật Bản và nhận bằng Tiến sĩ ngành Điện tử - Viễn thông vào năm 2003.

z5655111551868_d5d852107dab4be1efae9f34deed66d2.jpg
Thầy Trần Xuân Nam tại Phòng làm việc ở Trường Đại học Điện -Truyền thông Tokyo (Ảnh: NVCC)

Sau khi hoàn thành học tập, nghiên cứu ở nước ngoài và về nước vào năm 2006, thầy Nam bắt đầu quá trình thích nghi, điều chỉnh để có phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện môi trường Việt Nam.

Thầy Nam có nhiều năm giảng dạy tại Khoa Vô tuyến Điện tử, Học viện Kỹ thuật Quân sự trước khi đảm nhiệm vị trí quản lý.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nam tâm sự: “Ban đầu, tôi cũng gặp phải những khó khăn nhất định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi có may mắn khi được các thế hệ lãnh đạo, thầy cô đi trước tạo điều kiện tốt nhất để tôi có thể tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu của mình”.

Trong quá trình công tác, được tiếp xúc với các hệ thống thông tin di động tiên tiến, các hệ thống khí tài điện tử của các đơn vị trong Quân đội đã giúp thầy Nam có thêm nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và quyết tâm hơn với lĩnh vực nghiên cứu mà mình đã lựa chọn.

Được học tập ở Học viện Kỹ thuật Quân sự với nhiều cán bộ, giảng viên giỏi, môi trường học tập hiện đại, tiên tiến đã tiếp tục thúc đẩy động lực để thầy Nam tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực này.

Sau này, được học tập, nghiên cứu ở các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ phát triển về lĩnh vực này, được tiếp cận với các hướng nghiên cứu tiên tiến nhất giúp cho thầy càng thêm say mê và quyết tâm theo đuổi nghiên cứu vô tuyến điện tử.

z5655100183138_1841bf5b610ec1557968b30654a07e6d.jpg
Thầy Trần Xuân Nam (người thứ 5 tính từ bên trái, hàng đầu) làm Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay (Ảnh: NVCC)

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, hiện tại môi trường học tập, nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự không hề thua kém các trường đại học trong khu vực, nhiều lĩnh vực tương đương với môi trường quốc tế.

Thầy có nhiều bài báo khoa học có tiếng vang trong cộng đồng học thuật, giành giải Bài báo Xuất sắc nhất tại Hội nghị Quốc gia năm 2014 về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin.

Thầy Nam cũng đã xây dựng được nhóm nghiên cứu về Thông tin vô tuyến tiên tiến, được công nhận là một trong 18 nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện Kỹ thuật Quân sự, có được các thành viên nghiên cứu và nghiên cứu sinh giỏi.

Các kết quả công bố khoa học của nhóm cũng đã được xuất bản trên các tạp chí hàng đầu về lĩnh vực vô tuyến điện tử trên thế giới.

Nhà giáo giỏi của Học viện Kỹ thuật Quân sự

Trước khi nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cao quý, thầy Nam đã nhiều năm liên tiếp được bình bầu là Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi cấp Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 2015, thầy nhận danh hiệu Nhà giáo giỏi của Bộ Quốc phòng.

Trong giảng dạy, thầy Nam quan niệm luôn giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo, tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng, bảo đảm những quyền lợi chính đáng của học trò.

Bản thân thầy luôn nghiên cứu để xây dựng bài giảng có tính khoa học kết hợp với thực tiễn, sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại làm cho bài giảng thêm phong phú, cố gắng để truyền tải đến học viên lượng kiến thức cập nhật, đầy đủ nhất.

Thiếu tướng Trần Xuân Nam còn tham gia biên soạn nhiều cuốn giáo trình phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, trong đó phải kể đến "Mô hình hóa và Mô phỏng" xuất bản năm 2013, "Xử lý Không gian - Thời gian - Lý thuyết và Mô phỏng" xuất bản năm 2014, Giáo trình "Mạng Viễn thông" xuất bản năm 2016... Thầy cũng góp phần xây dựng và phát triển chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện tử của Học viện.

9e840d2f-7ff9-4787-9803-3a07157defbb.jpeg
Thầy Trần Xuân Nam tại Hội nghị Tuổi trẻ sáng tạo khoa học lần thứ 44 do Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức (Ảnh: NVCC)

Thầy Nam tự hào về những sinh viên, nghiên cứu sinh do chính mình hướng dẫn: “Chúng tôi thường xuyên nhận được đề xuất về việc trao đổi sinh viên với các phòng nghiên cứu của các trường đại học nước ngoài.

Tôi nhớ lại một kỷ niệm cách đây hơn 10 năm, khi một nghiên cứu sinh do tôi hướng dẫn đi trình bày báo cáo khoa học ở một hội nghị quốc tế thuộc tốp đầu về lĩnh vực vô tuyến điện tử.

Sau khi nghe kết quả báo cáo của nghiên cứu sinh, một giáo sư người Hàn Quốc đã phát biểu: “Với các kết quả nghiên cứu tiên tiến này thì sinh viên Việt Nam không cần phải đi du học nước ngoài nữa”.

Là Phó Giám đốc của Học viện Kỹ thuật Quân sự, thầy rất quan tâm đến chất lượng đào tạo trong nhà trường.

"Học viện Kỹ thuật quân sự là một nhà trường quân đội nên tất nhiên có những khác biệt nhất định so với các trường đại học khác.

Môi trường đào tạo góp phần tạo nên các cán bộ kỹ thuật toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Tuy nhiên, không vì môi trường đặc thù mà trình độ chuyên môn của học viên bị thua kém với các trường khác" - thầy Nam bày tỏ.

Dùng kiến thức kỹ thuật để bảo vệ chủ quyền đất nước

Với mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, thực hiện phương châm gắn kết nhà trường với đơn vị, Học viện Kỹ thuật Quân sự thường xuyên gửi giảng viên đi thực tế tại các đơn vị trong Quân đội.

Thầy Nam đã có thời gian đi thực tế tại Quân chủng Hải quân - một quân chủng kỹ thuật được trang bị nhiều hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại.

Thầy Nam tâm sự: “Tôi may mắn có thời gian được đi thực tế tại Quân chủng Hải quân, được trực tiếp tiếp xúc, tìm hiểu các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất. Quá trình này đã giúp cho tôi củng cố được kiến thức chuyên môn thực tiễn, bổ sung hữu ích cho nội dung giảng dạy và nghiên cứu khoa học sau này.

Kỷ niệm đáng nhớ và lắng đọng nhất vẫn là những chuyến tham quan tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK. Khi được trực tiếp đến những vùng biển đảo xa xôi nhất của Tổ quốc, tôi càng cảm nhận sâu sắc sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia, sự vất vả và vinh dự của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nói riêng và của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng.

Chuyến đi cũng đã giúp cho tôi hiểu thêm và có đề xuất về giải pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia ngay cả trên không gian sóng vô tuyến điện trên biển”.

z5655145213638_3b62c0d30824818c30d45ef429743587.jpg
Thầy Nam kiểm tra lớp Huấn luyện kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật Quân chủng Hải quân (Ảnh: NVCC)

Danh hiệu Nhà giáo ưu tú là một danh hiệu cao quý của nhà giáo được Nhà nước trao tặng, được nhận danh hiệu này là niềm vinh dự lớn lao của bất kỳ nhà giáo, cán bộ quản lý nào đang công tác trong ngành giáo dục.

Riêng với một người lính như thầy Nam, danh hiệu càng ý nghĩa hơn nữa. Thầy Nam chia sẻ: “Với các nhà giáo trong Quân đội chúng tôi, vinh dự này lại càng có ý nghĩa khi sự tâm huyết nghề nghiệp, thành tích đóng góp của mỗi cá nhân cho sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Quân đội và Nhà nước ghi nhận”.

Bên cạnh đó, thầy cũng hy vọng các bạn học sinh đam mê kỹ thuật hãy đến với Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Với hơn 55 năm kinh nghiệm, đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn hàng đầu, hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành tiên tiến, hàng đầu cả nước, Học viện Kỹ thuật Quân sự luôn luôn sẵn sàng chào đón các bạn đến học tập, rèn luyện và phát triển bản thân, đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng Quân đội và đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Trần Trang