1 Việt Á khiến hơn 60 người vướng lao lý: Cần rà soát lại công tác đề bạt cán bộ

25/06/2022 08:02
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn từ Việt Á, các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận lại công tác cán bộ. Đặc biệt là công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ xem yếu khâu nào để khắc phục.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đang nhận được niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân.

Đặc biệt, việc điều tra, xử lý nghiêm các các cán bộ sai phạm có liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước.

Đến nay, có khoảng hơn 60 người đã bị khởi tố liên quan vụ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Trong đó có 7 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế, bệnh viện của 15 tỉnh, thành.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An – Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng:

“Đến nay, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý với phương châm "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai", "đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử".

Nhìn từ vụ việc của Việt Á, đến nay, 2 nhân sự cấp cao diện Trung ương quản lý cũng đã vướng vòng lao lý.

Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang rất quyết liệt và có sự thống nhất cao.

Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long bị bắt do liên quan đến vụ Việt Á. Ảnh: ttxvn

Ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long bị bắt do liên quan đến vụ Việt Á. Ảnh: ttxvn

Rất nhiều các cán bộ từ cấp trung ương đến địa phương đã bị khởi tố điều tra cho thấy sự việc rất nghiêm trọng.

Vừa rồi chúng ta có bàn đến việc phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước. Chủ trương này tôi cho là rất đúng đắn.

Nhìn từ vụ Việt Á cho thấy, việc một công ty tư nhân nhưng đã móc ngoặc đến hàng loạt các cán bộ của Đảng và Nhà nước, ở nhiều cấp khác nhau, điều này cho thấy phải chống tham nhũng cả khu vực tư nhân và khu vực ngoài Nhà nước đều có vai trò rất quan trọng”.

“Ở một khía cạnh khác, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận lại công tác cán bộ. Đặc biệt là công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Chúng ta cần nhìn lại xem các khâu đề cử, tiến cử và giám sát cán bộ của chúng ta có yếu ở khâu nào không? Bởi chỉ một vụ việc Việt Á thôi, nhưng chúng ta đã thấy rất nhiều cán bộ đã không giữ được mình.

Tới đây, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Ai sai đến đâu người đó phải chịu trách nhiệm.

Nhưng điểm lại sự việc cho thấy, đã có rất nhiều cán bộ vướng vòng lao lý trong đó có cả những cán bộ diện trung ương quản lý, có lẽ chúng ta cần lưu ý đến công tác đề bạt, tiến cử cán bộ.

Lâu nay, khi cán bộ được giới thiệu không đủ phẩm chất, năng lực thì trách nhiệm thường thuộc về tập thể cấp ủy giới thiệu, chứ chưa truy xét đến cùng trách nhiệm đối với từng cá nhân cụ thể, mà trước tiên là trách nhiệm của người đề cử, tiến cử nhân sự.

Tôi cho rằng đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận lại xem công tác đề cử, tiến cử, giám sát và giáo dục cán bộ của chúng ta yếu ở khâu nào để khắc phục, để giúp đỡ cán bộ và không để cán bộ mắc sai phạm”, bà Bùi Thị An nêu quan điểm.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Trung Kiên – giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh:

“Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” do vậy công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng.

Trong lịch sử dân tộc, ngay từ thời phong kiến, việc tiến cử nhân tài luôn được đề cao, tuy nhiên, việc tiến cử này cũng gắn liền với trách nhiệm của người được tiến cử. Bởi khi người được tiến cử lập công trạng thì người tiến cử cũng được hưởng vinh quang.

Ngược lại, nếu tiến cử sai, làm nguy hại đến lợi ích chung thì phải cùng chịu trách nhiệm.

Từ khi có Đảng, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương qua các thời kỳ cách mạng đã làm tốt việc tiến cử, chiêu mộ hiền tài, gắn chặt với trách nhiệm người đứng đầu ở mỗi cấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, việc tiến cử cán bộ gắn liền với trách nhiệm của người tiến cử cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Không ít trường hợp, công tác cán bộ tuy được làm đúng quy trình nhưng lại giới thiệu nhầm người, sai người, để lại những hậu quả khôn lường.

Thậm chí, có những cá nhân đã “trèo rất cao, chui rất sâu” rồi mới bị tổ chức phát hiện có nhiều vi phạm, khuyết điểm từ trước.

Hệ lụy để lại cho tổ chức là rất nặng nề, nhưng việc truy xét trách nhiệm, chịu kỷ luật liên đới đối với người đề cử, tiến cử cán bộ chưa được xem xét thỏa đáng.

Trước vụ Việt Á là một loạt vụ xử lý kỷ luật liên quan tới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cả sỹ quan cao cấp tướng tá, tới cả ủy viên trung ương.

Hàng loạt cán bộ cấp cao mắc sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng thời gian vừa qua cho thấy việc cần thiết phải đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy, người đứng đầu cần phải chuẩn bị nhân sự thật kỹ lưỡng, bàn bạc thấu đáo, chặt chẽ; công tác nắm bắt và đánh giá cán bộ phải bài bản, đặc biệt là việc chú trọng phẩm chất, tư cách và uy tín chính trị trong lịch sử quá trình công tác của cán bộ được đề cử".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Trung Kiên cũng cho rằng : “Người đề cử cũng phải cân nhắc, công tâm, tin cậy về trường hợp mình giới thiệu, không được cục bộ, nể nang, cánh hẩu và cũng không thể bổ nhiệm cán bộ theo lối “giã gạo” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy

Để từ đó, cấp ủy có cơ sở xem xét, cất nhắc và đưa vào quy trình bổ nhiệm cán bộ”.

Trần Phương