Nhắc đến tên tuổi của Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), học trò và đồng nghiệp trong giới khoa học ngành Thủy lợi đều bày tỏ sự khâm phục và kính nể.
Nhiều phát minh sáng chế của ông mang lại hiệu quả cao, đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đặc biệt, các sáng chế của ông như ‘‘Cửa van cánh cửa tự động’’ được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2000; ‘‘Đập trụ đỡ và đập sà lan’’ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (thứ ba từ trái sang) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC) |
Nuôi ước mơ từ thuở thiếu thời
Giáo sư Trương Đình Dụ sinh ngày 14/7/1938 tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong gia đình nông dân nghèo.
Mảnh đất Hà Tĩnh quê ông nằm trên dải đất eo hẹp của miền Trung, thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Lào khô nóng, 3-4 tháng trời không mưa.
Đặc biệt vào các tháng 5, 6, giếng trong vùng bị khô cạn, nước sông nhiễm mặn do triều cường từ biển vào. Muốn có nước ngọt dùng cho sinh hoạt, người dân phải vào núi cách nhà 4-5 cây số để gánh nước.
‘‘Do những khó khăn như thế nên ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nuôi ước mơ lớn lên theo học ngành Thủy lợi để mang nước ngọt về giúp quê hương hàng xóm’’ – Giáo sư Trương Đình Dụ chia sẻ.
Tháng 9/1959, chàng học sinh Trương Đình Dụ thi đỗ vào khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với chuyên ngành Thủy lợi.
Cùng thời điểm đó, Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc diễn ra ngày 14/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng, lụt, ít nước quá thì hạn hán…”.
Những lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho con đường nghiên cứu khoa học sau này của Giáo sư Trương Đình Dụ là đem thủy lợi phục vụ đời sống nhân dân.
Năm 1963, ông tốt nghiệp đại học và xin về công tác ở Ty Thủy lợi Hà Tĩnh. Năm 1968, ông được cơ quan cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Xây dựng Moskva. Sau 4 năm học tập, ông bảo vệ thành công đề tài ‘‘Nghiên cứu tổn thất cột nước ở các lưới chắn rác của nhà máy thủy điện’’ và nhận bằng Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ).
Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ (thứ năm từ trái sang). (Ảnh: NVCC) |
Nặng lòng với ngành thủy lợi nước nhà
Năm 1972, ông về công tác ở phòng Thủy lực công trình, Viện Khoa học Thủy lợi. Từ đây, ông có điều kiện phát huy kiến thức đã học ở nước ngoài vào tình hình thực tiễn thủy lợi đất nước.
Kỷ niệm đầu tiên của ông là tham gia nghiên cứu và sửa chữa đập Đáy ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội nhằm xác định nguyên nhân cửa van của đập không hoạt động theo thiết kế.
Theo Giáo sư Trương Đình Dụ: “Đây là công trình được người Pháp xây dựng từ năm 1937 đến năm 1944 nhằm phân lũ cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành phân lũ thì thất bại bởi cửa đập không hoạt động”.
Năm 1974, chủ trương của Trung ương Đảng là đẩy nhanh việc giải phóng miền Nam nên cần phải sửa gấp đập Đáy. Khi đó, việc này Bộ Thủy lợi giao cho Viện Khoa học Thủy lợi phụ trách nghiên cứu xử lý.
Sau 6 tháng nghiên cứu, ông Dụ phát hiện ra nguyên nhân cửa van của đập không hoạt động như thiết kế là bởi độ kín giữa van hạ lưu và thượng lưu không đảm bảo. Sau khi sửa chữa theo phương án của ông, cửa van của đập Đáy hoạt động bình thường.
Năm 1982, Giáo sư Trương Đình Dụ được đề bạt làm Trưởng phòng Nghiên cứu thủy lực công trình, Viện Khoa học Thủy lợi.
Nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, ông đã xin với Giáo sư Nguyễn Thanh Ngà – khi đó là Viện phó Viện Khoa học Thủy lợi lập nên 4 tổ nghiên cứu nhỏ trong phòng Thủy lực, đến nay đều phát triển lớn mạnh gồm:
Tổ nghiên cứu máy bơm (sau trở thành Viện Bơm và thiết bị thủy điện năm 2008);
Tổ nghiên cứu thủy điện nhỏ để phục vụ cho xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ ngăn những sông nhỏ hoặc dòng suối. Năm 2007, đổi tên thành Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo với nhiệm vụ đi sâu nghiên cứu các nguồn năng lượng mới cho đất nước như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy triều…
Tổ nghiên cứu cửa van, nay trở thành Viện Thủy công.
Tổ thủy lực công trình, nay trở thành Trung tâm Nghiên cứu thủy lực.
Từ năm 1981 đến nay, ông đã chủ nhiệm nhiều đề tài như “Nghiên cứu cấu trúc và phương pháp tính cửa van tự động thủy lực cống vùng triều”.
Kết quả nghiên cứu đề tài này tìm được 5 loại cửa van cho các cống đồng bằng ven biển. Đặc biệt là loại cửa van cánh cửa tự động đã được áp dụng phổ biến cho các cống đồng bằng sông Cửu Long, cống Mỹ Trung, Quảng Bình, cống NEO 2 ở Thái Bình...
Công trình nghiên cứu này của ông đã được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 1991 và được Giải thưởng Nhà nước năm 2000.
Mang vinh quang về cho ngành Thủy lợi
Năm 1992, Giáo sư Trương Đình Dụ tiếp tục làm chủ nhiệm đề tài “Giải pháp công nghệ tạo nguồn nước vùng ven biển”. Ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu được hai kiểu đập mới là đập trụ đỡ và đập sà lan.
Bằng hai công nghệ này đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới trong công nghệ ngăn sông ở Việt Nam.
Hai loại đập này hiện đang được đánh giá cao về sáng tạo khoa học công nghệ và đang được áp dụng cho các công trình ngăn sông chống nước biển dâng có hiệu quả cao so với các công nghệ khác.
Hai công nghệ này còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế, theo đó đập sà lan có số bằng 6148, cấp ngày 7/2/2007; đập trụ đỡ có số bằng 6601 cấp ngày 20/9/2007.
Nhờ những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao cho xã hội, hai công nghệ này được ứng dụng mạnh mẽ trong xây dựng các công trình ngăn sông trên khắp cả nước.
Hàng trăm đập và cống được xây bằng hai công nghệ này như cống Thảo Long ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cống sông Dinh ở tỉnh Ninh Thuận, cống Cầu Xe ở tỉnh Hải Dương…
Nhờ công nghệ trên đã giúp nhà nước tiết kiệm ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.
Đó là những đóng góp quan trọng cho ngành thủy lợi nói riêng và sự nghiệp khoa học nói chung.
Năm 2012, cụm công trình “Đập trụ đỡ và đập sà lan” được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV, bởi sự sáng tạo về mặt khoa học, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Đến nay, đây vẫn là cụm công trình đầu tiên và duy nhất của ngành Thủy lợi được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho các công trình có đóng góp đặc biệt về khoa học và giá trị về kinh tế.
Hiện nay, hai công nghệ này vẫn tiếp tục được ứng dụng mạnh mẽ trong xây dựng các công trình ngăn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã duyệt dự án Cái Lớn – Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang giai đoạn I xây bằng công nghệ đập trụ đỡ với số vốn đầu tư là khoảng 3300 tỉ đồng.
Tháng 3/2022, cống Cái Lớn – Cái Bé đã đi vào hoạt động, giúp kiểm soát, điều tiết nguồn nước (mặn, lợ, ngọt) cho 384.000 ha đất tự nhiên ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.
Đây là công trình ngăn mặn lớn nhất Việt Nam, góp phần phòng chống thiên tai, cháy rừng, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng, cải tạo đất phèn; kết hợp phát triển giao thông bộ...
Ở tuổi 85, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ vẫn miệt mài, say sưa nghiên cứu khoa học. Ông là tác giả và đồng tác giả của các công trình nghiên cứu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng phát minh sáng chế như: Đập thuyền, đập bản dầm…
Những thành công trong cuộc đời của ông xuất phát từ niềm say mê, sáng tạo và khát vọng mang nước ngọt về phục vụ đồng bào, quê hương.