Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở trường CĐ sư phạm đang trong tình trạng chỉ “ngồi chơi"

13/08/2022 07:00
Kim Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyết định của Bộ Chính trị về việc giao bổ sung biên chế giáo viên sẽ giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và tăng cơ hội cho các trường cao đẳng sư phạm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thúy Hà, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) kể: vừa rồi, các cựu sinh viên khóa 29 có về thăm trường nhân kỷ niệm tròn 10 năm tốt nghiệp. Hỏi chuyện ra mới biết, nhiều sinh viên cũng đã theo nghề sư phạm nhưng gắn bó chỉ được vài năm, rồi bỏ đi làm những ngành, nghề khác. Nguyên nhân là vì lương thấp và khó được vào biên chế.

“Mỗi năm, địa bàn tỉnh Bắc Ninh lại thêm trường học mới vì các khu công nghiệp hiện đang rất nhiều, các bạn trẻ ở khắp nơi về lao động, thương nhau rồi lập gia đình, sinh con. Nhu cầu trường lớp lại được đặt ra.

Trường mở thêm, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại, nhất là cấp học mầm non đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng trớ trêu là sinh viên ngành sư phạm ra trường lại thường khó xin được việc làm vì vẫn phải đợi chỉ tiêu”, cô Hà chia sẻ.

Mong lộ trình thích hợp cho các trường cao đẳng sư phạm

Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Đầu tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tuyển dụng số lượng giáo viên này cho năm học tới đây.

Biết được thông tin này, cô Nguyễn Thị Thúy Hà bày tỏ sự vui mừng, cô cho rằng quyết định này của Bộ Chính trị chắc chắn sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến thực tiễn. Bởi theo cô Hà, căn cứ theo Luật Giáo dục 2019, thì các trường cao đẳng sư phạm hiện nay không được đào tạo giáo viên cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Quyết định bổ sung biên chế giáo viên được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và tăng cơ hội cho các trường cao đẳng sư phạm. (Ảnh: CTV/Giaoduc.net.vn).

Quyết định bổ sung biên chế giáo viên được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và tăng cơ hội cho các trường cao đẳng sư phạm. (Ảnh: CTV/Giaoduc.net.vn).

“Tôi kỳ vọng quyết định mới này của Bộ Chính trị sẽ giúp nhiều người học sư phạm ra trường đang thất nghiệp được vào biên chế, có chính sách đãi ngộ tốt còn riêng các trường cao đẳng sư phạm sẽ được tạo điều kiện xây dựng một lộ trình thích hợp trong đào tạo giáo viên, chứ hiện tại chúng tôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, cô Hà nói.

Chia sẻ thêm, cô Nguyễn Thị Thúy Hà cho rằng: các trường cao đẳng sư phạm là nơi cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho các tỉnh, được ví von là “máy cái” đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông trong địa phương. Nhưng nguồn nhân lực của chính các trường cũng đang ở tình trạng… lãng phí.

“Tôi thấy có một thực tế đáng buồn là ở một số trường cao đẳng sư phạm, ngành giáo dục mầm non tuyển sinh tốt thì các ngành khác (trước đào tạo giáo viên cấp tiểu học, và trung học cơ sở, nay không thực hiện tuyển sinh nữa do phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục sửa đổi - PV) nhiều thầy, cô (đa phần đều là thạc sĩ và tiến sĩ) đang phải đảm đương những việc khác, còn với chuyên môn thì… “ngồi chơi”. Họ chỉ mong sao được đi dạy, được đứng lớp đào tạo.

Chúng tôi đã có đề nghị với các cấp lãnh đạo liên quan rằng hãy cho trường cao đẳng sư phạm cơ chế nhân lực hoạt động giống như một trường đào tạo ngành y. Giảng viên tại trường đào tạo y khoa có thể vừa là giảng viên, vừa là bác sĩ thì chúng tôi cũng có thể vừa là giảng viên cao đẳng, vừa là giáo viên tại những cơ sở giáo dục phổ thông (theo diện hợp đồng giảng dạy). Như vậy, các thầy, cô sẽ có việc làm theo đúng chuyên môn, mà lại giúp ích cho các cơ sở trường học hiện nay đang thiếu trầm trọng giáo viên”, cô Hà nói.

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên khu vực miền núi

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Đoàn Đức Lân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tây Bắc cho biết, giai đoạn đầu khi thực hiện theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường vấp phải sự bối rối nhất định vì chưa nhận được ngân sách đào tạo ngay.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Công tác chính trị và Kế toán, các em sinh viên khối ngành sư phạm năm thứ nhất tại trường đến thời điểm này đều nhận được các hỗ trợ theo đúng tinh thần Nghị định 116. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã nhận được đề nghị đào tạo chỉ tiêu theo dạng cử tuyển của một số nơi. Đơn cử, vừa qua, tỉnh Lai Châu đã “đặt hàng” trường đào tạo một số chỉ tiêu giáo viên chuyên ngành tiếng Anh.

Trước thực trạng thiếu giáo viên ở khu vực miền núi phía Bắc, thầy Đoàn Đức Lân tin rằng quyết định mới này của Bộ Chính trị sẽ giúp việc hỗ trợ đào tạo giáo viên cho các trường miền núi, nhất là khu vực Tây Bắc sát với nhu cầu thực tiễn hơn.

“Động thái này tác động tích cực đối với việc phát triển giáo dục các vùng núi khó khăn. Có ý kiến cho rằng quyết định này sẽ là yếu tố quan trọng để các địa phương thực hiện quyết liệt hơn việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, theo tôi điều này hoàn toàn có cơ sở.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã báo cáo trong hội nghị của ngành Tuyên giáo rằng: Ngay cả trong một trường, bộ môn này thừa, bộ môn kia lại thiếu giáo viên nhưng không thể lấy thầy cô ở bộ môn này thế sang bộ môn khác được.

Cho nên, tôi càng thấy quyết định này của Bộ Chính trị là rất kịp thời, giúp cho nhu cầu đặt hàng của các tỉnh đối với các trường sư phạm sẽ được mạnh mẽ hơn”, thầy Lân chia sẻ.

Để quyết định trên có thể đi vào thực tiễn, thầy Đoàn Đức Lân kiến nghị các cấp lãnh đạo, quản lý đảm bảo nguồn lực tài chính để hỗ trợ các trường thực hiện thành công quyết định này. Bên cạnh đó, theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục Đại học, các trường nhất thiết phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Điều này phụ thuộc vào quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản trị cùng chất lượng của đội ngũ giảng viên.

Kim Sơn