Đi dạy hơn 10 năm, lương hơn 4 triệu thì thầy cô sống sao nổi?

23/08/2022 06:26
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người trẻ ngày càng không muốn vào sư phạm, người có thâm niên lâu năm lại tìm cách muốn ra khỏi ngành.

Trường tôi chỉ có 25 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Thế nhưng chỉ trong một năm mà trường tôi đã có 3 giáo viên xin về hưu trước tuổi theo Nghị định 143/2020/NĐ-CP.

Năm học 2021-2022, có 2 giáo viên cũng đề đạt nguyện vọng xin được về hưu trước tuổi. Do giáo viên hiện thiếu khá nhiều, có trường thiếu hẳn 5 giáo viên chủ nhiệm (chưa nói đến các giáo viên dạy môn chuyên như Tin học, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật) nên nhà trường vẫn chưa giải quyết.

Nhìn sang các trường bạn cũng cùng chung cảnh ngộ. Thiếu giáo viên, chiêu sinh không được mà nhiều thầy cô giáo vẫn tiếp tục có nguyện vọng xin được về hưu trước tuổi.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Đứng trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, ngành chức năng đã ra thông báo tuyển giáo viên. Thế nhưng, hồ sơ xin đi dạy khá ít (có thời gian gần như không có hồ sơ ứng tuyển).

Người trẻ ngày càng không muốn vào sư phạm, người có thâm niên lâu năm lại tìm cách muốn ra khỏi ngành.

Đi dạy 10 năm lương hơn 4 triệu đồng thì sống sao nổi?

Tôi có người quen vừa học xong đại học. Tôi đã giới thiệu cho người này gửi hồ sơ vào một trường trung học cơ sở điểm của thị xã (nộp hồ sơ xong là đi dạy ngay) vì môn em dạy đang rất thiếu giáo viên.

Tuy thế, em đã thẳng thắn từ chối mà nói rằng: “Đi dạy cả ngày mà lương tháng chỉ hơn 3 triệu đồng lại biết bao áp lực nên con ở nhà bán trà sữa sướng hơn”.

Cô giáo M. giáo viên dạy tại một trường trung học cơ sở cho biết: "Em ra trường đã 10 năm nhưng lương thực nhận chỉ 4 triệu lẻ vài chục ngàn đồng. Cứ 3 năm tăng lương một lần mà mỗi lần cũng chỉ tăng từ 200 đến 300 ngàn đồng là nhiều".

Trường hợp như cô giáo M. cũng không phải là ít, thực trạng dù thiếu giáo viên nhưng để thi đỗ vào biên chế (hợp đồng dài hạn) cũng không hề đơn giản. Bởi thế, nếu cứ mãi gắn mác giáo viên hợp đồng thì đồng lương vẫn khó mà cải thiện.

Giáo viên trẻ ít mặn mà với nghề cũng vì khó thi đỗ viên chức

Nhiều năm về trước, ngành giáo dục tại địa phương tôi công tác (một tỉnh ở Nam Trung Bộ) không phải thi vào biên chế. Giáo sinh cứ học ra trường, nộp hồ sơ ứng tuyển là được phân công về trường giảng dạy.

Sau thời gian tập sự theo quy định (12 tháng, 18 tháng tùy cấp) là giáo viên được xét ký hợp đồng dài hạn. Kể từ ngày được công nhận là giáo viên chính thức, sau 2 năm (đối với giáo viên tốt nghiệp trung cấp, 3 năm với giáo viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học) các thầy cô được tăng lương theo quy định.

Dù mức lương thấp, mỗi lần tăng lương cũng không nhiều (khoảng vài trăm ngàn đồng) nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn bám trụ với nghề vì ổn định.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giáo sinh ra trường khi được phân công về các trường giảng dạy cũng chỉ là giáo viên hợp đồng. Có người may mắn khi vừa ra trường được tham dự kỳ thi tuyển viên chức, có người phải vài ba năm sau mới được dự thi (do địa phương chưa tổ chức).

Người may mắn đỗ liền, người lại trượt hết lần này đến lần khác nên nhiều thầy cô đã bỏ nghề đi làm việc khác. Và nhiều năm liền, có người vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng, mà đã hợp đồng thì lương tăng không theo quy định, nó phụ thuộc nhiều vào mỗi hiệu trưởng nên có người mới đi dạy lại lương cao hơn người đi dạy trước.

Dù không đỗ kỳ thi viên chức, chỉ là giáo viên hợp đồng nhưng nhiều thầy cô giáo lại là giáo viên dạy giỏi cấp thị, cấp tỉnh.

Nhiều thầy cô có chuyên môn cao, có năng lực sư phạm vững vàng, là nòng cốt của trường, của huyện. Những giáo viên như thế mà buộc phải bỏ nghề cũng thật sự đáng tiếc cho ngành giáo dục.

Tin vui cho giáo viên hợp đồng

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, giáo viên hợp đồng có thể được xét đặc cách vào viên chức ngành giáo dục (không qua thi tuyển) khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;

- Trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không kể thời gian thử việc, nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn);

- Ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật giảng dạy trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. [1]

Ngay sau khi Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực cũng đã có rất nhiều giáo viên trong địa phương được hưởng sự ưu đãi này.

Thu hút giáo viên trẻ, tạo điều kiện cho giáo viên thâm niên được nghỉ hưu trước tuổi

Quy định xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng (không qua thi tuyển) thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, nhà nước ta đối với các thầy cô giáo trong ngành giáo dục.

Sắp tới đây, khi loạt Thông tư 01-04 TT-BGDĐT sửa đổi có hiệu lực, giáo viên sẽ phân thành các hạng thì hạng I có mức lương khởi điểm khá cao (từ 4.40 đến 6.78).

Tuy nhiên, để được xếp vào giáo viên hạng I không hề đơn giản chút nào. Ngoài những yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp, năng lực chuyên môn thì các thầy cô giáo phải đảm bảo thời gian giữ hạng chức danh.

Ví như, giáo viên đang ở hạng III, muốn chuyển sang hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Vì thế, để đạt được giáo viên hạng I, giáo viên sớm nhất cũng phải có gần 20 năm thâm niên nghề.

Bởi thế, mong ước của nhiều thầy cô giáo lúc này, ai có đủ bằng cấp, chứng chỉ đúng quy định, có đủ năng lực chuyên môn, đủ phẩm chất đạo đức đều có thể được đăng ký dự xét tuyển thăng hạng mà không phải chờ đủ số năm công tác như quy định hiện nay.

Có thế, mới thu hút được người trẻ vào ngành. Khi đã có nhiều người trẻ vào ngành thì người lớn tuổi, người có thâm niên công tác cũng sẽ được tạo cơ hội cho về hưu trước tuổi (theo yêu cầu) mà không phải khó khăn xin nghỉ như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Nghi-dinh-161-2018-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-cong-vien-chuc-thuc-hien-che-do-hop-dong-336803.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương