Kể từ 01/01/2021 nhiều giáo viên công tác tại vùng biên giới, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn không còn nhận được phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút,… cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn do chính sách vùng khó khăn chỉ có quyết định công nhận giai đoạn 2015-2020, năm 2021 chưa ban hành danh mục vùng khó khăn nên có nhiều giáo viên thắc mắc, ý kiến về tòa soạn.
Một bạn đọc có tên T.L có địa chỉ mail là ly …..@gmail.com gửi thư về tòa soạn nội dung như sau:
“Xin chào ban biên tập Toà soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tôi là một giáo viên tiểu học, hiện đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc, vùng xã đặc biệt khó khăn tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Giai đoạn 2015-2020 chúng tôi được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
Đến đầu năm 2021 do địa phương xác định lại xã đặc biệt khó khăn mới nên tạm dừng, không cho chúng tôi hưởng tiếp chính sách cũ.
Tới trung tuần giữa tháng 01 năm 2021 thì Thủ tướng chính phủ ký công văn hoả tốc số 72/2021/QĐ-Ttg về việc tiếp tục hưởng chế độ chính sách dân tộc đến khi có quyết định mới (Điều 1).
Tới thời điểm hiện tại nhà giáo chúng tôi vẫn chưa nhận được phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút và một số quyền lợi khác của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn theo quy định trên.
Vậy xin hỏi toà soạn:
1. Chúng tôi đang công tác tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, năm 2021 chúng tôi còn được hưởng phụ cấp vùng khó khăn không?
2. Chính sách cụ thể như thế nào?
3. Đến khi nào chúng tôi sẽ được nhận các khoản phụ cấp trên theo Quyết định 72/2021/QĐ-Ttg?
Rất mong ban biên tập trả lời thư sớm nhất. Thành thật cảm ơn. Trân trọng kính chào!”
Năm 2021, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng phụ cấp thu hút. (Ảnh minh họa: L.C/ Giaoduc.net.vn) |
Câu hỏi của bạn gồm 3 phần, với hiểu biết của bản thân, căn cứ các quy định của pháp lý người viết xin được phép tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, năm 2021 giáo viên công tác tại xã Lai Hòa tiếp tục được hưởng trợ cấp vùng đặc biệt khó khăn.
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là xã thuộc khu vực III được hưởng các chính sách của vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Do đó, cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giáo viên công tác tại xã Lai Hòa sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút,… vùng khó khăn theo quy định hiện hành kể từ năm 2021 theo Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến khi có quyết định mới như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Quyết định 72/QĐ-TTg năm 2021 như sau:
“Điều 1. Các xã, thôn được phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến khi Quyết định phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của cấp có thẩm quyền được ban hành và có hiệu lực.”
Như vậy, xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng năm 2021 vẫn được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Thứ hai, chính sách giáo viên vùng khó khăn thụ hưởng tiếp từ năm 2021.
Chính sách ưu đãi đối với giáo viên công tác tại xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng được quy định tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP. Cụ thể gồm các khoản phụ cấp sau:
Phụ cấp thu hút
Tại “Điều 4. Phụ cấp thu hút
Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).”
Như vậy, nếu bạn công tác tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nếu bạn chưa nhận đủ 05 năm (60 tháng) phụ cấp thu hút 70% mức lương hiện hưởng thì bạn tiếp tục nhận phụ cấp thu hút 70% mức lương hiện hưởng cho đến khi đủ 60 tháng.
Phụ cấp lâu năm vùng khó khăn
Tại “Điều 5. Phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:
Mức 0,5 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;
Mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;
Mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.”
Như vậy, tùy thuộc vào thời gian công tác, giáo viên làm việc tại các khu vực miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể được mức phụ cấp công tác lâu năm đến một tháng lương cơ sở mỗi tháng.
Bạn xem mình đã công tác tại vùng khó khăn bao lâu để biết chính xác mức phụ cấp lâu năm của mình được hưởng.
Phụ cấp ưu đãi nghề
Tại “Điều 11. Phụ cấp ưu đãi theo nghề
Phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này, gồm:
Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm: Trạm y tế cấp xã; Trạm y tế cơ quan, trường học; Phòng khám đa khoa khu vực; Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế, Bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên;[…]”
Như vậy bạn giáo viên dạy học ở miền núi là các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định trên sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng mức 70% mức lương hiện hưởng không kể thời gian công tác.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp khác như:
Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác
Tại “Điều 6. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau:
Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:
a) Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách);
b) Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
Các khoản trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”
Phụ cấp lưu động như sau:
Tại “Điều 12. Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
1. Phụ cấp lưu động
Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương cơ sở.
2. Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số
Nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).”
Ngoài ra, giáo viên làm việc tại các khu vực miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu tại Điều 8 Nghị định 76/2019/NĐ-CP và cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại Điều 10 Nghị định 76/2019/NĐ-CP.
Nói tóm lại, nếu bạn tiếp tục công tác tại trường thuộc xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng thì bạn sẽ được tiếp tục thụ hưởng các chính sách dành cho cán bộ, công chức, viên chức hiện hành gồm phụ cấp thu hút nếu chưa nhận đủ 60 tháng, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp lâu năm vùng khó khăn,…
Thứ ba, kể từ năm 2021, bạn và các giáo viên tại trường chưa được nhận các khoản phụ cấp, trợ cấp thì bạn liên hệ Hiệu trưởng, bộ phận tổ chức, kế toán Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu để được giải quyết.
Thông qua bài viết, kính mong đơn thư yêu cầu của bạn đọc về giải quyết chế độ trợ cấp, phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn năm 2021 được chuyển đến Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng giải quyết theo quy định của pháp luật.
Một số thông tin gửi đến bạn để tham khảo. Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp sẽ có cách áp dụng khác nhau.