Thời gian qua, bài toán thiếu giáo viên vẫn đang là thách thức chung của ngành giáo dục, một số địa phương thậm chí gặp phải tình trạng giáo viên nghỉ việc do lương không đáp ứng cuộc sống.
Ngành giáo dục và đào tạo Tuyên Quang tuy không có giáo viên nghỉ việc do lương thấp, song, cũng gặp tình trạng giáo viên thiếu càng thêm thiếu do giáo viên nghỉ việc vì những lý do khác.
Cụ thể, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thu Nga - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang) cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cơ bản không xảy ra tình trạng giáo viên nghỉ việc do lương không đáp ứng. Tuy nhiên, cá biệt cũng có trường hợp giáo viên nghỉ việc nhưng không phổ biến. Năm học 2021-2022, đơn vị trực thuộc Sở quản lý có 03 giáo viên thôi việc, trong đó có 02 trường hợp sức khỏe yếu (01 giáo viên bị bệnh hiểm nghèo nhiều năm xin thôi việc và 01 giáo viên nghỉ việc theo gia đình chuyển về Hà Nội)”.
Bà Trần Thu Nga - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang). (Ảnh: NVCC). |
Trong lúc nhiều địa phương còn gặp khó trong tuyển dụng giáo viên theo quy định được cho là “quá khắt khe” tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phân tích một số khó khăn cụ thể trong tuyển dụng tại tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, bà Trần Thu Nga cho biết: “Về thực tiễn triển khai chính sách thu hút theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ Quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cho thấy:
Giai đoạn 2016-2021, thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 về Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức đi đào tạo nâng cao trình độ sau đại học, giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ; ngành giáo dục đã thu hút được hơn 40 thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, loại xuất sắc về công tác tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh trong đó, có 03 sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và đạt giải quốc gia được thu hút theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP (năm 2021, đã tuyển dụng 02 sinh viên, hiện đang thực hiện quy trình tuyển dụng 01 sinh viên).
Công tác thu hút nguồn nhân lực luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các Nghị quyết về cơ chế chính sách thu hút riêng của tỉnh.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên cơ chế chính sách thu hút người có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc về tỉnh công tác chưa được nhiều”.
Kỳ xét tuyển viên chức ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang tháng 8/2022. (Ảnh: Sở GD&ĐT Tuyên Quang cung cấp). |
Về yêu cầu của Nghị định, vị Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang) cũng chỉ rõ, tại khoản 1, 2, 3 Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP quy định đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ:
(1) Đối với quy định tại khoản 1: Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học), Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông;
Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học;
Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Từ thực tế tuyển dụng cho thấy, đối với quy định điều kiện: “Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc… có kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học” là khó khăn, vì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên bao gồm 6 loại: Loại xuất sắc (điểm từ 90 đến 100 điểm); Loại giỏi (từ 80 đến 90 điểm rèn luyện); Loại khá (70-80 điểm); Loại trung bình khá (60-70 điểm); Loại trung bình, loại yếu (điểm từ 30 đến 50); Loại kém (dưới 30 điểm).
Kiến nghị sửa thành: “Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc... có kết quả học tập, rèn luyện giỏi, xuất sắc các năm học của bậc đại học”.
Tập huấn giáo viên trước thềm năm học mới, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: Sở GD&ĐT Tuyên Quang cung cấp). |
(2) Đối với quy định tại khoản 2 người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:
a) Đạt tiêu chuẩn quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này;
b) Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học.
Kiến nghị sửa điểm b thành: Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, có chuyên ngành đào tạo sau đại học cùng ngành đào tạo ở bậc đại học hoặc ngành khác phù hợp trong cùng một nhóm ngành theo quy định.