Xóa điểm trường lẻ giải quyết thừa thiếu GV nhưng tăng áp lực về số HS bán trú

08/09/2022 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Triển khai chương trình GDPT mới, các trường vùng núi đẩy mạnh giảm điểm trường lẻ để đáp ứng yêu cầu đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo. 

Chủ trương đưa học sinh về trường trung tâm, giảm điểm trường lẻ vừa giúp các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, vừa góp phần giải quyết thừa, thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Trường chính cách điểm trường lẻ 3km nhưng không tiến hành sáp nhập

Trước đây, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện giao thông chủ yếu là đường đất, học sinh đi bộ đến trường rất xa và vất vả. Do đó, việc mở các điểm trường lẻ gần khu dân cư nhằm vừa đảm bảo quyền học tập của trẻ, vừa tạo cơ hội xóa mù chữ cho người lớn.

Hiện nay, những địa phương có mạng lưới giao thông, đường xá nâng cấp, thì việc xóa điểm trường lẻ là việc làm cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đặc biệt, trong bối cảnh thiếu giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc đưa học sinh về trường chính sẽ góp phần không nhỏ trong giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Trường Tiểu học Sử Pán, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: NVCC).

Hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Trường Tiểu học Sử Pán, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Đăng Chí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sử Pán (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Khi tiến hành sáp nhập các điểm trường lẻ, đưa học sinh về trường chính, học sinh sẽ có môi trường học tập như nhau, đảm bảo tính công bằng và chất lượng giáo dục đào tạo nâng lên.

Hiện tại, Trường Tiểu học Sử Pán còn 1 điểm trường lẻ được xây dựng gần thôn, bản để dạy cho học sinh lớp 1, 2. Còn học sinh lớp 3, 4, 5 đã di chuyển về trường chính để tham gia học tập”.

Cũng theo thầy Hiệu trưởng, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp phải phù hợp điều kiện từng địa phương. Đối với nhà trường, dù khoảng cách giữa trường chính và điểm trường lẻ chỉ 3km nhưng không thể tiến hành sáp nhập.

Lý giải nguyên nhân, thầy Hiệu trưởng chia sẻ: "Không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để đưa, đón con đi học, mà chủ yếu các em sẽ tự đi bộ. Học sinh lớp 1, 2 còn bé nên việc tự di chuyển đến trường chính sẽ rất xa và gây nhiều khó khăn cho cả thầy, trò, phụ huynh. Do đó, điểm trường lẻ vẫn được duy trì hoạt động".

Chưa kể, theo thầy Hiệu trưởng, học sinh về trường chính sẽ ở bán trú. Tuy nhiên, do trường chưa đáp ứng đủ điều kiện chỗ ăn, ở cho tất cả các khối lớp, nên chưa thể tiến hành tập trung học sinh lớp 1, 2 về trường.

Việc quy hoạch trường, lớp được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo từ 3 năm nay và cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhất là đội ngũ giáo viên đảm bảo. Tuy nhiên, trường gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất khi dạy môn Tiếng Anh và Tin học bắt buộc với lớp 3.

“Nhờ làm tốt công tác gộp trường, năm học 2022-2023, trường có định mức 1,57 giáo viên/lớp ở cả trường chính và lẻ.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường có 2 giáo viên Tiếng Anh và 1 giáo viên Tin học. Song, trường không có phòng học chuyên biệt, thiết bị dạy môn Tiếng Anh.

Trường có 15 bộ máy tính phục vụ môn Tin học. Tuy nhiên, số lượng máy chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học cho sĩ số mỗi lớp từ 27-30 học sinh.

Dù thiếu máy tính, nhưng trường sẽ không cho học sinh học chung máy, mà đến tiết học, giáo viên sẽ chia nửa lớp để học thực hành ở phòng máy, nửa còn lại học lý thuyết tại lớp, để các em đều được tiếp cận môn học. Giáo viên Tin học sẽ phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm để quản lý lớp”, thầy Nguyễn Đăng Chí chia sẻ.

Trước đây, khi học sinh lớp 3, 4, 5 chưa về trường chính thì công tác dạy học ở điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên thiếu, sĩ số ít, nên trường phải ghép lớp 2 học chung lớp 3 để thành 1 lớp, gọi là lớp ghép. Chính vì thế, chuyển học sinh lớp 3, 4, 5 về trường chính cũng là cơ sở, tiền đề để củng cố đội ngũ giáo viên, đảm bảo điều kiện dạy học hiệu quả.

Sĩ số đông sẽ khó gộp hay xóa điểm trường lẻ

Trao đổi về vấn đề này, thầy Trần Duy Cảnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Núi Thành (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Chủ trương gộp, xóa điểm trường lẻ được huyện triển khai từ năm 2018. Đến nay, huyện đã gộp 6 trường tiểu học thành 3 trường và 2 trường mầm non thành 1 trường. Còn lại một số điểm trường lẻ cấp tiểu học không gộp được do sĩ số đông. Chỉ những điểm trường có sĩ số dưới 30 học sinh/lớp thì sẽ mới tiến hành gộp trường và ngược lại”.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Sử Pán ở điểm trường chính. (Ảnh: website Nhà trường).

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Sử Pán ở điểm trường chính. (Ảnh: website Nhà trường).

Trước đây, khi chưa tiến hành gộp các điểm trường lẻ, các trường này gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học. Vấn đề nan giải nhất là lớp học đơn sơ, thiếu phòng học chuyên, phòng thực hành, giáo viên phải phân tán các điểm trường hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy. Song, sau quá trình nỗ lực gộp điểm trường, xóa điểm trường lẻ đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục và đào tạo.

“Thứ nhất, gộp điểm trường góp phần tinh giản được số lượng cán bộ giáo viên, nhân viên. Đồng thời, tránh việc phân tán giáo viên ở các điểm trường.

Thứ hai, các điểm trường lẻ gộp lại sẽ đảm bảo kinh phí đầu tư và hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất được tốt hơn.

Hơn nữa, hiện nay, giao thông thuận lợi nên học sinh đi học ở trường chính dễ dàng hơn. Do đó, các em sẽ được tiếp cận, sử dụng cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ hơn”, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Núi Thành cho biết thêm.

Cũng theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Núi Thành, những điểm trường lẻ không tiến hành gộp được do sĩ số đông thì tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ như các điểm trường chính.

“Về đội ngũ giáo viên, năm học 2022-2023, toàn huyện thiếu 125 chỉ tiêu biến chế ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tuy nhiên, công tác tuyển dụng còn chậm. Đối với cấp tiểu học, giải pháp được áp dụng từ năm học trước đến nay là phân công giáo viên dạy tăng số tiết”, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Núi Thành thông tin thêm.

Có thể thấy, việc quy hoạch trường, lớp là “cuộc cách mạng” khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của các tỉnh miền núi. Song, bên cạnh những thuận lợi, đối với các trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc xóa điểm trường lẻ sẽ dẫn tới tăng số lượng học sinh bán trú ở trường chính. Vấn đề đặt ra là không phải trường nào cũng đạt đủ điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.

Thực tế chứng minh, hiện nay, vẫn có không ít trường dù thực hiện các quy trình quản lý và chăm sóc học sinh như các trường bán trú, nhưng không được công nhận là mô hình trường bán trú. Công việc của cán bộ quản lý, giáo viên nặng nề, áp lực nhưng không được nhận hỗ trợ dẫn tới thiệt thòi, ảnh hưởng đến quyền lợi.

Ngoài ra, có trường chính dù đang áp dụng mô hình bán trú nhưng chỉ đủ cơ sở vật chất, thiết bị, phòng nghỉ, nhân lực giáo viên, nhân viên phục vụ số lượng học sinh khối lớp 3, 4, 5. Do đó, học sinh khối 1, 2 ở các điểm trường lẻ dù muốn sáp nhập về trường chính cũng là thử thách do trường không đảm bảo đủ số phòng, cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân lực để chăm sóc.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực đặc thù, chính vì thế, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, cũng như sắp xếp đội ngũ giáo viên cũng phải theo nguyên tắc nơi nào có người học thì tất yếu phải có trường và giáo viên đạt chuẩn.

Trước đây, khi vùng núi còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, việc mở các điểm trường lẻ là vô cùng hợp lý. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thì việc sáp nhập, giảm điểm trường lẻ là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của mỗi địa phương.

Song, nếu không sắp xếp số lượng, quy mô trường, lớp phù hợp với điều kiện từng địa phương và gắn với việc bố trí giáo viên, thì rất dễ xảy ra tình trạng xóa điểm trường lẻ dẫn tới một bộ phận học sinh khó được đến trường, cơ cấu giáo viên chưa hợp lý như thực tế trước đó từng xảy ra.

Ngọc Mai