Phụ huynh có tư tưởng con lớn thì ở nhà bế em, thầy cô vất vả vận động HS đi học

03/09/2022 06:49
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thầy Lê Đình Chuyền: Mới có 40-50% học sinh ra lớp, nhà trường vẫn đang tiếp tục tiến hành công tác vận động phụ huynh học sinh cho con ra lớp.

Những ngày này, các trường học trên cả nước đều đang gấp rút công tác chuẩn bị năm học mới. Đặc biệt, ở các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thầy cô giáo vừa chuẩn bị sẵn sàng các nội dung dạy học vừa góp sức chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tu sửa, dọn dẹp trường lớp khang trang…để đón học sinh trở lại vào ngày khai giảng.

Do điều kiện đặc thù, công tác vận động học sinh trở lại trường đúng thời gian quy định cũng luôn luôn được chú trọng.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có 580 học sinh, trong đó có 117 em học sinh lớp 1 chia thành 6 lớp.

Đối với học sinh đầu cấp, từ ngày 22/8, các em đã bước vào tuần học tập đầu tiên, đối với các khối lớp 2, 3, 4, 5 thì ngày 29/8 tập trung trở lại trường. Riêng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã có mặt đầy đủ từ 1/8 để cùng bắt tay vào công tác chuẩn bị cơ sở vật chất. Những công việc chính là dọn dẹp phòng ở nội trú, vệ sinh giường chiếu, làm sạch chăn màn cho học sinh bán trú, làm sạch bếp ăn, kiểm tra và ổn định đường điện, nước,...

Cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà làm sạch chăn màn cho học sinh bán trú. Ảnh: NTCC

Cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà làm sạch chăn màn cho học sinh bán trú. Ảnh: NTCC

“Giáo viên vùng cao luôn cố gắng tự mình làm lấy nhiều việc trong công tác chuẩn bị năm học mới. Kinh phí tu sửa đầu năm rất hạn hẹp chứ nếu thuê nhân công thì trường không đủ kinh phí…”, thầy Chuyền chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà cho hay, để đảm bảo học sinh tới trường tập trung và học tập đầy đủ, công tác vận động học sinh ra lớp đã được nhà trường triển khai hơn một tuần nay.

Từ buổi tựu trường ngày 29/8, mới có 40-50% học sinh ra lớp, còn lại đối với các em chưa tới đúng lịch, nhà trường tiếp tục vận động phụ huynh cho con ra lớp. Một số phụ huynh đồng ý và đảm bảo ngày 3/9 sẽ đưa con tới trường để con được dự lễ khai giảng và học tập tại trường.

“Số lượng học sinh ra lớp đúng lịch của nhà trường năm nay ít hơn năm ngoái. Vì thời điểm này năm ngoái dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, gia đình học sinh không đi làm những công việc ở xa. Tuy nhiên năm nay khi dịch đã đỡ hơn, gia đình học sinh đi làm nương xa, nhiều gia đình rời bản nên thầy cô tìm được để vận động học sinh ra lớp cũng rất khó.

Chưa kể, có một số trường hợp phụ huynh không ủng hộ việc cho con đi học với những lí do như: là con gái nên ở nhà bế em, giúp đỡ gia đình. Với những phụ huynh có tư tưởng như vậy, các thầy cô của trường phải đến vận động thường xuyên, thuyết phục nhiều lần.

Đặc biệt, năm 2022 -2023, nhà trường sẽ đón các em học sinh lớp 3 tại điểm bản Huổi Mắn - có khoảng cách xa trung tâm nhà trường hơn 30 km - về điểm trường chính để thuận lợi cho việc học tiếng Anh và Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện tại, điểm bản này có 32 học sinh lớp 3, việc huy động học sinh từ điểm trường bản ra lớp ở điểm trường chính gặp nhiều trở ngại. Vì nhiều phụ huynh cho rằng con còn nhỏ, không thể cho đi học xa nhà.

Với những trường hợp thầy cô giáo vận động nhưng gia đình chưa đồng ý, nhà trường sẽ làm báo cáo tổng hợp gửi ủy ban nhân dân xã, ủy ban sẽ họp với các trưởng thôn, bản, huy động đông đủ các đoàn thể đi vận động cho trẻ đến trường”, thầy Chuyền cho hay.

Giáo viên đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: NTCC

Giáo viên đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Ảnh: NTCC

Các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà họp với phụ huynh ở điểm bản Huổi Mắn để vận động cho học sinh ra lớp ở điểm trường chính. Ảnh: NTCC

Các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà họp với phụ huynh ở điểm bản Huổi Mắn để vận động cho học sinh ra lớp ở điểm trường chính. Ảnh: NTCC

Ngoài việc chú trọng vận động học sinh ra lớp đầy đủ vào đầu năm học mới, theo thầy Chuyền, công tác duy trì sĩ số lớp học trong năm học cũng là việc cần thiết.

“Khi đã vận động được các em ra lớp, các thầy cô cần phải tập trung quan tâm đến các em không chỉ trong việc học mà còn cả trong việc ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi của từng học sinh. Nếu không quan tâm thì các em sẽ nhanh nản và chắc chắn các em lại đòi về nhà”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà nói.

Cùng là trường vùng cao, thầy Lò Văn Thại, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cho biết, năm nay, trường có 854 học sinh, chia làm 33 lớp, trong đó tiểu học có 23 lớp, còn lại là lớp cấp trung học cơ sở.

Tại buổi tựu trường ngày 29/8, tổng số học sinh có mặt đạt hơn 50%, tuy nhiên tính đến ngày 31/8 số lượng học sinh ra lớp đạt 62%, có được con số này nhờ sự nhiệt tình vận động học sinh ra lớp của các thầy cô giáo.

“Có những gia đình không ở tại bản mà đi làm nương rất xa, những gia đình đó thường khó khăn và không có phương tiện liên lạc. Đối với những trường hợp này, giáo viên được phân công phụ trách học sinh theo bản hoặc được phân nhóm đi vận động sẽ tìm đến sự hỗ trợ của trưởng bản, bí thư chi bộ của bản đó hoặc người dân lân cận để thông tin cho phụ huynh và học sinh đến trường, đến lớp theo thông báo của nhà trường.

Đặc biệt, đường xá ở vùng này khá hiểm trở, đi lại vô cùng khó khăn, đây cũng là một trở ngại trong công tác vận động học sinh ra lớp của đội ngũ giáo viên”, thầy Thại nói.

Năm nay, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với lớp 3, môn học tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc. Với đặc trưng là trường vùng cao, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đến thời điểm hiện tại, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng vẫn chưa có giáo viên tiếng Anh và Tin học dạy lớp 3.

Để đáp ứng được việc giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, trong năm học tới với những bộ môn còn thiếu giáo viên sẽ tiến hành dạy học trực tuyến, kết nối dạy liên trường.

Trần Lý