Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng như vậy! Lực lượng Thanh tra Sở hiện tại 100% đều là cán bộ quản lý, giáo viên chuyển sang. Vốn xuất phát thuần túy là từ chuyên môn, nên khi chuyển sang làm nhiệm vụ thanh tra không tránh khỏi những khó khăn
Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm học 2022-2023 được tổ chức ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đề cập đến một số khó khăn trong công tác thanh tra của các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: “Thanh tra Sở thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo nên luôn được Sở quan tâm, chú trọng.
Hiện tại, Thanh tra Sở có 05 người (bao gồm 01 Chánh Thanh tra, 01 Phó Chánh Thanh tra, 03 chuyên viên. Trong đó, có 01 người đã được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính, 03 người đã được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên và 01 công chức).
Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. (Ảnh: laichau.edu.vn). |
Hằng năm, căn cứ các văn bản hướng dẫn của cấp trên và nhiệm vụ của ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thanh tra. Trung bình mỗi năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành khoảng 6-8 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 100% các kỳ thi thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, còn tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý”.
Liên quan đến những khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu chia sẻ về thực tiễn công tác thanh tra tại địa phương. Cụ thể:
Thứ nhất, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chỉ ra những khó khăn trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Đúng là theo mô hình hiện nay đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước nói chung và Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu nói riêng, mỗi phòng chuyên môn, nghiệp vụ được giao tham mưu một lĩnh vực riêng.
Chẳng hạn, Phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên và Chuyên nghiệp được giao tham mưu trong công tác chỉ đạo về chuyên môn về lĩnh vực trung học, giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp; Phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học được giao tham mưu trong công tác chỉ đạo về chuyên môn ở cấp tiểu học, mầm non... Mỗi lĩnh vực do một Phó Giám đốc Sở phụ trách, điều hành.
Lãnh đạo Sở luôn chú trọng và đã chỉ đạo một cách xuyên suốt, thống nhất giữa các phòng chuyên môn về thực hiện nhiệm vụ, trong đó hoạt động thanh tra với phương châm: Trung thực, thẳng thắn, công khai và khách quan nhằm giúp cho lãnh đạo thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành công tác giáo dục của tỉnh nhà.
Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo là phòng nghiệp vụ do Giám đốc Sở trực tiếp phụ trách chỉ đạo.
Trong quá trình chỉ đạo, Giám đốc Sở luôn quán triệt lực lượng thanh tra phải có tư tưởng chính trị vững vàng; phải công tâm, khách quan, bản lĩnh trong khi thực hiện nhiệm vụ; trong thanh tra không “nể nang”, không “né tránh”... kịp thời phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hằng năm, trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Sở, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở luôn thực hiện tốt việc phối hợp trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm chú trọng vào nhiệm vụ trọng tâm của năm học tránh chồng chéo nhiệm vụ các phòng chuyên môn và có sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.
Những vấn đề nóng, phức tạp phát sinh sẽ được thanh tra, kiểm tra. Sau thanh tra, các kết luận đều được gửi đến lãnh đạo Sở, các phòng chuyên môn nghiệp vụ có liên quan để tiếp tục quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo.
Thứ hai, tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra các Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay chủ yếu là đội ngũ giáo viên chuyển sang, trong khi đó, trong nội dung các cuộc thanh tra không chỉ có chuyên môn mà còn có nhiều vấn đề khác như: tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất…
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng như vậy! Lực lượng Thanh tra Sở hiện tại 100% đều là cán bộ quản lý, giáo viên chuyển sang. Vốn xuất phát thuần túy là từ chuyên môn, nên khi chuyển sang làm nhiệm vụ thanh tra không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt, trong các cuộc thanh tra không đơn thuần chỉ có mỗi lĩnh vực về chuyên môn mà còn nhiều lĩnh vực như Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã phát biểu.
Do vậy, lãnh đạo Sở luôn yêu cầu cán bộ, công chức Thanh tra Sở phải luôn học hỏi, tích cực tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, cập nhật kịp thời các văn bản liên quan đến các lĩnh vực của ngành; đồng thời tạo điều kiện, bố trí, sắp xếp cho lực lượng này tham gia học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ do Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Chính phủ tổ chức.
Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: laichau.edu.vn). |
Tính đến nay, 05/05 thanh tra Sở đã tham gia lớp bồi dưỡng thanh tra viên, ngoài ra, các đồng chí còn tham gia các lớp thanh tra viên chính, lớp nghiệp vụ giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, lớp trưởng đoàn thanh tra..
“Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định công nhận đội ngũ cộng tác viên thanh tra hơn 100 người có chuyên môn về các lĩnh vực như tài chính, đội ngũ, cơ sở vật chất… để trưng tập tham gia các đoàn thanh tra của Sở” - ông Đinh Trung Tuấn cho biết.
Theo đó, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở và sự phối hợp tốt giữa các phòng ban, chuyên môn, công tác thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Các kết luận, quyết định xử lý đối với các vụ việc được đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện, góp phần giữ gìn kỷ cương của ngành, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Với tinh thần “thanh tra là giúp cho lãnh đạo thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành; không kiểm tra, không thanh tra là buông lỏng chức năng quản lý”.
Trong thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra” - vị Giám đốc Sở nhấn mạnh.