Không đồng bộ về thời gian khiến Thanh tra Sở GD gặp khó khi thanh, kiểm tra

30/09/2022 06:31
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khó khăn là việc xây dựng kế hoạch, tổng hợp báo cáo thanh, kiểm tra của ngành theo năm học, còn yêu cầu Thanh tra tỉnh lại theo năm hành chính.

Tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng có đề cập đến những khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn được lắng nghe chia sẻ từ cơ sở về những vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thanh, kiểm tra, từ đó, chủ động để xuất giải pháp, kiến nghị.

Bàn về nội dung này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thái Văn Út, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đã có chia sẻ tổng quát về những thành quả, cũng như chỉ ra một số thách thức, khó khăn trong xây dựng kế hoạch tổ chức, báo cáo tổng hợp thanh, kiểm tra từ thực tiễn năm học 2021-2022 và đầu năm học 2022-2023.

Theo chia sẻ của ông Thái Văn Út, những năm học gần đây, công tác thanh, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm, thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định của pháp luật.

Ưu điểm là sau các đợt thanh, kiểm tra chưa phát hiện sai sót

Ông Thái Văn Út cho hay: “Trong những năm học vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang được triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Quy trình thanh tra thực hiện theo Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ và các văn bản quy định khác có liên quan đến công tác thanh tra. Quy trình thực hiện một cuộc kiểm tra tiến hành theo quy định tại Mục số III, Thông tư số 24/TT-BGDĐT ngày 14/11/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục".

Ông Thái Văn Út, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, cùng đoàn thanh tra kiểm tra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại các điểm trường. (Ảnh: baohaugiang).

Ông Thái Văn Út, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, cùng đoàn thanh tra kiểm tra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại các điểm trường. (Ảnh: baohaugiang).

Trong năm học 2021-2022, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đã thực hiện tổng số: 5 cuộc thanh tra chuyên ngành và 2 cuộc kiểm tra.

Một là, các cuộc thanh tra tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc theo quy định và chưa phát hiện ra các sai phạm.

Năm học 2021-2022, dịch COVID-19 đã gây nhiều tác động không nhỏ đến ngành giáo dục, học sinh nghỉ học trực tiếp, chuyển sang dạy và học trực tuyến nhưng công tác thanh tra của ngành giáo dục tỉnh vẫn ghi nhận những kết quả đáng khích lệ.

Thanh tra kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2021-2022, đoàn thanh tra chưa phát hiện sai phạm nào tại các Hội đồng thi được thanh tra.

Thanh tra kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa cấp trung học phổ thông năm học 2021-2022 đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tốt, không có sai sót nghiêm trọng.

Thanh tra công tác dạy học trực tuyến đảm bảo đúng tiến độ triển khai, chưa ghi nhận sai phạm tại các trường trên địa các bàn huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh…

Thanh tra công tác quản lý chuyên môn đối với lớp 1, 2 và 6 tại các trường học trên địa bàn huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, thị xã Long Mỹ và thành phố Ngã Bảy cho thấy các đơn vị này thực hiện đúng, đầy đủ và khoa học theo kế hoạch.

Hai là, thực hiện các cuộc kiểm tra thường xuyên, liên lục, chú trọng công tác hành chính và công vụ, việc lựa chọn sách giáo khoa.

Trước thực tế công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, ngành giáo dục tỉnh rất quan tâm, bám sát chỉ đạo triển khai hiệu quả, đồng bộ.

Để đảm bảo tiến độ, chất lượng cải cách hành chính, Thanh tra sở tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính và công vụ tại các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Tại thời điểm kiểm tra, tổng gồm 13 đơn vị được lựa chọn chưa phát hiện có sai phạm.

Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 luôn được Sở chú trọng, tổ chức giám sát, kiểm tra. Theo đó, tiến hành tổ chức kiểm tra công tác lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Chi tiết tổng hợp cho thấy, có tổng 40 trường học đã kiểm tra, trong đó, 16 trường tiểu học, 16 trường trung học cơ sở và 8 trường trung học phổ thông (đã bao gồm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh).

Cũng theo chia sẻ của Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, công tác thanh tra, kiểm tra đã và đang được tổ chức, tiến hành thời điểm đầu năm học 2022-2023.

“Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu năm học 2022-2023, Thanh tra Sở đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trình Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phê duyệt.

Hiện tại, Sở đang thực hiện một cuộc kiểm tra theo kế hoạch đã được lãnh đạo Sở phê duyệt. Qua kiểm tra thực tế, đến thời điểm này, các đơn vị phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm trong công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện theo quy định”, Chánh Thanh tra Sở thông tin.

Nội dung đang được Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra trong năm học này cụ thể là: tiến hành kiểm tra công tác cải cách hành chính, thực hiện công vụ, thực hiện công khai. Kiểm tra việc thực hiện, thi hành quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc bảo quản, khai thác sử dụng cơ sở vật chất, tài sản công và các nguồn thu đầu năm học tại đơn vị.

Đến thời điểm này, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn đang được triển khai theo tiến độ kế hoạch đã được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

“Cánh tay nối dài” giúp lãnh đạo Sở thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý

“Năm học 2022-2023, qua quá trình thanh tra, kiểm tra ban đầu cho thấy, nhìn chung các đơn vị trực thuộc Sở, các cơ sở trường học đã thực hiện bài bản, nghiêm túc và đúng quy định”, ông Thái Văn Út nhận định.

Đánh giá về vai trò, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang trong thời gian vừa qua, ông Thái Văn Út chia sẻ, bộ phận Thanh tra Sở luôn là “cánh tay nối dài” thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các nhiệm vụ được giao, góp phần hỗ trợ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chỉ đạo kịp thời trong công tác quản lý.

Đặc biệt, quá trình thanh, kiểm tra của Thanh tra Sở còn góp phần phát hiện sớm những sai phạm, hạn chế tồn đọng, những điểm yếu, kém tại cơ sở, đơn vị. Từ đó, kịp thời đưa ra những giải pháp cấp bách, lâu dài, những góp ý thiết thực, phù hợp để mỗi đơn vị có phương án sửa sai, khắc phục nhanh chóng và hiệu quả, tránh lặp lại sai phạm tương tự.

Tuy nhiên, đây cũng là cách làm còn hạn chế, bởi thực tế, khi phát hiện ra những sai sót, yếu kém (nếu có) thì biện pháp mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở, góp ý sửa chữa nên còn mang tính chất nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe dẫn đến cá biệt còn xuất hiện đơn vị mắc lỗi (dù là lỗi nhỏ).

Khó khăn là chưa thống nhất kế hoạch và thời điểm tổng hợp báo cáo thanh, kiểm tra

Liên quan đến việc thực hiện giám sát Đoàn thành tra, Chánh Thanh tra Sở cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang thực hiện giám sát Đoàn thanh tra đúng theo Thông tư số 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thành tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Như vậy, sau khi thành lập Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải giám sát Đoàn thanh tra hoặc cử người giám sát.

“Thực tế triển khai trong những năm qua, việc thực hiện quy định này khá thuận lợi, chưa có vướng mắc gì, người ra quyết định thanh tra đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành hiệu quả, nghiêm túc công tác giám sát Đoàn thanh tra trong thời gian tới”, ông Thái Văn Út nói.

Cũng theo chia sẻ của Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, hiện tại, đội ngũ biên chế Thanh tra Sở gồm 4 người. Trong đó, 1 người được bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên chính còn lại được bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên. Trong số này, có 1 Chánh Thanh tra, 1 Phó Chánh Thanh tra.

“Lực lượng biên chế Thanh tra Sở chỉ có 4 nên lãnh đạo Thanh tra đã phân công, chia nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể nhằm đảm bảo hoàn thành tốt công việc được giao”, ông Thái Văn Út thông tin thêm.

Để bổ sung đội ngũ thanh tra và nâng cao chất lượng công tác thanh, kiểm tra, Thanh tra Sở đã tham mưu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang ban hành quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên thanh tra theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo mở 01 lớp bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra giáo dục, với tổng số 75 học viên tham gia.

Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang khẳng định: "Công tác tham mưu nhằm mục đích đảm bảo lực lượng thanh tra để hoàn thành nhiệm vụ thanh, kiểm tra theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục".

Bên cạnh những thuận lợi, Chánh Thanh tra Sở Thái Văn Út chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Theo vị Chánh Thanh tra, khó khăn nhất là công tác thanh tra chưa được thống nhất trong quá trình tổ chức, thời điểm báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, theo vị này, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổng hợp báo thanh tra theo chỉ đạo của ngành giáo dục thì tính theo năm học. Trong khi đó, yêu cầu của Thanh tra tỉnh lại là theo năm hành chính. Do vậy, từ quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, cho đến báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất đồng bộ về mặt thời gian.

Ngọc Mai