Giáo viên nêu nhiều băn khoăn xung quanh Sách Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo

18/10/2022 06:32
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng một bài thơ, một tác giả, nhưng lớp 4 các em học sinh vừa học là “Truyện cổ nước mình” nhưng lên đến lớp 6 lại có tên là “Chuyện cổ nước mình”.

Năm học 2022-2023, chúng tôi được phân công giảng dạy môn Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do Nguyễn Thị Hồng Nam làm chủ biên.

Mặc dù mới dạy được 6 tuần đầu tiên của năm học nhưng chúng tôi nhận thấy có nhiều chỗ còn băn khoăn về từ ngữ, cách trích dẫn thơ, cũng như giữa các cuốn sách cùng một tác giả, cùng một nhà xuất bản nhưng lại có sự mâu thuẫn với nhau về cách đặt câu hỏi.

Vì thế, khi giảng dạy tất nhiên sẽ gặp những khó khăn nhất định mà nhiều học trò đặt câu hỏi chúng tôi cũng rất khó trả lời vì nhiều học sinh bây giờ cũng rất bản lĩnh và thường thắc mắc những điều mà các em còn băn khoăn .

Những lúc như vậy, chẳng lẽ giáo viên lại nói sách giáo khoa dùng sai nên đành phải tìm cách trả lời cho phù hợp nhưng chúng tôi biết một số em học sinh chưa cảm thấy thỏa đáng khi nhận được những câu trả lời của thầy cô.

Trong tuyển tập "Thơ Việt Nam 1945-1985", Nhà xuất bản Văn học, năm 1985, bài thơ có tên là Truyện cổ nước mình (Ảnh minh họa: Báo VnExpress)

Trong tuyển tập "Thơ Việt Nam 1945-1985", Nhà xuất bản Văn học, năm 1985, bài thơ có tên là Truyện cổ nước mình (Ảnh minh họa: Báo VnExpress)

Băn khoăn giữa “chuyện cổ” và “truyện cổ” trong một bài thơ

Sách giáo khoa Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo có 2 tập, mỗi tập có 5 bài học lớn (chủ đề) và trong mỗi bài học này có 4 văn bản; phần thực hành tiếng Việt; phần viết, nói và nghe. Nhìn chung, sách giáo khoa Ngữ văn trình bày bắt mắt về hình thức, có bố cục rõ ràng theo từng chủ đề.

Tuy nhiên, ở bài 2 của sách Ngữ văn 6 có chủ đề “Miền cổ tích” và ngay phần tri thức ngữ văn của bài học, các tác giả đã viết và định nghĩa về “truyện cổ tích” như sau:

Truyện cổ tích là thể loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật. Truyện cổ tích thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Cốt truyện cổ tích thường có yếu tố hoang đường, kì ảo…”

Đối với phần viết, nói và nghe cũng đều yêu cầu học sinh viết, nói và nghe về một truyện cổ tích.

Thế nhưng, phần đọc kết nối chủ điểm của chủ đề này lại có bài thơ Chuyện cổ nước mình của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mà trong bài thơ này, tác giả bài thơ đã đề cập đến nhiều ý thơ đến các tích của truyện cổ tích xưa bằng những câu thơ như: “Thị thơm thì giấu người thơm” (truyện cổ tích Tấm Cám); “Đậm đà cái tích trầu cau” (truyện cổ tích Sự tích trầu cau).

Chỉ có mấy dòng chữ nhưng "chuyện" và "truyện" không đồng nhất, (ảnh chụp từ sách Ngữ văn 6 - bộ Chân trời sáng tạo)

Chỉ có mấy dòng chữ nhưng "chuyện" và "truyện" không đồng nhất,

(ảnh chụp từ sách Ngữ văn 6 - bộ Chân trời sáng tạo)

Điều chúng tôi băn khoăn nhất là cũng bài thơ được chọn vào tuyển tập "Thơ Việt Nam 1945-1985" của Nhà xuất bản Văn học năm 1985 có tên là “Truyện cổ nước mình”. Điều đặc biệt nữa là trong sách Tiếng Việt lớp 4 (chương trình 2006) bài thơ này có tên là "Truyện cổ nước mình" và cũng là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, xuất bản.

Nếu bài thơ này lấy tên là Truyện cổ nước mình có lẽ sẽ phù hợp hơn vì nó quen thuộc với học sinh, bạn đọc mấy chục năm nay. Đồng thời, đặt trong chủ đề “Miền cổ tích” cũng có sự thống nhất từ chủ đề đến văn bản văn thơ.

Nếu vẫn để như hiện nay là Chuyện cổ nước mình e rằng sẽ khó khăn cho cả người dạy và người học. Cùng một bài thơ, một tác giả nhưng lớp 4 các em học sinh vừa học là “Truyện cổ nước mình” nhưng lên đến lớp 6 lại có tên là “Chuyện cổ nước mình” sẽ tạo ra nhiều điều khó hiểu.

Cùng một bộ sách và tác giả nhưng có 2 cách hỏi , 2 cách đặt dấu câu khác nhau khi trích dẫn thơ, ca dao

Trong quá trình giảng dạy, điều chúng tôi khá bất ngờ là ở bài tập số 2, bài Thực hành Tiếng Việt (trang 27) của sách Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo có hai cách hỏi khác nhau.

Có bản hỏi: “Trong số các từ in đậm dưới đây, từ này là từ láy, từ nào là từ ghép?” và trong đoạn văn đó, tác giả sách giáo khoa đã cho in đậm một số từ ngữ để học sinh nhận diện rất rõ ràng.

Thế nhưng có bản lại hỏi: “Tìm các từ láy, từ ghép trong đoạn văn sau” và đoạn văn này không tô đậm một số từ như bản sách kia. Tất nhiên, với cách hỏi này thì học sinh phải tìm tất cả từ láy, từ ghép trong đoạn văn chứ không có giới hạn từ ngữ.

Thực ra, hỏi cách nào cũng được vì đoạn văn này ngắn nhưng sách giáo khoa của cùng một nhóm tác giả, một nhà xuất bản thì cần thống nhất một cách viết, một bản in. Bởi lẽ, trong một câu hỏi của một bài học mà có 2 cách hỏi khác nhau như vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn và nảy sinh những thắc mắc của học trò.

Cùng một bài tập nhưng có 2 cách hỏi khác nhau (Ảnh chụp từ sách Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo)

Cùng một bài tập nhưng có 2 cách hỏi khác nhau

(Ảnh chụp từ sách Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo)

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng còn băn khoăn khi một số chỗ tác giả sách giáo khoa đặt dấu câu khi trích dẫn thơ, ca dao lồng ghép trong một câu văn không đồng nhất khiến cho việc dạy học trò cũng gặp khó khăn.

Chẳng hạn, phần suy ngẫm và phản hồi (trang 47- tập I), sau bài thơ “Chuyện cổ nước mình”, các tác giả đặt câu hỏi và trong câu các câu hỏi này có lấy một số câu thơ đưa vào nhưng chỉ dùng dấu ngoặc kép chứ không dùng dấu 2 chấm trước dấu ngoặc kép. Cụ thể, câu hỏi 2 như sau:

Em hiểu như thế nào về các câu thơ “Đời cha ông với đời tôi/ Như con sông với chân trời đã xa/ Chỉ còn chuyện cổ thiết tha/ Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”?

Tuy nhiên, ở trang 67- tập I, khi trích dẫn một câu ca dao thì tác giả sách giáo khoa Chân trời và sáng tạo lại dùng dấu 2 chấm và dấu ngoặc kép. Cụ thể câu văn như sau:

Có cái gì khiến ta bâng khuâng, xao xuyến mãi trong mấy chữ đơn sơ này: “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng”…

Đặc biệt, ở trang 36- tập II trong phần hướng dẫn phân tích kiểu văn bản, các tác giả cũng dùng trích dẫn câu thơ lồng trong câu văn nhưng lại dùng dấu 2 chấm và dấu ngoặc kép. Cụ thể như sau:

Lời đề nghị ngây thơ, đầy tin yêu: “Cha mượn cho con cánh buồm nhé,/ Để con đi…”…

Điểm tương đồng trong 3 ví dụ mà chúng tôi minh chứng ở trên cho ta thấy có một điểm tương đồng là các tác giả dẫn thơ, ca dao vào trong một câu văn. Tuy nhiên, có ví dụ dùng dấu 2 chấm và dấu ngoặc kép, có ví dụ chỉ dùng dấu ngoặc kép mà không có dấu 2 chấm báo trước.

Những ví dụ minh chứng ở trên, chúng tôi chỉ cảm thấy “băn khoăn” chứ không khẳng định đúng hay sai nhưng đội ngũ nhà giáo chúng tôi mong muốn những tác giả sách giáo khoa cần thống nhất trong cách viết để khi dạy, chúng tôi tiện trong việc giải thích và hướng dẫn cho học trò.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Kim Oanh. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH