Lấy lý do đã tự chủ, trường đại học bị “đòi” hàng chục tỷ đồng tiền thuê đất

16/08/2022 15:26
AN NGUYÊN - THÀNH NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Trường đại học bị yêu cầu nộp hàng chục tỷ đồng tiền thuê đất với lý do là trường đã tự chủ.

Thông tin trên vừa được Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ với Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tại buổi "khảo sát về việc thực hiện chính sách, giáo dục về giáo dục đại học" chiều ngày 15/8.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: TN

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: TN

Chủ trì buổi làm việc có bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Theo đó, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng một trong 23 cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ đại học từ 2017.

Trong gần 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ thì bên cạnh những thuận lợi về phát triển đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo… thì nhà trường cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm tự chủ đại học với tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Mà bản chất hai kiểu tự chủ này là khác nhau.

Do đó mới có trường hợp nhà trường bị buộc phải nộp hàng chục tỷ đồng tiền sử dụng đất cho diện tích khoảng 4,7ha mà trường đang đóng chân”, đại diện nhà trường chia sẻ.

Nói thêm về vấn đề này, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết, thỉnh thoảng nhà trường lại nhận được công văn yêu cầu phải đóng tiền thuê đất hàng năm với lý do là trường đại học đã tự chủ nên phải đóng.

“Mà tính ra số tiền phải đóng là ‘khổng lồ’ đối với mảnh đất như Trường Đại học Kinh tế. Thật ra sổ đỏ cũng chẳng phải của Hiệu trưởng. Đó là của tập thể, của quốc gia. Tiền này, đất này cũng của nhà nước.

Thế thì nhà nước yêu cầu nhà nước phải đóng tiền cho nhà nước để được cấp sổ đỏ cho trường. Nói thật là, tôi sốc. Tôi cũng không biết nói thế nào nữa, tôi cũng không thể tranh cãi được vì quy định của Luật là phải nộp tiền sử dụng đất thì mới cấp được sổ đỏ”, thầy Toàn nói.

Về vấn đề đãi ngộ cho giảng viên trong bối cảnh tự chủ thì đại diện nhà trường cho hay, giảng viên của trường công lập hiện được trả lương theo hệ số, việc trả thêm thu nhập theo giờ cũng đang vướng quy định “làm thêm không quá 200 giờ”.

Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nêu lên những khó khăn khi nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ Đại học. Ảnh: TN

Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nêu lên những khó khăn khi nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ Đại học. Ảnh: TN

Do vậy, cho là tự chủ nhưng lại bị ràng buộc bởi các Thông tư, Nghị định nên không thể tìm được cách tăng thu nhập cho giảng viên xứng đáng.

“Hiện nay, dù có nhiều cố gắng, bằng nhiều cách, nhà trường cũng chỉ có thể trả lương từ 15-20 triệu đồng/tháng cho giảng viên. Đây là mức thu nhập được đánh giá kém hấp dẫn, không đủ sức giữ chân giảng viên”, lãnh đạo nhà trường cho biết.

Về tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của các trường tự chủ theo Thông tư 14/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường cho rằng đây là kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Bởi đặc thù mỗi trường khác nhau và có những khoản không hợp lý dẫn đến việc các trường phải tự xoay sở để xây dựng cơ chế.

Kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, Đại học Đà Nẵng được quy hoạch một làng đại học tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng với tổng diện tích hơn 300ha, nhưng nhà trường lại bị đứng ngoài các ưu đãi đầu tư, chỉ bởi trường đang thực hiện tự chủ đại học.

Ghi nhận những ý kiến phản ánh của nhà trường, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội thừa nhận một thực tế rằng:

“Chúng ta thực hiện tự chủ, và theo một nguyên lý tự chủ là giá trị của các trường đại học. Chứ không phải là trao tự chủ cho đại học mà tự bản thân các trường đại học phải được cái quyền tự chủ này.

Nhưng chúng ta còn quá nhiều vướng mắc về cơ chế, về thủ tục, đặc biệt tôi chia sẻ với các thầy cô ở chỗ là ngay cả nhận thức về tự chủ cũng đang còn có vấn đề”.

AN NGUYÊN - THÀNH NAM